Thứ 7, 23/11/2024, 10:20[GMT+7]

Nơi lắng sâu thời hoa lửa

Thứ 6, 09/08/2024 | 14:54:11
738 lượt xem
Dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, cựu chiến binh, thương binh Phạm Thế Hùng, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) cùng đồng đội ở Hải Phòng, Hải Dương thuộc đơn vị D50 Tỉnh đội Bình Định trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở lại thăm chiến trường xưa, thắp hương tri ân đồng đội đã nằm lại chiến trường. Nén tâm nhang của cựu chiến binh, thương binh Phạm Thế Hùng và đồng đội tại chùa Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) - một nghĩa cử cao đẹp về người còn sống với người đã hóa thân cho Tổ quốc trường tồn.

Cựu chiến binh, thương binh Phạm Thế Hùng (người ngoài cùng bên trái) và các đồng đội thắp hương tri ân liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Ghi ở chùa Phước Sơn 

Cùng chuyến đi trở lại huyện Tuy Phước thắp hương tri ân đồng đội với cựu chiến binh, thương binh Phạm Thế Hùng còn có các đồng đội là Phạm Văn Chung ở phường Trần Lãm, Nguyễn Văn Ngọc ở phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình), Ngô Cao Thắng ở xã Nam Bình (Kiến Xương), Đỗ Quốc Lập, Nguyễn Hoàng Tiệm quê ở thành phố Hải Phòng, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Quang Bách, Bùi Văn Cư quê ở Hải Dương, Đỗ Nhật Tân ở Hà Nội. Nén tâm nhang của các cựu chiến binh D50 dâng tại chùa Phước Sơn tưởng nhớ ni sư Phạm Thị Ngọc Mai (Thích Đàm Mai) và tưởng nhớ các đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Nghĩa trang Liệt sĩ Cát Tiến, xã Phước Hòa, huyện Phù Cát (Bình Định).

Chúng tôi lặng lẽ dâng hương ban chánh điện chùa Phước Sơn rồi vượt lên núi dâng hương trên phần mộ của ni sư Thích Đàm Mai được xây cất trên lưng chừng núi, tựa phía sau là dãy núi Bà linh thiêng. Cựu chiến binh Hồ Thanh Nhàn, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn D50 từ năm 1972 đến năm 1975 hiện cư trú ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phú Mỹ (Bình Định) năm nay đã ở tuổi 80, ông trực tiếp hướng dẫn đoàn đi thắp hương tri ân đồng đội nói với các cựu chiến binh từng là chiến sĩ của mình: “Các đồng chí D50 vào Bình Định tri ân đồng đội trước nhất phải vào dâng hương ni sư Thích Đàm Mai vì ni sư ở chùa này là cơ sở cách mạng đã trực tiếp đào hầm bí mật, nuôi giấu nhiều cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn D50, trực tiếp lo thuốc men, cung ứng thực phẩm nuôi Tiểu đoàn chúng ta trong nhiều năm tháng cam go ác liệt”. 

Chùa Phước Sơn nằm sát dãy núi Bà trùng điệp vắt qua 3 huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát địa hình hiểm trở, có nhiều khe núi thung sâu, có nhiều hang che giấu bộ đội. Những năm tháng đánh Mỹ, chùa Phước Sơn nhỏ bé nhưng có mấy ai được biết rằng trong ngôi chùa bé nhỏ có một ni sư lặng lẽ đào hầm bí mật để nuôi giấu bộ đội và giúp đỡ cách mạng, đó là ni sư Thích Đàm Mai. Cựu chiến binh Hồ Thanh Nhàn kể rằng, Tiểu đoàn D50 thành lập ngày 19/8/1963 tại xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, nơi này trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Bình Định. D50 đã lập nhiều chiến công hiển hách, mỗi trận đánh của D50 là một chiến công oanh liệt, khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn. Những năm tháng đánh Mỹ, D50 cùng các đơn vị lực lượng vũ trang phải đối mặt với cả sư đoàn mãnh hổ của Nam Triều Tiên với hàng nghìn quân Mỹ, các lực lượng ngụy quyền, ngày đêm chúng tổ chức càn quét nhằm tiêu diệt các lực lượng của ta. Chúng nã pháo vào mọi mục tiêu trên núi Bà nghi có bộ đội ta đóng quân. Chiến trường Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát ác liệt vô cùng, bộ đội của ta hy sinh rất nhiều, hiện còn nhiều đồng chí nằm lại khe đá, thung sâu, chưa tìm được hài cốt để quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Đau thương vô cùng, chỉ trong 12 năm sau ngày thành lập 19/8/1963 đến kết thúc chiến tranh 30/4/1975 riêng D50 tỉnh Bình Định đã có trên 500 cán bộ chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất Tuy Phước, trong đó có hàng chục người con ưu tú của quê hương Thái Bình nằm lại nơi này. Riêng nghĩa trang liệt sĩ xã Phước Sơn thôi đã có tới gần hai chục phần mộ liệt sĩ quê hương Thái Bình. 

Giữa không gian nghĩa trang Phước Sơn đầy nắng và gió lặng im trong khói hương trầm, tôi chậm rãi chép lại tên của một số người con quê hương Thái Bình đã được tạc trên bia đá: Liệt sĩ Nguyễn Cao Bông quê xã Đông Quang, huyện Đông Hưng; liệt sĩ Nguyễn Ngọc Toàn quê huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình; liệt sĩ Nguyễn Chính Tương quê xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư; liệt sĩ Lê Duy Phước, sinh năm 1940 quê xã Vũ Hồng, huyện Vũ Thư, đơn vị D5, E12, F3; liệt sĩ Lê Văn Thắng, D50, hy sinh 20/9/1970 quê xã Đông Tân, Đông Quan, Thái Bình... Còn nữa rất nhiều người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho quê hương Tuy Phước, tỉnh Bình Định mà trong bài viết này tôi chưa nhắc tới. 

Lắng sâu ân tình đồng đội 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhắc đến những năm tháng đấu tranh hào hùng với kẻ thù xâm lược và tàn ác, ánh mắt của những người lính thuộc tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của tỉnh Bình Định vẫn ngời sáng, lắng sâu ân tình đồng đội. Cựu chiến binh Trần Minh Hoàng (biệt danh Trần Khánh), nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 2 năm 1969, hiện đang cư trú tại thành phố Quy Nhơn được gặp lại những người bạn chiến đấu từ miền Bắc vào thăm nghẹn ngào xúc động reo lên: Hùng này, Tiệm này, Lập nữa... chúng bay tình nghĩa lắm, một thời anh em chúng mình sống chết bên nhau, hơn nửa thế kỷ rồi vẫn không quên nhau được. 

Cựu chiến binh Trần Minh Hoàng choàng tay ôm Phạm Thế Hùng và Đỗ Quốc Lập, ông rành mạch nhớ lại: “Hai thằng mày” có nhớ không, cuối tháng 8/1968, Tiểu đoàn D50 về đứng chân ở khu vực Phương Phi, Phương Thái và Trung Lương (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát), làm nhiệm vụ củng cố, huấn luyện bổ sung chuẩn bị cho chiến dịch thu đông. 7 giờ ngày 10/9/1968, một đại đội lính Nam Triều Tiên khoảng hơn 100 tên từ đồn Mỹ Long xuống chợ Phương Phi để càn quét, ta bố trí trận địa phục kích sẵn. Khoảng 10 giờ 30 phút, bọn Nam Hàn đi đúng ý định của ta. Đại đội 1 chặn đầu nổ súng, Đại đội 2 đánh chính diện, Đại đội 3 khóa đuôi, bộ đội ta xung phong truy kích bọn lính Nam Triều Tiên chạy la khóc giữa trưa nắng trên cánh đồng trước chợ Phương Phi. Trận đánh diễn ra hơn 30 phút, ta đã tiêu diệt hoàn toàn đại đội lính Nam Triều Tiên. 

Các cựu chiến binh D50 gặp nhau và cứ như thước phim quay chậm những kỷ niệm về từng trận đánh, những kỷ niệm về đồng đội mãi ra đi được ôn nhớ trong nước mắt nhạt nhòa của những người lính già. Đến thăm Đại tá Phan Trọng Thể năm nay đã ở tuổi 93 hiện trú tại 109 đường Hai Bà Trưng, thành phố Quy Nhơn (ông nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn từ ngày thành lập đơn vị 19/8/1963 đến năm 1968 và nguyên là Chủ nhiệm chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Định). Gặp lại các chiến sĩ cũ từ Thái Bình, từ miền Bắc vào thăm, ông Thể xúc động: Cảm ơn các em nhé! Cảm ơn các đồng đội của tôi đã không quên quê hương Bình Định, các em đã vô đây là phải ở lại ăn cơm với thủ trưởng cũ đấy nhé. Các cựu chiến binh lần lượt ôm lấy thủ trưởng cũ của mình, chúc ông sức khỏe để mỗi năm một lần được đến thăm ông và gia đình. 

Tạm biệt những kỷ niệm chùa Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tạm biệt thành phố Quy Nhơn, đoàn chúng tôi có thêm cuộc gặp mặt ân tình với ông Phạm Thanh, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, nguyên Tiểu đoàn trưởng D50 Bình Định. Những cái bắt tay ân tình, những nụ cười rạng rỡ, những lời chào mộc mạc của tình yêu thương đồng đội, những câu chuyện về bám dân, bám đất luồn càn đánh địch, những câu chuyện về đồng đội nằm lại trên sườn non, trong hang đá, những trận chiến sinh tử với “Mãnh hổ Nam Triều Tiên”... lại tiếp nhau trong nước mắt tuôn trào. “Các anh em từ ngoài Bắc vào đây tuổi mới mười chín, đôi mươi mà đánh giặc gan dạ vô cùng, không sợ chết, ban ngày rút lên núi Bà, nằm trong hầm sâu, ban đêm xuống núi về với dân, diệt ác, xây dựng cơ sở cách mạng, mấy anh em người Thái Bình vào Bình Định chiến đấu dũng cảm lắm, không chỉ các anh em ở D50 đâu mà còn ở các tiểu đoàn D51, D52, D8 và có cả một sư đoàn chủ lực chủ yếu là anh em từ Bắc vào - Sư đoàn Ba Sao vàng đấy. Anh em đánh giặc giỏi lắm, được nhân dân yêu mến lắm. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định luôn ghi nhớ tinh thần quả cảm của anh em, cán bộ, chiến sĩ từ các tỉnh miền Bắc đã vào đây chiến đấu” - ông Phạm Thanh hồi tưởng. 

Ghi nhận tinh thần quả cảm của những người con Thái Bình đã chấp nhận hy sinh gian khổ cùng nhân dân tỉnh Bình Định đánh giặc để Bình Định có được như ngày hôm nay, chỉ tay về hướng núi Bà, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định Phạm Thanh trăn trở: Trên núi Bà kia còn đó xương cốt đồng đội chưa được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang đâu. Xương cốt họ chưa được về với quê nhà đâu. Chúng mình là đồng đội của nhau phải có trách nhiệm với anh em đã hy sinh để cùng thế hệ hôm nay tìm kiếm, cất bốc hài cốt các đồng đội về nghĩa trang và đưa họ trở về quê nhà... 

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày