Thứ 7, 23/11/2024, 06:10[GMT+7]

Cựu chiến binh quê Thái Bình lập nghiệp ở Đắk Lắk: “Tôi chỉ mong người dân được nhiều hưởng thụ…”

Thứ 2, 18/11/2024 | 16:56:35
2,273 lượt xem
Buổi sáng, trên vùng quê xã Ea Păl, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã trở nên nhộn nhịp. Mọi người hối hả ra đồng, lên nương rẫy, tiếng nói cười rôm rả, sôi động... Nhưng nếu là người xa đến sẽ không biết rằng nơi đây từng là một vùng quê nghèo túng. Với sự lao động sáng tạo và lòng quả cảm, đạp bằng gian khó, những người lính Cụ Hồ mà đứng đầu là ông Vũ Xuân Thu đã cải biến, dựng xây, kiến thiết nên vùng quê trù phú với tiền đồ rộng mở.

Ông Vũ Xuân Thu (bên phải) nhận Cờ thi đua dẫn đầu liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk tháng 4/2024.

Ông Vũ Xuân Thu quê ở thôn Trà Đông, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn 714, một đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân Fulrô và xây dựng kinh tế trên vùng đất Tây Nguyên.

Giai đoạn bắt đầu sự nghiệp đổi mới 1986 -1988, Trung đoàn 714 được chuyển đổi thành Nông trường 714 trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Năm 2006, thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Nông trường 714 giải thể, toàn bộ tài sản, đất đai được chuyển giao lại cho huyện Ea Kar quản lý. Để ổn định đời sống và sản xuất cho người lao động, huyện Ea Kar đã thành lập một bộ phận điều hành sản xuất trên diện tích đồng ruộng của nông trường cũ. Tuy nhiên, công tác quản lý của mô hình này bộc lộ nhiều bất cập nên hiệu quả sản xuất không cao, lâm vào cảnh thua lỗ.

 Ông Thu nhớ lại: “Khi ấy, Nông trường nợ ngân hàng tới 16 tỷ đồng. Vì thế không ai dám đương đầu gánh khoản nợ to ấy. Tôi thấy tiếc cho cánh đồng lúa bao la rộng lớn này và hơn thế là nghĩ tới cuộc sống của người dân. Đấy còn là mồ hôi, nước mắt, là máu xương của anh em đồng đội một thời hy sinh đánh đổi mới có được. Vì thế tôi vận động một số anh em đảng viên, cựu chiến binh quyết tâm giữ lại nhằm khôi phục, hồi sinh vùng đất này”.

Ông thuyết phục mọi người và rồi những đồng đội của ông cũng theo ông, cùng nhìn về một hướng, thế chấp 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay ngân hàng, đắp đổi vốn liếng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 714 vào giữa năm 2010 do ông Vũ Xuân Thu làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX. Được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng trên 383ha lúa nước 2 vụ cùng toàn bộ tài sản trên đất để phục vụ cho sản xuất, gồm 4 trạm bơm với 7 tổ máy và toàn bộ kênh mương phục vụ tưới tiêu. Đổi lại, HTX phải gánh khoản công nợ 16 tỷ đồng do nông trường cũ để lại.

Bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh, cùng với chuyển đổi cây trồng, HTX đã chú trọng liên kết với các đơn vị sản xuất giống nhằm phát triển và đưa các giống lúa có chất lượng cao như: ST24, ST25, Đài thơm 8, RVT... vào sản xuất. Đồng thời đầu tư kiên cố hóa kênh mương, tổ chức vận hành hiệu quả 4 trạm bơm, 7 tổ máy, bảo đảm điều tiết đủ nước tưới. Bên cạnh đó, HTX định hướng cho các thành viên và hộ liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên 32 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Organic.

Cùng với đó, HTX đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thành viên và các hộ liên kết, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, phát triển sâu rộng các mô hình sản xuất theo hình thức “3 giảm, 3 tăng”, “4 đúng”; liên kết tổ chức phun thuốc tập trung bằng máy bay; đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, kho sấy lạnh, máy xay xát liên hoàn, máy sấy không đảo công nghệ cao giúp tiết kiệm nhân công, chi phí và giải quyết được bài toán bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, việc cơ giới hóa được thực hiện tương đối đồng bộ từ công đoạn làm đất, gieo sạ, thu mua nông sản, chế biến… giúp giảm thiểu chi phí, mang lại hiệu quả sản xuất cao. Hiện nay, năng suất trung bình đạt từ 8 đến 9 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 11 tấn/ha. HTX đã xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm “Gạo ST 25 Eakar”, sản phẩm “Gạo 714” đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk thăm cánh đồng HTX 714.

Hiện nay, HTX có 51 thành viên và 587 lao động với tổng diện tích canh tác 690ha tại huyện Ea Kar và Krông Pắc. Ông Thu cho biết, HTX tiến hành thí điểm chuyển đổi theo mô hình “một vụ lúa, một vụ khoai lang” khá hiệu quả với trên 100ha. Nhiều hộ gia đình thu nhập cao như hộ ông Bùi Xuân Sáng trồng 1,2ha khoai lang xuất khẩu thu về 800 triệu đồng, lãi khoảng 600 triệu đồng. Năm 2023, HTX đã đạt sản lượng 4.720 tấn lúa, doanh thu đạt trên 65 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng. Năm 2024 này dự kiến sẽ còn đạt mức cao hơn.

Chánh Văn phòng Huyện ủy Ea Kar Phan Trọng Hùng dẫn chúng tôi thăm cánh đồng HTX Nông nghiệp 714 và cho biết, ngoài tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX Vũ Xuân Thu còn là một đảng viên gương mẫu, nhiệt huyết trong công tác xây dựng Đảng và chăm lo công tác xã hội, luôn là tấm gương để thế hệ trẻ noi bước, học tập. Năm 2023 và 2024, HTX đã đóng góp trên 40 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội của huyện Ea Kar.

Chi bộ HTX Nông nghiệp 714 hiện có 12 đảng viên do ông Bùi Xuân Thu làm Bí thư, trong đó một nửa là đảng viên là cựu chiến binh đã có 45 đến 50 năm tuổi Đảng. Năm 2023, Chi bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Kar công nhận là tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Vũ Xuân Thu (bên trái) giới thiệu quy trình sản xuất lúa công nghệ cao của HTX 714.

Đã ngoài 70 tuổi, người đảng viên, cựu chiến binh quê lúa Thái Bình vẫn cầm lái đưa chúng tôi thăm những cánh đồng lúa xanh thẳm trên đất Tây Nguyên – trên vùng quê Ea Păl - Ea Kar đất ấm tình người. Ông nắm tay tôi rất chặt rồi nói: “Tôi sẽ làm việc tới khi nào không còn sức và chỉ mong sao cho người dân được nhiều hưởng thụ…”.

Nguyễn Văn Chiến

(Tạp chí Xây dựng Đảng)   

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày