Thứ 7, 23/11/2024, 10:12[GMT+7]

Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Thứ 2, 06/11/2023 | 09:24:15
12,455 lượt xem
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả tích cực: Duy trì tăng trưởng khá, sản xuất có sự chuyển dịch mạnh, phát triển theo chiều sâu, giảm quy mô - tăng chất lượng và giá trị nông sản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng dụng công nghệ số đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh (Kiến Xương).

Thay đổi tư duy sản xuất

Nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá vật tư nông nghiệp tăng cao; diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp giảm để phát triển công nghiệp, dịch vụ; sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu... là những khó khăn ngành nông nghiệp phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng nỗ lực của bà con nông dân, nhiều chỉ tiêu của ngành vẫn đạt và vượt kế hoạch. Nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, vừa bảo đảm an ninh lương thực và các vấn đề xã hội vừa đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Nửa đầu nhiệm kỳ, ngành nông nghiệp đã thực hiện tốt công tác tham mưu trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn; tham mưu ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh, kịp thời tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng ngành. Tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm (2021, 2022) ước đạt 2,5%/năm. Điều quan trọng hơn cả là tư duy sản xuất của người nông dân đã có sự thay đổi, từ chỗ tập trung vào sản lượng chuyển sang quan tâm tới chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn, gắn kết với thị trường tiêu thụ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng 33 mô hình phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo sự lan tỏa ở nhiều địa phương. Tiêu biểu như mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo xã Bình Thanh (Kiến Xương), mô hình nâng cao giá trị nuôi cá sủ phục vụ tiêu dùng và du lịch tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy), mô hình trồng sen và các sản phẩm từ sen ở xã Chí Hòa (Hưng Hà) phục vụ du lịch và xây dựng sản phẩm OCOP... Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 1.714,6ha diện tích lúa chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 - 4 lần so với cấy lúa. Tại một số địa phương, các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai đã liên kết tổ chức sản xuất với quy mô lớn, kết hợp với cung ứng vật tư, nguyên liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa được đẩy mạnh giúp giảm chi phí và bao tiêu sản phẩm, thành lập các HTX kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Đến nay, tổng diện tích tích tụ, tập trung đạt 11.216ha, tăng 3.332ha so với năm 2020.

Chăn nuôi có sự chuyển dịch tích cực về quy mô. Toàn tỉnh hiện có 2.390 trang trại, trong đó 1.871 trang trại quy mô nhỏ, 466 trang trại quy mô vừa và 53 trang trại quy mô lớn. Ước tính sản lượng các trang trại chiếm 63% sản lượng sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh. Thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm lúa TBR39 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và HTX DVNN xã Đông Quý (Tiền Hải) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Nông thôn mới đi vào chiều sâu

Nếu như chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn toàn tỉnh khi kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp thì những năm gần đây tập trung vào việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân nông thôn một cách bền vững. Trong đó có việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các tiêu chí an ninh trật tự.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các HTX đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 113 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn.

Chương trình “Thắp sáng đường quê” được triển khai thực hiện, 42 xã lắp đặt được gần 181km điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; 46 xã đăng ký lắp đặt điện chiếu sáng bằng điện lưới với tổng chiều dài 240,6km, đã lắp đặt được 105,34km.

Đến nay, toàn tỉnh có 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đã được đoàn thẩm định cấp tỉnh thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận.

Tiếp tục tháo gỡ “nút thắt”

Việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã có kết quả bước đầu song chưa rõ nét; việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp còn chậm; hoạt động chế biến nông sản còn chưa nhiều, sản phẩm bán ra chủ yếu ở dạng thô, giá thành thấp; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân chiếm tỷ lệ thấp, chưa bền vững; đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế... Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại đòi hỏi tỉnh cũng như ngành nông nghiệp phải có những giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tối đa cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ đã ban hành.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện, lan tỏa các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao tính chuyên nghiệp để tổ chức sản xuất, đổi mới tư duy để tăng sức mạnh cho các HTX, tổ hợp tác, giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, xây dựng chuỗi giá trị, thúc đẩy chế biến. Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản.

Ngân Huyền

Tác phẩm tham dự giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày