Thứ 7, 09/11/2024, 22:10[GMT+7]

Những quy định về vệ sinh phòng bệnh trong hương ước xưa ở Thái Bình

Chủ nhật, 04/08/2024 | 21:24:08
10,777 lượt xem
Trong hương ước của các làng xã ở Thái Bình thuở trước thường dành một chương hoặc mục riêng với một số điều quy định cụ thể, chi tiết về việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, phong trào xây đời sống mới, trong đó có công tác vệ sinh phòng bệnh đã sớm được triển khai sâu rộng trên cả nước. Tuy nhiên, cũng từ những quan niệm cực đoan, quá tả về khái niệm xây đời sống mới là phải xóa bỏ tàn dư của chế độ cũ nên hương ước của các làng không còn được duy trì. Thay thế những quy định trong hương ước của làng là những quy định mang tính hành chính của các cấp chính quyền và luật pháp của Nhà nước. Nhưng có khá nhiều vấn đề cụ thể trong đời sống sinh hoạt, ăn ở, ứng xử của các cộng đồng thôn làng thì những quy định của chính quyền không cụ thể hóa được.

Trại phong Vân Môn, thành lập năm 1900, nay thuộc xã Vũ Vân (Vũ Thư). Ảnh tư liệu.

Mấy thập kỷ qua, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, việc biên soạn và duy trì hương ước của các thôn làng được khuyến khích, nhưng dường như ít bản hương ước của thôn làng ở thời nay có những quy định chi tiết, cụ thể về vệ sinh phòng bệnh. Xin được nêu những quy định về vệ sinh phòng bệnh trong hương ước xưa của một số làng ở Thái Bình để có thể tham khảo, biên soạn quy định về lĩnh vực này trong hương ước hiện hành của các thôn làng. 

Hương ước làng An Khê (Hưng Hà) dành khoản 10 quy định về việc vệ sinh:

 - Nhà ai có người hay trâu, bò, lợn mà mắc phải bệnh truyền nhiễm thì lập tức gia chủ phải báo ngay cho hội đồng biết, để làm giấy trình quan trên xin thầy thuốc về cấp cứu, chẳng may người mắc bệnh ấy mà bị chết thì phải chôn ngay và đổ vôi lên trên cho hợp vệ sinh, không được để quá 24 tiếng đồng hồ; còn trâu, bò, lợn mà chết về bệnh ấy thì phải chôn ngay cấm không ai được ăn thịt những con vật ấy trước hay sau khi chôn, ai không tuân theo thì phải khoán 5 đồng sung quỹ, nhược bằng không chịu thì hội đồng lập biên bản mà phí tổn thì người ấy phải chịu. 

- Giếng nước ăn của dân cấm không ai được lội, mò, giặt giũ hay tắm rửa, hoặc làm nhà xí ở bên cạnh cũng như buộc trâu bò ở gần đó, ai phạm những điều ấy thì phải khoán 2 đồng sung quỹ, không chịu thì cũng theo như đã nói trên. 

Hương ước làng Hoàng Nông (Hưng Hà) quy định: 

- Cấm không ai được vất uế vật ra đường và làm nhà xí bên đường, ai phạm cấm phải phạt 2 hào. 

- Các giếng nước ăn phải tìm cách giữ gìn cho được trong sạch. Phí tổn về sự sửa giếng dân trích tiền công để chi. 

- Khi trong làng phát ra chứng bệnh thể truyền nhiễm, lý trưởng phải trình quan ngay để xin thầy thuốc về chữa. 

- Trong làng có ai mắc hủi, lý trưởng phải trình khám thực đem ra Vân Môn (trại phong của tỉnh), không được vị nể mà để ở trong làng những đồ dùng của người bệnh hay người chết cấm không được bỏ xuống hồ ao, ai phạm cấm hương hội phạt 5 hào… 

Hương ước xã Thọ Vực (Đông Hưng) quy định:

 - Muốn cho người làng được mạnh khỏe thời phải theo phép vệ sinh, một là phòng bệnh, hai là chữa bệnh… 

- Khi trong làng phát ra chứng bệnh có thể truyền nhiễm hương lý phải trình quan ngay để xin thuốc về chữa. Và trong làng có ai mắc bệnh phong, lý trưởng phải trình quan trên ngay xét thực rồi đem ra nhà dưỡng tế không được để ở trong làng. Hương ước xã Kim Châu (Đông Hưng) quy định: 

- Những người có thân thích bị ốm ở xa muốn đem về làng phải tường hương lý trước, xét thực không phải là bệnh truyền nhiễm, thì mới được đưa về làng, lý dịch dung túng tố cáo chịu lỗi. Hương ước làng Đông Hồ (Thái Thụy) quy định: 

- Trong làng nếu có xảy ra bệnh đậu, bệnh dịch tả, bệnh chó điên cùng các bệnh truyền nhiễm khác thì lý dịch phải làm giấy trình quan để xin quan thầy thuốc cứu chữa cho khỏi truyền nhiễm. 

- Phàm người nào có người thân đi làm xa, không may bị tử cùng là hài cốt cấm không được đem về làng cho khỏi sự truyền nhiễm, cùng các vật chết phải đem chôn xa, không được vất bậy ra hồ ao cùng lối đi lại. Nếu ai không tuân sẽ phạt từ 2 hào đến 3 hào. 

Hương ước làng Cổ Am (Kiến Xương) quy định: 

- Hương hội thường phải hiểu bảo người làng phải giữ nhà riêng và đường đi chung trong làng xóm cho sạch sẽ. 

- Cấm không ai được vất uế vật ra ngoài đường. Ai phạm hội đồng phạt 3 hào. 

- Sông ngòi ăn nước cấm không ai được vất vật nhơ và vất rác. 

- Khi trong làng phát ra chứng bệnh truyền nhiễm, lý trưởng phải trình quan ngay để xin quan thầy thuốc về chữa. 

- Những đồ dùng của người ốm hay người chết cấm không được vất xuống sông ngòi, ai phạm cấm hội đồng phạt 5 hào. 

Hương ước làng Động Trung (Kiến Xương) quy định: 

- Cách vệ sinh trong làng ở đình chùa, nhà cửa, đường sá, sông, ao, cấm chỉ không ai được vất những đồ uế khí và phóng uế ra những chỗ cấm trấp ấy. Nếu hương lý hay tuần đinh bắt được phạt từ 2 hào đến 4 hào để sung công quỹ. 

- Trong làng từ tháng 7 đến tháng 8 chia làm ba kỳ mà bắt chuột cứ dân đinh mỗi người 2 đuôi chuột hoặc rắn đem nộp cho hương lý tại công sở, nhưng việc đánh chuột ấy giao về các giáp. Giáp trưởng phải đôn đốc dân đinh trong giáp án phận cho đủ số chuột, nếu giáp nào để thiếu dân ghi phạt từ 2 hào đến 4 hào để sung công quỹ, nếu giáp nào bắt được nhiều thời thưởng từ 2 hào đến 4 hào. 

- Trong làng hoặc có người xảy ra bệnh truyền nhiễm như: phong, sởi, đậu, tả thì không được giấu phải trình hương lý để trình quan. 

- Dự định cách vệ sinh ở trong làng phải giữ gìn đình chùa, nhà cửa, sông ngòi và hồ ao cho sạch sẽ mà lại giữ gìn nhất là hồ ao, sông ngòi, ăn uống cho cẩn thận, cấm không ai được làm những chỗ chứa uế hay phóng uế hay làm chuồng lợn ở bên hồ ao, đường sá, sông ngòi, nếu ai không tuân mà phạm vào điều đã canh mà phải phạt 2 đồng và phải phá hủy ngay đi... 

Hương ước làng Nam Huân Nang (Kiến Xương) quy định: 

- Sông ngòi, hồ ao phải giữ sạch sẽ, để lấy nước ăn uống, không được thả vật uế ở sông ngòi, đầm ao và chôn người chết hay làm nhà xí, chuồng trâu, bò, lợn cùng chỗ buộc trâu bò ở gần chỗ nước dùng ăn uống, không được đắp lối tiêu nước hay lối nước chảy vào ao, ai không tuân phải phạt 5 hào và bắt làm lại chu đáo những sự mình đã làm xảy ra. 

- Đường lối trong làng như công lộ hay đường xóm nọ sang xóm kia phải đắp cao rộng. Xóm nào không đắp huynh trưởng xóm đó phải chịu trách nhiệm. Không được buộc trâu, bò ở đường và thả ở đường mà không có người quản cố, không được phóng uế ở đường hay để vật gì ở đường có thể ngăn trở sự đi lại và cây cối giậu sách ngả ra đường, ai không tuân phải phạt 3 hào và phải chu đáo những việc mình đã làm xảy ra. 

- Chợ là nơi có thức ăn, cần giữ sạch sẽ, trước ngày phiên chợ và khi chợ hết người họp, trương tuần phải bắt người coi chợ thu quét sạch sẽ vấn rác và khơi chỗ đọng nước cho khỏi đáng, cấm không ai được buộc trâu, bò và tàn phá cây cối, lều quán, giậu sách ở chợ, ai không tuân phải phạt 5 hào và phải bồi thường sự tổn hại. 

- Người nào cải táng phải tường chức dịch chứng tri, khi cải xong những uế vật phải chôn đi, không được vất bậy, ai không tuân phải phạt 5 hào. Pháp luật hiện hành không cho phép thôn làng đặt ra các chế tài xử phạt bằng tiền với các hành vi vi phạm quy định trong hương ước, nhưng đa phần những nội dung đã được quy định về vệ sinh phòng bệnh giữ gìn, bảo vệ môi trường như trên đều mang tính tích cực, tiến bộ, rất cần được kế thừa có chọn lọc để xây dựng quy ước của các thôn làng hiện nay.

NGUYỄN THANH 

(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày