Chủ nhật, 24/11/2024, 02:51[GMT+7]

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng: Khẳng định sự đóng góp của lĩnh vực viễn thông

Chủ nhật, 31/10/2021 | 08:06:04
3,129 lượt xem
Khi sự phát triển của công nghệ làm cho các thiết bị thông minh ngày càng có nhiều tính năng, tiện ích trong việc chia sẻ, lan tỏa thông tin thì đây cũng chính là công cụ cho kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền những thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Điều này một lần nữa khẳng định, vai trò không nhỏ của lĩnh vực viễn thông trong nỗ lực chung nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích của người dân trên không gian mạng.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. (Ảnh minh họa: KG).

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo và sự lựa chọn sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Bằng lý luận khoa học và thực tiễn sâu sắc, bài viết của Tổng Bí thư đã có sức truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ và củng cố niềm tin vững chắc đến mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, niềm tin về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, bài viết cũng nêu ra những khó khăn, thách thức mà Đảng ta đang gặp phải, trong đó có việc các thế lực xấu, thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình" nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tế này đặt ra sự cần thiết phải nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch để từ đó phản bác, đấu tranh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hiện nay, hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ Đảng trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn; các thủ đoạn lừa đảo người dân ngày càng tinh vi, đa dạng... Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào đất nước, vào vai trò của Đảng.

Trước tình hình trên Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng; xây dựng không gian mạng an toàn, trở thành nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới. Ngày 12/6/2018, Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng.

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" đã khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”.

Nhận diện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, các thủ đoạn lừa đảo người dân trên không gian mạng

Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ truyền thông, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc Cách mạng 4.0), những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với mục đích bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,... Chúng triệt để lợi dụng không gian mạng để tung các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây được coi là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để  tung những tin xuyên tạc, không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước ta (Ảnh minh họa: TL).

Trong đó, các thế lực thù địch luôn lợi dụng mỗi khi đất nước ta có các sự kiện chính trị quan trọng để tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng. Âm mưu của chúng không mới nhưng những phương thức, thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, nham hiểm hơn. Năm 2021 là một năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước ta, với dấu ấn là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, trong 5 năm qua, đặc biệt trong thời gian Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII, các thế lực thù địch tập trung vào một số hoạt động, như: Tạo lập hàng ngàn trang mạng xã hội,… trong đó nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức có uy tín, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường, dân sinh để thu hút người đọc, qua đó lan truyền các nội dung chống Đảng, Nhà nước; sử dụng các đài, báo bên ngoài kết hợp các kênh mạng xã hội để viết bài, cắt ghép, nhào nặn video xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; lan toả các thông tin lượm lặt từ báo chí trong nước và từ tài khoản Facebook của một số cá nhân có quan điểm cực đoan trong nước nhằm phê phán chính quyền, Đại hội Đảng các cấp; Tổ chức soạn thảo, phát tán “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”, “đơn kêu cứu”,… để thu hút sự chú ý của dư luận, cổ xúy hoạt động của một số đối tượng có quan điểm cực đoan,...

Trong khi đó, trước thềm diễn ra Cuộc bầu cử vào ngày 23/5/2021, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết các thế lực phản động, chống đối sử dụng các chiêu thức như: công kích, bôi nhọ nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp, nhất là các đồng chí là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, làm giảm sút lòng tin của nhân dân gây ảnh hưởng xấu hoạt động bầu cử; lợi dụng quá trình chuẩn bị về công tác nhân sự của hoạt động bầu cử để phát tán các thông tin theo hướng phân hoá thành phần nhân sự ứng cử đại biểu, trong Đảng và ngoài Đảng, nhằm gây chia rẽ nội bộ, gây nhiễu loạn thông tin, gây ra các dư luận trái chiều; sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp, bịa đặt chính quyền đàn áp, bắt giam những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, vu cáo chính quyền tước quyền bầu cử của người dân…

Cùng với các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, hiện nay, những đối tượng xấu cũng chĩa mục tiêu vào người dân để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, gây thiệt hại về kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người dân về đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Riêng về điều này, các nhà mạng viễn thông cho rằng, một trong những hình thức lừa đảo người dùng bằng tin nhắn điện thoại là nâng cấp SIM di động 4G để chiếm đoạt luôn SIM thuê bao và các thông tin cá nhân xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các đối tượng xấu còn giả mạo tin nhắn định danh của các doanh nghiệp như viễn thông, ngân hàng, ví điện tử... khiến nhiều người dùng mất cảnh giác, bị dẫn dụ truy cập vào các website giả mạo do chúng lập ra, từ đó người dùng bị đánh cắp các thông tin các nhân.

Doanh nghiệp viễn thông góp sức bảo vệ uy tín của Đảng, lợi ích của người dân trên không gian mạng

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng và lợi ích của người dân, thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp về lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin với những đặc thù về chuyên môn đã góp sức không nhỏ trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn trên không gian mạng, giúp giảm gánh nặng chi phí cho Chính phủ, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí.

Các doanh nghiệp viễn thông nỗ lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng để bảo vệ uy tín của Đảng, lợi ích của người dân trên không gian mạng (Ảnh minh họa: Lao động).

Thời gian qua, các nhà mạng viễn thông, công nghệ thông tin đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp, thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi đánh giá, xử lý các thông tin xấu độc, nguồn phát tán thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội góp phần đảm bảo trật tự xã hội.

Trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (từ ngày 25/1 - 2/2/2021) và bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (23/5/2021), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet,… đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an ninh mạng lưới. Trong đó, các nhà mạng đã nhanh chóng thực hiện các công tác chuẩn bị và lên các phương án đảm bảo chất lượng mạng lưới, tuyệt đối an toàn, đồng thời sẵn sàng các kế hoạch dự phòng khi có các tình huống, sự cố bất thường xảy ra trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện lớn.

Bên cạnh đó, xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tư tưởng nền tảng của Đảng, các tổ chức cơ sở đảng của khối doanh nghiệp cũng luôn chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, Đảng bộ Tổng Công ty viễn thông MobiFone – một trong những đơn vị trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã triển khai, cụ thể hóa các nội dung, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, văn bản các cấp về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tới cán bộ, đảng viên; Tăng cường truyền thông các thông tin tích cực, chính thống của chính phủ trên các phương tiện truyền thông, internet và mạng xã hội góp phần thực hiện hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Thời kỳ chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm những thách thức đối với không riêng lĩnh vực viễn thông. Chưa bao giờ công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng lại diễn ra quyết liệt và cấp bách như hiện nay. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp viễn thông càng cần thể hiện rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn  để đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày