Thứ 7, 23/11/2024, 09:41[GMT+7]

Dân hiến “tấc vàng” Kỳ 4: Mở không gian đón sóng đầu tư

Thứ 5, 13/10/2022 | 08:01:06
9,298 lượt xem
Hơn 1 năm qua, nhiều điểm nghẽn kìm hãm phát triển kinh tế được tháo gỡ, nguồn lực đầu tư được khơi thông đã tạo cho Thái Bình thế và lực mới vươn lên mạnh mẽ trong thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại giúp các dự án thứ cấp thuận lợi trong đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

Tạo đà thu hút đầu tư

Hiện nay Thái Bình có hệ thống giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhiều tuyến đường mới đã và đang được triển khai tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ như tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, đường tỉnh 454, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình...

Là khu công nghiệp (KCN) tiên phong trong Khu kinh tế Thái Bình, KCN Liên Hà Thái có tổng diện tích gần 600ha sớm được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. 

Ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái) cho biết: Nhờ người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng nên chúng tôi sớm có mặt bằng sạch. Chúng tôi yên tâm tập trung nguồn lực tài chính, chỉ đạo nhà thầu thi công huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trong đó ưu tiên hoàn thành trước hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông và nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN bảo đảm đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp vào hoạt động ngay, không để lãng phí tài nguyên đất. Đến nay, sau gần 1 năm chúng tôi đã thu hút được 6 dự án lớn, công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 471 triệu USD. Hiện chúng tôi còn 10 đối tác là doanh nghiệp FDI đang đàm phán, nghiên cứu đầu tư vào Liên Hà Thái, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD.

Trong 6 dự án thứ cấp đầu tư vào KCN Liên Hà Thái, dự án nhà máy sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối, điều khiển điện, sản xuất linh phụ kiện cho màn hình Led, TV Oled của Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình đã đi vào hoạt động sau 8 tháng triển khai xây dựng nhà xưởng. Theo thiết kế, nhà máy Ohsung Vina Thái Bình sản xuất khoảng 149 triệu sản phẩm/năm phục vụ thị trường linh kiện điện tử Việt Nam và các nước trên thế giới. 

Ông Park Ki Won, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Để thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam, Ohsung Vina đã đi nhiều nơi nghiên cứu tìm địa điểm đầu tư và chúng tôi lựa chọn KCN Liên Hà Thái của Thái Bình đặt nhà máy với quy mô đầu tư 40 triệu USD. Chúng tôi nhanh chóng quyết định nơi này vì thấy KCN Liên Hà Thái có sẵn mặt bằng sạch, đáp ứng được nhu cầu về diện tích và công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hệ thống giao thông thuận lợi kết nối Thái Bình với các trung tâm logistics như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh giúp chúng tôi vận chuyển hàng hóa nhanh chóng. Ngoài ra, dự án còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh về kết nối, đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh trật tự giúp chúng tôi có thể vận hành sản xuất ngay khi hoàn thiện đầu tư nhà xưởng, máy móc.

Công ty TNHH Lotes Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD.

Những dự án có chất lượng cao được đầu tư vào KCN Liên Hà Thái cũng mang lại niềm tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân có đất bị thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp. 

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Để thực hiện dự án KCN Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy phải tổ chức thu hồi đất với tổng diện tích 593,7ha của 3.613 hộ dân và 4 doanh nghiệp. Do được công khai, minh bạch thông tin về dự án, chính sách đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng nên cơ bản bà con đồng thuận thực hiện. Hiện nay, hạ tầng KCN được đầu tư hiện đại, nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại vào hoạt động khiến bà con yên tâm, phấn khởi, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Kết quả đó cũng giúp huyện Thái Thụy thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng những dự án khác trên địa bàn trong thời gian tới, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của huyện.

Còn ông Phạm Hồng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thụy Liên (Thái Thụy) chia sẻ: Chính quyền địa phương và người dân xã Thụy Liên rất mừng vì đất đai sau khi thu hồi được đầu tư phục vụ phát triển kinh tế ngay, không để “treo” như ở một số nơi. Hơn nữa, những dự án được thu hút vào KCN Liên Hà Thái có quy mô lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến, ít tác động đến môi trường là điều chúng tôi mong muốn, phấn khởi nhất.

Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình đi vào hoạt động sau 8 tháng đầu tư xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc.

Mở cơ hội phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện được mục tiêu lớn đó, tỉnh đang huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển. Trước mắt, tập trung giải phóng mặt bằng và hoàn thành xây dựng hạ tầng một số KCN có quy mô lớn trong Khu kinh tế để kịp thời đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. 1 trong 3 đột phá phát triển của Thái Bình là tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ; trước mắt, tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh để tạo sức hút đầu tư.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Cùng với đầu tư hàng loạt tuyến đường kết nối trong Khu kinh tế, các KCN, cụm công nghiệp, tỉnh đang quy hoạch và có phương án lấn biển phát triển khu phố biển Đồng Châu sẽ làm thay đổi mạnh mẽ về diện mạo cũng như thu hút đầu tư phát triển Tiền Hải trong những năm tới. Nhận thấy tiềm năng của Tiền Hải, vừa qua đã có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào KCN Tiền Hải, khu du lịch sinh thái Cồn Vành, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Và khi KCN - đô thị - dịch vụ Hải Long với diện tích gần 400ha được đầu tư và thu hút dự án vào sản xuất sẽ mở ra cơ hội cho Tiền Hải chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đánh thức tiềm năng kinh tế biển.

Từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn khác với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 77.500 tỷ đồng, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển. 

Ông Đặng Văn Tính, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Xác định được ý nghĩa của các công trình giao thông đối với sự phát triển của tỉnh, thời gian qua chúng tôi phối hợp với các địa phương triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng. Nhiều công trình đã hoàn thành thi công, vượt tiến độ từ 3 - 4 tháng so với kế hoạch giúp hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện và mặt bằng sạch sẵn có đã và đang tạo ra sức hấp dẫn thu hút đầu tư đặc biệt cho Thái Bình. Đã có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế đến Thái Bình nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 7/2022 toàn tỉnh có 55 dự án đầu tư được chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 15.445,4 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 713 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 6.949,9 tỷ đồng, tăng 35,8% về số lượng và tăng 45,1% về vốn đăng ký; 240 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn tỉnh có trên 1.000 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 130.000 tỷ đồng, trong đó có trên 90 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 1 tỷ USD.

Khi đánh giá về tính khả thi thực hiện mục tiêu phấn đấu của Thái Bình đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP đạt 80% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng (3.500 USD) trở lên; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động toàn xã hội giảm còn 22%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thái Bình hoàn toàn có thể sớm đạt được. Đồng chí cho biết, Thái Bình đang rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan trung ương, Thái Bình đang tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế và hệ thống đường cao tốc, đường bộ ven biển. Khi hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật các KCN trong Khu kinh tế hoàn thiện đồng bộ sẽ tạo ra sức hút đầu tư cho Thái Bình cũng như mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến Thái Bình hợp tác đầu tư, cùng phát triển.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày