Chủ nhật, 24/11/2024, 07:39[GMT+7]

Chữa bệnh đam mê quyền lực, kén chọn vị trí!

Thứ 5, 03/08/2023 | 08:55:50
2,234 lượt xem
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã nhận diện và xác định hệ thống các biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sau hơn 5 năm thực hiện, việc nhận diện và khắc phục biểu hiện đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác của cán bộ vẫn là vấn đề có tính cấp thiết.

Ảnh: Shutterstock

Nhận diện những biểu hiện và tính nguy hại của đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ những biểu hiện của một số cán bộ có “tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”[1].

Trong đó, đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác của cán bộ, đảng viên có những biểu hiện hết sức đa dạng, tinh vi, với nhiều hình thức khác nhau nhưng không có nghĩa là “bí ẩn” không nhận diện được. Có thể nêu một số biểu hiện chính như sau:

Một là, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc để đoạt được quyền lực

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”[2]. Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Đảng ta đang phải đối mặt với những lực cản, trong đó nổi bật là biểu hiện lạm dụng quyền lực nhân dân - thực chất là biến quyền lực tập thể thành quyền lực cá nhân; đây là quyền lực bị tha hóa, khi quyền lực của nhân dân rơi vào tay những kẻ đam mê quyền lực; biến sức mạnh của tập thể thành quyền lực cá nhân.

Người đam mê quyền lực thường có biểu hiện theo kiểu dân túy, thông qua những tuyên bố gây sốc với những hành vi đánh bóng tên tuổi để “mị dân” - lấy lòng đám đông trong giải quyết mối quan hệ và những vấn đề nóng, dễ gây bức xúc trong xã hội, chạm vào “trái tim” của một bộ phận người dân với những lợi ích trước mắt họ, lại có truyền thông hậu thuẫn và tung hô xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, họ tìm cách mua chuộc quần chúng, nhất là cấp dưới để tăng tín nhiệm, thuận lợi cho việc giới thiệu mình theo quy trình vào diện quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ... Họ luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, lấy lòng mọi người, từ đồng nghiệp đến những người có tiếng nói, uy tín trong cơ quan, đơn vị, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm. Họ sẵn sàng dùng tiền để lấy lòng mọi người nhằm tạo dựng mối quan hệ với lãnh đạo cấp trên…

Một số ít cán bộ chủ chốt khi được luân chuyển về bộ, ngành, địa phương khác, thay vì sâu sát cơ sở, bám nắm tình hình nội bộ, tình hình mọi mặt của bộ, ngành, địa phương để xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ, nhất là trong nội bộ cấp ủy lại tranh thủ “gặp gỡ” các doanh nghiệp, sốt sắng xây dựng cánh hẩu, sân sau; cũng có trường hợp đi cơ sở và tranh thủ phát biểu, “động viên” tinh thần cấp dưới, với giọng “dân túy” để đánh vào tâm lý vốn đang bức xúc của một bộ phận người dân, doanh nghiệp nhằm vận động hành lang tranh thủ sự ủng hộ…; mị dân, tạo uy tín giả và để khỏa lấp đi những hạn chế về phẩm chất, năng lực cũng như những sai phạm trước đó của bản thân…

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày 26/3/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Cứ vào Đại hội, cứ chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm lại râm ran chuyện vận động, mời nhau ăn uống, cho tiền, tặng quà. Có cái gì luồn vào trong cái tình cảm ấy?”. Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ: Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển... Từ đó, Tổng Bí thư cảnh báo, nếu có thì chúng ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì chúng ta cũng phải trả lời rõ ràng, sòng phẳng, chỉ ra ai chạy, chạy ai?”[3].

Hai là, tìm mọi cách xây dựng “cánh hẩu” để củng cố quyền lực

Biểu hiện về cán bộ có đam mê quyền lực là luôn tìm mọi cách để củng cố quyền lực thông qua việc dùng ảnh hưởng và tác động để đưa người thân, người quen vào diện quy hoạch và sau đó là bổ nhiệm vào các chức vụ. Họ luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội để đưa người thân, người quen, cánh hẩu được vào ê kíp để củng cố quyền lực của mình ngày thêm vững chắc. Khi có quyền lực, một mặt, họ sẽ tìm cách thao túng, phá “thủng” nguyên tắc tổ chức và quản lý để đặc quyền, đặc lợi. Mặt khác, tìm mọi cách để kiềm chế, triệt hạ những người thẳng thắn, những người “không theo dây” hay nhóm lợi ích tiêu cực do mình là chủ trò tiếp tục đưa những kẻ nịnh nọt, chạy chức, chạy quyền vào bộ máy nhà nước.

Theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, người được bổ nhiệm nắm giữ chức vụ không phải là vô hạn về không gian, thời gian mà có thời hạn, nhiệm kỳ. Hết nhiệm kỳ, cán bộ lãnh đạo phải được cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ nhiệm lại (nếu còn tuổi, năng lực, đủ phẩm chất, tiêu chuẩn), hoặc không làm quản lý, lãnh đạo, sẽ làm chuyên môn thuần túy, hoặc nghỉ hưu. Đó là nguyên tắc công tác tổ chức cán bộ. Nhìn chung, cán bộ có đam mê quyền lực đều ý thức rất rõ về nhiệm kỳ. “Tư duy nhiệm kỳ” như một căn bệnh, tệ nạn trong xã hội xuất hiện với mức độ, hình thức, biểu hiện trong đánh giá, nhận xét, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ….

Ê kíp, “cánh hẩu” là tình trạng ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị khi lãnh đạo có người “say mê quyền lực” chủ động nâng đỡ “đàn em”, con cháu “không trong sáng” thông qua việc đề bạt quá nhanh, quá nhiều, bỏ qua các quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện theo kiểu “9C” (con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu). Do vậy, nhân dân gọi những người được đề bạt, bổ nhiệm sai là tầng lớp “5C4Đ” (con cháu các cụ cả, đừng được động đến). Đây không chỉ là tư tưởng dễ dãi, xuê xoa trong công tác cán bộ mà là hiện tượng kéo bè, kéo cánh, xây dựng ê kíp mới sẽ tạo ra “chân rết” là một nhóm lợi ích tiêu cực nhằm kéo dài bòn rút, đục khoét tài sản nhà nước và nhân dân.

Ba là, tìm mọi cách mua chức, đoạn quyền

Điểm chung của những kẻ đam mê quyền lực, kén chọn vị trí là luôn thực hiện cái gọi là phương châm “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Vì vậy, họ luôn có nhiều mưu mô nhằm đoạt cho được quyền lực; sẵn sàng vung tiền, quà biếu, tặng bằng vật chất hối lộ cấp trên thoái hóa, biến chất và đi kèm với đó là những lời nịnh hót, xin xỏ, thậm chí mặc cả về chức vị của mình.

Những bài học chạy chức quyền, chạy luân chuyển cán bộ thời gian qua cho thấy rõ biểu hiện này khi mà nhiều cán bộ dù năng lực yếu kém, thiếu tiêu chuẩn, bằng cấp, nhưng nếu có tiền, vật chất hối lộ, và biết đưa hối lộ thì vẫn được sếp để mắt tới, được bố trí vào những vị trí có nhiều “màu mè”, lợi ích...

Bốn là, kén chọn vị trí công tác.

Những cán bộ có tham vọng chức quyền, đam mê quyền lực khi đã được quy hoạch, bổ nhiệm lại “kén cá chọn canh”, chọn vị trí công tác mà họ cho là “ngon”; chọn việc dễ, tránh việc khó; chọn nơi gần, tránh nơi xa; chọn nơi có nhiều lợi ích, bổng lộc. Những con người này chỉ thích được phân công tại những nơi có nhiều “màu mỡ”, thích công tác bên chính quyền, doanh nghiệp lớn ở thành phố lớn, vùng đô thị…, không thích công tác ở khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể bởi ở những nơi này không có “màu mỡ”, khó kiếm chác.

Có những trường hợp mặc dù đã được tổ chức Đảng phân công vị trí công tác mới, nhưng với những mánh khóe, thủ đoạn sẵn có là hối lộ, kẻ có tham vọng chức quyền, đam mê quyền lực tư lợi, vun vén cá nhân vẫn “lội ngược dòng” vào “phút bù giờ” để về công tác tại những vị trí có nhiều màu mỡ, bổng lộc.

Vì tư tưởng cục bộ, bản vị, vì “lợi ích nhóm tiêu cực” một số cán bộ chủ chốt nhân danh sự tín nhiệm của nhân dân địa phương đối với mình, tìm mọi cách để “kéo dài” vị trí công tác ở địa phương nhằm mục đích đưa người nhà, người thân vào các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp hay trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Không những vậy, họ tìm mọi cách để gây khó khăn hay cản trở cán bộ từ địa phương, ban, ngành và đơn vị khác được các cấp có thẩm quyền điều động đến. Có cán bộ chủ trì nhân danh tập thể hoặc là áp đặt ý kiến của cá nhân bắt tập thể phải thông qua các quyết định thiếu dân chủ về công tác cán bộ. Vì vậy, trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với các vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vừa qua đều chỉ ra khuyết điểm chung là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của cán bộ chủ chốt và cấp ủy.

Đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác - Hiểm họa khôn lường

Bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con người có đạo đức tốt.

Mặt tiêu cực của quyền lực là luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực. Quyền lực là “con dao” hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì lợi ích thấp hèn của cá nhân.

Quyền lực là của nhân dân, người được ủy quyền khi bị quyền lực làm tha hóa, sẽ sử dụng quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu, mà vì lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, của một nhóm người, họ quay lại với nhân dân, nhưng biến nhân dân từ chủ nhân của quyền lực thành bị chèn ép, thậm chí bị tước đoạt. Họ sử dụng quyền để trục lợi cá nhân hay lợi ích nhóm hoặc sử dụng quyền vượt ra ngoài giới hạn được trao để thỏa mãn khát khao quyền lực. Trường hợp thứ nhất sinh ra tham nhũng, trường hợp thứ hai gọi là lạm quyền. Đó đều là quyền lực bị tha hóa. Trên thực tế, tham nhũng và lạm quyền luôn song hành.

Hiểm họa khôn lường của đam mê quyền lực, kén chọn vị trí của cán bộ xuất phát từ vai trò của cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947) khi Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”[4]. Theo đó, mức độ nguy hại phụ thuộc vào việc những kẻ đam mê quyền lực đó đang giữ vị trí nào, ở lĩnh vực nào, cụ thể là:

Trước hết, đối với nội bộ, người đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác sẽ làm mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, từ đó làm suy yếu thậm chí làm mất sức chiến đấu của các tổ chức, nhất là tổ chức Đảng, chính quyền và bộ máy quản lý. Điều này xuất phát từ vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Bởi lẽ, những người có phẩm chất, năng lực nhưng không chịu chạy sẽ không được đề bạt, bổ nhiệm; từ đó nảy sinh tư tưởng, bất mãn, chán chường với công việc, sẵn sàng đề đạt nguyện vọng thuyên chuyển sang nơi khác, thậm chí nghỉ việc. Còn những kẻ kém tài, kém đức nhưng khéo chạy, biết cách chạy có thể sẽ dễ dàng leo lên các thang bậc của quyền lực. Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng. Bởi vì, khi đã có chức quyền, kẻ có tham vọng chức quyền trục lợi phi pháp, chúng sẽ dùng chính những đồng tiền trục lợi được để đi hối lộ nhằm tạo sự bao che một cách trắng trợn, để rồi được tiếp tục thăng tiến hoặc hạ cánh an toàn. Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ tạo ra bất công, mà còn dẫn đến nghịch cảnh trớ trêu là: “Nước quá trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi” và bị coi là quan hệ kém… 

Nếu cán bộ đam mê quyền lực là cán bộ cấp chiến lược thì hiểm họa càng lớn. Bởi vì, khi họ ở vị trí có quyền quyết định đến sinh mệnh chính trị của người khác, thì họ ký thêm hàng chục, hàng trăm quyết định bổ nhiệm cán bộ thuộc quyền, cấp dưới cũng có hành vi “chạy” như mình; hệ quả là sẽ tạo ra “một dây” - hệ thống vướng vào tiêu cực trong nhiệm kỳ của anh ta, vì một lẽ thường tình: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Chính vì vậy, bất kì sai lầm nào trong công tác cán bộ, đặc biệt là với cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp chiến lược sẽ đều phải trả giá rất đắt, “làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[5].

Thứ hai, đối với nhân dân, những kẻ đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác thực chất là những kẻ đã “tha hóa quyền lực”, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân bằng hình thức này hay hình thức khác. Quyền lực đó được nhân dân ủy quyền cho đội ngũ cán bộ để bảo đảm quyền làm chủ của mình theo luật định thì bị chính người được ủy quyền đó biến quyền lực nhân dân thành quyền lực cá nhân và sử dụng sai mục đích, làm biến dạng bản chất của chế độ dân chủ ở ta, là trở lực lớn để xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đó, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin vào kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ.

Thứ ba, đối với bạn bè và đối tác, làm suy giảm sự tin cậy của bạn bè và đối tác của Việt Nam về môi trường kinh doanh ở các địa phương và của cả nước vì những cán bộ vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì hầu hết lại là những kẻ đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác lại thường gây khó khăn cho các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án khi nhũng nhiễu doanh nghiệp để trục lợi bất chính. Nếu các hành vi tiêu cực đó của họ bị các thế lực thù địch và kẻ cơ hội chính trị lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta thì mức độ nguy hại càng lớn. Trước hết, làm mất thiện cảm, mất niềm tin của bạn bè quốc tế và các đối tác đối với Việt Nam; nguy hiểm hơn và không loại trừ khả năng nước ta dễ rơi vào hoàn cảnh bị cô lập nếu những kẻ đam mê quyền lực đã “chui sâu, leo cao” vào các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa của Việt Nam khi họ đưa ra hoặc tham mưu cho Đảng, Nhà nước ra những quyết định sai lầm.

Căn nguyên của tình trạng đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác.

Một là, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân của mọi nguyên. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ đảng viên, làm tha hóa Đảng. Chủ nghĩa cá nhân đặc biệt nguy hiểm và khó chống vì nó là kẻ thù vô hình, lại nằm trong bản thân mỗi con người, là gốc của mọi bệnh, với những biến tướng phức tạp, đa dạng khôn lường. Căn bệnh này trong cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và “mổ xẻ” từ sớm khi cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”[6]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân và người lãnh đạo phải khắc ghi điều đó trong công việc hằng ngày; muốn vậy, phải gần gũi, học hỏi quần chúng nhân dân, đảng viên, biết lắng nghe ý kiến của họ. Người lên án mạnh mẽ các biểu hiện tha hóa quyền lực, như lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực: “Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng...”[7].

Chủ nghĩa cá nhân, suy đến cùng là nguyên nhân tạo nên những cán bộ có tham vọng quyền lực, đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác. Vì chủ nghĩa cá nhân, lòng tham vô đáy đã thúc đẩy họ có tham vọng chức quyền. Vào Đảng là để có quyền lực nhiều hơn, vì thế có nhiều lợi ích hơn, dễ kiếm tìm danh lợi, bổng lộc, địa vị, tiền bạc. Quyền lực - lợi ích là công thức, đồng thời cũng là “vòng tròn khép kín” những mưu mô, thủ đoạn của những kẻ có tham vọng chức quyền, biến họ trở thành kẻ thoái hóa, biến chất, cơ hội, vụ lợi, có lối sống buông thả, chạy theo vật chất tầm thường, trở thành người có tội với Đảng, với nhân dân.

Hai là, tham vọng quyền lực xuất hiện có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu và cơ bản vẫn là do cơ chế kiểm soát quyền lực, chế ước quyền lực chưa hữu hiệu, tình trạng lạm dụng quyền lực chưa được khống chế. Quyền lực nhà nước từ chỗ là quyền lực công, nhưng do không có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ mà ít nhiều bị tha hóa, bị lợi dụng, trở thành quyền lực của cá nhân, hoặc của một nhóm người để tư lợi cá nhân.

Mặc dù Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền”, nhất Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, nhưng việc quán triệt và thực hiện ở các cấp chưa nghiêm.

Ba là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chưa thực hiện nghiêm túc trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, suy thoái về đạo đức, lối sống.

Một số giải pháp khắc phục biểu hiện đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác.

Thứ nhất, tiếp tục nhận diện những biểu hiện mới, biến tướng mới cũng như tác hại và nguyên của bệnh đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác trong đội ngũ cán bộ các cấp và không ngừng đấu tranh phê phán và có chế tài đủ mạnh để phòng, ngừa những kẻ đam mê quyền lực, kén chọn vị trí công tác chui vào nội bộ ta.

Thứ hai, thường xuyên quán triệt và triển khai sâu rộng Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”, đặc biệt là nội dung: Đảng viên không được quan liêu, thiếu trách nhiệm; đảng viên không được “biết mà không báo cáo, phản ảnh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng”…, đảng viên không được lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm, đề cử, ứng cử trái quy định; không được can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được “đề cử, ứng cử”…, “không được lợi dụng chức vụ để giúp người thân và để người thân ra nước ngoài khi chưa có phép của cơ quan có thẩm quyền”…

Thứ ba, đẩy mạnh tổ chức quán triệt và cụ thể hóa theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” (thay thế Quy định số 205-QĐ/TW). Quy định 114-QĐ/TW thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đã liệt kê cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác. Thực hiện tốt trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, “người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời, phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn”[8]. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ, biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết.

Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2021 - 2030. Một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”[9].

Thứ tư, tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại gắn với chế độ công vụ. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng nền hành chính nhà nước của dân, do dân, vì dân. Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng Luật về đạo đức công vụ và thực hiện nghiêm Luật Cán bộ, công chức. Thực hiện “cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc; khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[10]; tạo động lực để cán bộ, đảng viên cống hiến, ngăn ngừa tiêu cực trong thi hành công vụ, xây dựng niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.28-29.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.28.

[3] Xem: Nguyễn Phú Trọng (2018), Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, khó khăn nào cũng vượt qua, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.339-340.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.5, tr.280.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.23.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.11, tr.611.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.51.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.129-130.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 187-188.

[10] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.438.

TS. Nguyễn Kiêm Viện

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày