Chủ nhật, 24/11/2024, 18:02[GMT+7]

Khúc tráng ca dưới chân núi Nấp

Thứ 2, 08/07/2024 | 08:35:29
4,681 lượt xem
Tối ngày 11/5/1967, máy bay Mỹ ném bom trúng đội hình tiểu đội xung kích thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước thuộc Đại đội 873 - Đội N87 TNXP Thái Bình. Trận bom kinh hoàng hôm ấy đã làm cả một đoạn dài đường ray tàu bị hất tung lên, đất đá bay mù mịt, người hy sinh... Sự hy sinh của 13 nữ TNXP quê ở huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình ngày ấy đã trở thành bất tử viết nên “Khúc tráng ca dưới chân núi Nấp”.

Cựu TNXP Đại đội 873 - Đội N87 TNXP Thái Bình dâng hương và làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP núi Nấp.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Thanh Bình, 78 tuổi, quê ở xã Mê Linh, huyện Đông Hưng nguyên là đội viên TNXP Đại đội 873 - Đội N87 tay ôm bó hoa huệ trắng, một tay hướng nén hương về phía trước, chậm rãi từng bậc một bước đến bát nhang phía trên Đài tưởng niệm thờ chân linh các anh hùng liệt sĩ dưới chân núi Nấp, phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa. Tôi dõi nghe trong tiếng nấc nghẹn ngào của bà gọi đủ tên 13 đồng đội thân yêu. “Các bạn ơi! Nhi ơi, Khánh ơi, Hương ơi, Nhạn ơi, Việt ơi, Bé ơi, Thư ơi, Sửu ơi, Duyên ơi, Đinh Thúy ơi, Nụ ơi, Na ơi, Cao Thúy ơi… Hôm nay là ngày giỗ chung của các bạn. Chúng mình vào đây thăm và thắp hương cho các bạn đây. Sống khôn, thác thiêng nhé! Phù hộ, độ trì cho gia đình, cho quê hương, đất nước và cho chúng mình nữa nhé”. Cẩn trọng đặt bó hoa huệ xuống kệ thờ, bà Bình như muốn choàng tay ôm vào lòng bát hương cả trăm nén đang cháy đỏ, cuộn khói trắng nhẹ nhàng bay về trời cao, linh thiêng dưới chân núi Nấp… Trong giây phút ấy, bà không kìm nén được cảm xúc và bật khóc, hiệu ứng của đau thương ùa về cùng các bà Chiến, bà Thu, ông Vượng, ông Ánh, ông Chiêu, ông Phạm Ngọc Sơn và các thành viên đoàn chiến sĩ Trường Sơn, cựu TNXP huyện Đông Hưng. Tất cả đều rung lên nỗi cảm thương nhắc về ngày ấy 11/5/1967. Đã 57 năm rồi giặc Mỹ cướp đi 13 người đồng đội, người bạn thân yêu, những người con của quê hương các xã thuộc huyện Tiên Hưng, nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nay là ngày giỗ chung của họ.

Với tôi, đây là lần đầu được đến nơi này dâng hương và tưởng niệm các liệt sĩ TNXP quê hương Thái Bình hy sinh dưới chân núi Nấp. Nơi đây trong chiến tranh chống giặc Mỹ từng là “túi bom”, là “tọa độ lửa” của giặc Mỹ bởi trọng điểm này là “yết hầu” của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, màu xanh ngút ngát của cây cối, của lúa, ngô... cùng những ngôi nhà cao tầng mọc lên như muốn xóa đi những đau thương, mất mát một thời. Vết thời gian đã hằn rõ trên tấm bia tưởng niệm nhưng rêu phong không thể che mờ được khúc tráng ca của 13 nữ TNXP ngày ấy. Những tháng ngày cả dân tộc cùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau giây phút xúc động của các cựu nữ TNXP tưởng nhớ về đồng đội, mọi người lại như lắng tâm, ai cũng ngồi lặng im cầu niệm cho người đã khuất. Ngồi cạnh tôi là bà Nguyễn Thị Chiến, nay cũng đã sang tuổi 78 vết thời gian và đau thương dẫu đã lùi xa mà hôm nay khuôn mặt vẫn thất thần, đau thương như mới chỉ là vài giờ trước, là của ngày hôm qua.

“Chú ạ” - bà Chiến rưng rưng - “càng nghĩ càng thương các bạn vô cùng, cùng trang lứa, cùng nhập ngũ một ngày, cùng đơn vị, thế mà 13 đứa hy sinh hôm 11/5/1967 đã có đứa nào lấy chồng đâu. Cái Nhạn cùng quê Nguyên Xá với tôi năm ấy nhiều tuổi nhất cũng mới có hai mươi mốt tuổi, cái Vũ Thị Hương quê ở xã Lô Giang, trẻ nhất Đại đội khi hy sinh mới bước sang tuổi 17, cái Cao Thị Thúy bằng tuổi tôi quê ở xã Phú Châu hiền lành như đất, nó là chị gái của vợ thương binh Phạm Ngọc Sơn đó… Hôm ấy bom Mỹ ném trúng đội hình tiểu đội xung kích... Đau đớn, đau đớn vô cùng”.

Chỉ tay về phía một người đàn ông, dáng gầy gò khắc khổ, anh ấy là Vũ Ngọc Vượng, người quê xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, ngớt tiếng bom là có mặt ở hiện trường đã cùng các đồng đội và người dân thu lượm thân thể các đồng đội để khâm liệm rồi đưa về chôn cất ở nghĩa trang xã Đông Văn cách đây chừng hơn hai cây số. Tiếng mõ và lời tụng niệm cho đồng đội của bà Đặng Thị Sen nay đã ở tuổi 80 đều nhịp. Bà Sen quê ở xã Tây Đô, huyện Tiên Hưng cũ, nay là huyện Hưng Hà, ngày vào núi Nấp cùng đồng đội bà thân nhất với đồng đội Nguyễn Thị Na người cùng xã, 12 người bạn đã chia nhau phần cốt về nằm ở các nghĩa trang huyện Đông Hưng, đến nay chỉ còn duy nhất phần cốt chia người đồng đội Nguyễn Thị Na đang nằm lại nghĩa trang xã Đông Văn. Thật đơn côi đau đớn vì gia đình Na chưa có điều kiện đón di cốt chị về với quê nhà.  

Khúc tráng ca dưới chân núi Nấp

Trong lúc các anh, các chị tĩnh lặng tụng niệm cho đồng đội, tôi lặng lẽ rời khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và cùng ông Vũ Ngọc Vượng với mong muốn được một lần nhìn lại hố bom của giặc Mỹ ném xuống chân núi Nấp. Con đường sỏi lam nham chỉ cách di tích lịch sử quốc gia, Đài tưởng niệm liệt sĩ khoảng trên 200m là đến vị trí hố bom Mỹ ném ngày 11/5/1967. Vừa bước chân vào một khoảng sân khá rộng, tình cờ tôi gặp được ông chủ căn nhà, ông tự giới thiệu tên là Đinh Công Bình, năm nay 74 tuổi, gia đình ông Bình hiện đang ở trên chính phần đất của hố bom xưa. Ông Bình bảo hai hố bom to nhất bây giờ được gia đình ông cải tạo thành ao nuôi cá, phía đất sát với đường tàu trồng rau và mấy cây hoa cảnh. Chuyện về 13 nữ TNXP và 4 công nhân đường sắt ngày ấy hy sinh trên phần đất gia đình ông đang ở, ông không tận mắt chứng kiến mà chỉ nghe kể lại. Ông Bình bảo rằng linh hồn các nữ TNXP hy sinh ở đây thiêng lắm. “Mỗi lần tàu Bắc Nam chạy qua đến địa phận đều kéo còi chào hương linh các chị, trước khi qua chân núi Nấp”. Cả chủ và khách đều đứng bên bờ ao hướng mắt sang chân núi Nấp. Chỉ tay sang bên đường tàu và phía núi Nấp, ông Vượng kể: Cái hôm máy bay Mỹ ném bom đúng trận địa tang thương lắm. Đường ray tàu bị hất tung lên, đất đá bay mù mịt, xác những người hy sinh người nọ lẫn với người kia... Trong tang thương ấy, các đồng đội đã bất chấp hiểm nguy, cùng với nhân dân địa phương ra nơi này gom nhặt để đủ 13 phần liệt sĩ. Bà con nhân dân xã Đông Văn làm thiện nguyện người vải, người gỗ để an táng các chị cách nơi này hơn hai cây số.

Câu chuyện của ông Bình và cựu TNXP Vũ Ngọc Vượng tự dưng bị dừng lại và chùng xuống, một con tàu chở hàng từ phía Bắc lao tới chân núi Nấp và một hồi còi tàu hú dài trước khi vượt qua chân núi Nấp vào phía Nam, ông Đinh Công Bình bảo: Các bác nhìn kìa, có thiêng không? Tàu lại hú còi chào các chị nữ TNXP hy sinh ở chân núi Nấp đấy. Tôi đã nói rồi, các chị TNXP thiêng lắm. Hôm nay tôi mới được biết thêm là ngày giỗ chung của các chị. Các chị thiêng thật, thiêng vô cùng. Thời gian dành cho lễ cầu siêu tụng niệm các linh hồn liệt sĩ khá lâu, mặt trời đứng bóng chiếu xiên thẳng qua các tán cây, nhưng nhiệt độ hôm nay ở thành phố Thanh Hóa không quá gay gắt. Tôi nghe có ai đó nói “Nên có người đến nghĩa trang liệt sĩ Đông Nam, ở đấy có Nguyễn Thị Na vẫn đang nằm lại, chưa được đưa về quê hương Thái Bình”. Anh Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa dẫn đường cho chúng tôi đến nơi chôn cất ban đầu các nữ TNXP và đến dâng hương, đặt hoa viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang Đông Nam. Tại nơi này, trước phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Na, tôi nghe tiếng nấc nghẹn của ông Vũ Ngọc Vượng: “Na ơi! Anh là Vượng, Vượng Nguyên Xá đây, anh và mọi người vào thắp hương cho em, khôn thiêng Na độ trì cho đồng đội nhé…”.

Rời Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP núi Nấp, tôi trở lại Thái Bình và được nghe Chủ tịch Hội Chiến sĩ Trường Sơn huyện Đông Hưng - thương binh Phạm Ngọc Sơn kể cho nghe về người chị gái của vợ ông, liệt sĩ Cao Thị Thúy:

 “Chị Thúy là con gái đầu của bố mẹ vợ tôi đấy. Hồi chị Thúy đi TNXP chưa tròn 17 tuổi. Người yêu của chị ấy cũng nhập ngũ cùng năm và nằm lại chiến trường miền Nam năm 1968. Khi đơn vị TNXP 873 vào đóng quân bảo đảm giao thông đường sắt khu núi Nấp, chị ấy ở trọ với các chị Nhạn, chị Mỵ, chị Lộc, trận bom tọa độ làm 2 người hy sinh. Nghe tin chị Thúy hy sinh cả gia đình tôi tang thương đau đớn lắm” - thương binh Phạm Ngọc Sơn nói vậy và ông lặng đi vì xúc động.

Câu chuyện đau thương nơi núi Nấp đã được bụi thời gian che khuất 57 năm rồi, nhưng tôi muốn nhắc tên núi Nấp - một trong những trọng điểm bị bắn phá ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đại đội TNXP 873 đã thành lập đội xung kích, gồm những đội viên ưu tú sẵn sàng xả thân để giữ vững cho huyết mạch giao thông luôn thông suốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam và ngày 11/5/1967 định mệnh, 13 người con ưu tú của quê hương Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng) và 4 công nhân đường sắt đã từng nguyện “Quyết tâm không để mạch máu giao thông ngừng trệ”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương”; “873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”; “Địch phá thì ta làm lại”... Những lời thề ấy đã trở thành bất tử khắc ghi cho đến mai sau. Họ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, họ đã vì giải phóng miền Nam mà hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả mạng sống của mình. Nghiệt ngã của chiến tranh, khúc tráng ca bất tử đó là vào lúc 20 giờ 45 phút ngày 11/5/1967. Tôi đã cùng các anh, chị đồng đội của 13 liệt nữ TNXP trở lại nơi núi Nấp này, để cảm nhận được sự ấm áp của đất dưới chân mình.

Hơn nửa thế kỷ rồi, trăm ngàn tấn bom ở tọa độ chết năm nào đổ xuống nơi đây đã đốt cháy làm cho đất như đỏ hơn. Pha lẫn trong đó còn là máu, là xương của những người con Thái Bình ngã xuống. Vâng, núi Nấp, núi Nhồi vẫn mãi trường tồn, bút văn tôi dẫu không kham đủ và xin viết lại những dòng “Thương lắm các liệt nữ của quê hương” phần cuối bài viết này xin được một lần nữa nhắc tên các chị Dương Thị Nhì, Vũ Thị Khánh, Trần Thị Nụ, Hạ Thị Việt, Hoàng Thị Bé, Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Duyên, Đinh Thị Thúy, Cao Thị Thúy, Chu Thị Sửu, Nguyễn Thị Na, Vũ Thị Hương và Nguyễn Thị Nhạn. Các chị mới đang ở tuổi đôi mươi đã đi vào cõi thiên thu ngàn năm thương nhớ, cho quê hương, đất nước trường tồn. Cho tôi viết khúc tráng ca dưới chân núi Nấp.

Tháng 7 năm 2024


Nguyễn Công Liêm
Thành phố Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày