Chủ nhật, 24/11/2024, 01:32[GMT+7]

Vững vàng trên nền tảng tư tưởng của đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Thứ 4, 03/05/2023 | 17:15:55
2,174 lượt xem
Trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội thảo Lý luận lần thứ 5 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Thưa các đồng chí,

Hội thảo lý luận hôm nay là nội dung hợp tác quan trọng giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba nhằm chia sẻ một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Cuba, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Như các đồng chí đã biết, nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng tôi đã có bài viết rất quan trọng với tiêu đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Những thành tựu lý luận và thực tiễn của Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được đồng chí Tổng Bí thư tổng kết rất đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong bài viết này, được dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao. Bài viết này cũng được trình bày trong cuốn sách cùng tên “Một số vấn đề l‎ý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư, đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha và chuyển tặng các đồng chí Cuba. Một lần nữa, tôi xin trân trọng giới thiệu và kính mời các đồng chí đọc bài viết này.

Thưa các đồng chí,

Chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph. Ăng-ghen sáng lập, được V.I. Lênin bổ sung, phát triển và hiện thực hóa từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, vượt qua những thăng trầm, sự xuyên tạc và chống phá của nhiều luồng tư tưởng khác nhau, đã hình thành nên một hệ thống tư tưởng, lý luận vững chắc, không ngừng được bổ sung, phát triển sáng tạo, thích ứng với thực tiễn thay đổi, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và khát vọng về sự tự do, giải phóng con người của nhân loại tiến bộ.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn vượt thời gian, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận thấy rõ ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đối với con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa để đi đến một sự lựa chọn lịch sử cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1].

Tư tưởng đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên sau ngày thành lập, giương cao ngọn cờ tranh đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, theo đó đưa cách mạng Việt Nam hòa vào dòng chảy của cách mạng thế giới, đưa khát vọng của nhân dân Việt Nam hoà nhịp cùng khát vọng của nhân loại tiến bộ. Cần nhấn mạnh rằng, “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là một cách tiếp cận hoàn toàn mới, chưa hề có tiền lệ lịch sử, thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; là quan điểm nhất quán, mục tiêu xuyên suốt, lý luận nền tảng và bước đi chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam; trên thực tế, đã chuyển thành niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, liên tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trăn trở, nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, không ngừng phát triển nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn để từng bước hoàn thiện mô hình, làm rõ những đặc trưng, xác định đúng phương hướng, bước đi và giải pháp tổ chức thực hiện, bảo đảm để tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam vừa tuân theo những quy luật phát triển chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trăn trở, nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi, không ngừng phát triển nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. 


Nhận rõ những bất cập, hạn chế của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết, trước yêu cầu phát triển của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, khép kín sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa và hội nhập quốc tế. Đổi mới là quá trình thay đổi sâu sắc về nhận thức và thực tiễn, về phát triển sáng tạo tư duy lý luận, đường lối chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu bước chuyển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam và do nhân dân Việt Nam thực hiện.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng là một xã hội có những đặc trưng vừa mang giá trị và khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; vừa mang những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại. Đó là: “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[2].

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng là một xã hội có những đặc trưng vừa mang giá trị và khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; vừa mang những giá trị phổ quát, tiến bộ của nhân loại. 


Để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước đề ra, hoàn thiện và thực hiện 8 phương hướng cơ bản, bao gồm: (1) đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường; (2) phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (4) bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; (5) thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (6) xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; (7) xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (8) xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện[3].

Trong triển khai các phương hướng lớn đó, Đảng chúng tôi chủ trương và thực hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Trải qua thực tiễn gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, kể từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng, thực hiện cụ thể hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011 và đến Đại hội lần thứ 13, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện lý luận về đường lối Đổi mới, lãnh đạo thành công sự nghiệp Đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xác lập nên mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam trên ba trụ cột với diện mạo nổi bật là sự ổn định, đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, lấy con người làm trung tâm:

Thứ nhất, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam, là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vừa vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo[4]. Đó là nền kinh tế lấy nhân dân làm trung tâm; vì con người, hướng tới mục tiêu phát triển con người; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước đi, từng chính sách và suốt quá trình phát triển.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhà nước mang giá trị dân chủ và nhân văn, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, công bằng và công lý; quyền của nhân dân là tối thượng, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý phát triển xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; vận dụng và thực hành sáng tạo nguyên tắc: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ ba, xây dựng và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là phương thức để phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và quyền làm chủ của nhân dân. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam có sự kết hợp thống nhất giữa các giá trị phổ biến, tiến bộ của nhân loại với các giá trị đặc thù, phù hợp hệ thống chính trị Việt Nam và cơ chế vận hành: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đó là nền dân chủ mang bản chất nhân văn, giải phóng con người, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế; thực hành theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội.

Nhìn lại gần 40 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Ngay cả trong 3 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ từ bối cảnh quốc tế và trong nước, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn trở thành một điểm sáng trên thế giới về phục hồi và phát triển kinh tế được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là minh chứng hùng hồn khẳng định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; là cơ sở thực tiễn quan trọng nhất để Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận về đường lối Đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thưa các đồng chí,

Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là, để tồn tại và phát triển, chủ nghĩa tư bản đã luôn phải tự điều chỉnh. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số,...đều là những hình thức thích ứng mới của chủ nghĩa tư bản trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, để có thể vượt qua được các cú sốc, các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào chăng nữa, chủ nghĩa tư bản hiện đại chắc chắn không phải là nấc thang phát triển cuối cùng và cao nhất của xã hội loài người. Nhiều quốc gia tư bản giàu nhất vẫn phải đối mặt với các rủi ro khủng hoảng kinh tế-tài chính, tình trạng bất ổn chính trị và phân cực xã hội gia tăng. Các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại leo thang phản ánh mâu thuẫn gay gắt, rất khó điều hòa giữa các quốc gia, các nền kinh tế tư bản và ngay trong lòng các xã hội tư bản chủ nghĩa. Hệ thống chủ nghĩa tư bản hiện đại đang cho thấy không đủ khả năng để xử lý một cách hiệu quả những thách thức cấp bách của nhân loại, như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh hiểm nghèo, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống mới nảy sinh.

Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang có sự phục hồi mạnh mẽ trên cả phương diện tư tưởng lý luận, mô hình chế độ và phong trào đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn, vì sự giải phóng xã hội và giải phóng con người. 


Trong khi đó, vượt qua cơn chấn động vào cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang có sự phục hồi mạnh mẽ trên cả phương diện tư tưởng lý luận, mô hình chế độ và phong trào đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn, vì sự giải phóng xã hội và giải phóng con người. Nghiên cứu sự thay đổi to lớn đó trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, chúng tôi thấy nổi lên 3 xu hướng lớn:

(1)- Xu hướng phát triển hiện đại: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra những cơ hội to lớn cho sự phát triển bứt phá của các nước đi sau nhờ tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nước đang phát triển đi theo con đường xã hội chủ nghĩa có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, trở thành những nước phát triển, có thu nhập cao.

(2)- Xu hướng phát triển đa dạng: Công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển bước đầu thành công ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã mở ra những nhận thức mới về con đường, bước đi, biện pháp và cách thức đi lên chủ nghĩa xã hội; và tùy thuộc vào thực tiễn cụ thể mà các nước sẽ có những bước đi, cách làm và lộ trình thực hiện khác nhau. Dựa trên những điều kiện cụ thể, các đảng cộng sản đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng, lý luận của mình: Ở Việt Nam, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh; ở Cuba, đó là tư tưởng cách mạng của Hô-xê Mác-ti, Phi-đen Ca-xtơ-rô và truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc độc đáo của nhân dân Cuba; ở Lào, đó là tư tưởng Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn; ở Trung Quốc, đó là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới,…

(3)- Xu hướng phát triển lấy con người làm trung tâm: Các đảng cộng sản và công nhân hiện nay đều chú trọng vấn đề phát triển bao trùm và bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; tạo cơ hội cho mọi người tham gia và mọi người thụ hưởng các thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau hay bị gạt ra bên lề xã hội; từ đó, tạo nên tư tưởng lôi cuốn, lan truyền cảm hứng mạnh mẽ và giá trị thực tiễn sâu sắc của chủ nghĩa xã hội hiện đại.

Trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, để tận dụng những thuận lợi, thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức, kế thừa những thành quả và nền tảng phát triển đã xác lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, phát hiện và đặt ra yêu cầu cần nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn phản ánh những vấn đề mang tính quy luật biện chứng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó là: (1) quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; (2) giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; (6) giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; (7) giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (8) giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (9) giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; (10) giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội[5].

Chúng tôi ý thức sâu sắc một vấn đề rất hệ trọng là: sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam phải luôn được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, càng đi sâu vào tiến trình đổi mới, càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chúng tôi càng thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng để đảm đương trọng trách to lớn mà nhân dân giao phó.

Trước hết, phải vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng tôi luôn nhấn mạnh, đây là vấn đề mang tính nguyên tắc hết sức quan trọng, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Phải kết hợp hài hoà, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; không ngừng nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm nêu gương của mọi cán bộ, đảng viên. Hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, những người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đặc biệt, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, ý Đảng cần hòa quyện với lòng dân, bởi “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ trương huy động có hiệu quả mọi nguồn lực vật chất và tinh thần, nhất là sức sáng tạo to lớn của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, để văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, thật sự trở thành nguồn lực nội sinh và động lực to lớn cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Với khát vọng vươn lên, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh của toàn dân, chúng tôi có niềm tin vững chắc và quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn các đồng chí.

------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.

[2] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG ST, Hà nội, tr.24

[3] Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) năm 2011), Nxb CTQG ST, Hà nội, 2011, tr72.

ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, Hà nội, 2021. Tập 1.

[4] Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đã dẫn, tập 1, tr.128

[5] Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đã dẫn, tập 1, tr.119

Nguyễn Xuân Thắng

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày