Chủ nhật, 17/11/2024, 09:46[GMT+7]

Kiều hối không chỉ là tiền

Thứ 5, 04/10/2012 | 15:46:39
981 lượt xem
Lượng kiều hối gửi về Việt Nam tính từ năm 1993 đến nay đã lên tới 70 tỷ USD. Đây không chỉ là một nguồn lực, mà còn thể hiện tình cảm sâu nặng của kiều bào và người lao động Việt Nam ở nước ngoài đối với người thân, quê hương, đất nước.

Các hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài thu hút đông đảo kiều bào tham dự. Đây là biểu hiện sinh động ý chí và nguyện vọng của hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về quê hương đất nước.

Lượng kiều hối bao gồm hai khoản tiền chủ yếu gửi từ nước ngoài về Việt Nam, đó là số tiền của Việt kiều và số tiền do người làm việc ở trên 40 nước gửi về cho gia đình và người thân ở trong nước.

Nguồn lực lớn

Một, lượng kiều hối gửi về Việt Nam nếu trước năm 1998 còn ở mức dưới 1 tỷ USD/năm, thì từ năm 1999 đến nay đã gần như tăng liên tục qua các năm và đạt quy mô khá (từ năm 1999 đã vượt qua mốc 1 tỷ USD, từ năm 2002 đã vượt qua mốc 2 tỷ USD, từ năm 2004 đã vượt qua mốc 3 tỷ USD, từ năm 2006 đã vượt qua mốc 5 tỷ USD, sau đó cứ sau 1 năm là vượt thêm 1 tỷ USD).

Lượng kiều hối chỉ giảm nhẹ trong năm 1997 khi cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ xảy ra và giảm mạnh hơn trong năm 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có.

Năm 2012, mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới bị suy giảm, các nước thuộc khu vực EU bị khủng hoảng nợ công, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam 6 tháng đã đạt trên 6 tỷ USD, dự đoán cả năm sẽ vượt qua mốc 11 tỷ USD, đạt quy mô lớn nhất từ trước tới nay.


Lượng kiều hối gửi về Việt Nam tính từ năm 1993 đến nay đã lên tới 70 tỷ USD. Đó là lượng ngoại tệ khá lớn khi việc so sánh với các nguồn ngoại tệ khác. Lượng kiều hối so với GDP bình quân từ năm 1993 đến nay bằng hoặc trên 7%, trong đó từ năm 2004 đến nay đạt cao hơn (8,5%), riêng năm 2007 và 2012 vượt qua mốc 9%.

So với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện từ năm 1993 đến nay lượng kiều hối đạt 72%, trong đó có những năm lượng kiều hối còn lớn hơn FDI thực hiện (như năm 2003 là 2.657 triệu so với 2.650 triệu USD, bằng 100,3%, năm 2004 là 3.200 triệu so với 2.853 triệu USD, bằng 112,2%, năm 2005 là 3.800 triệu so với 3.309 triệu USD, bằng 114,8%, năm 2006 là 5.200 triệu so với 4.100 triệu USD, bằng 126,8% và năm 2012 có thể đạt 11- 12 tỷ USD so với 11 tỷ USD).

Còn so với lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân từ năm 1993 đến nay thì lượng kiều hối cao gấp trên 2 lần.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam lớn và tăng lên đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỷ giá. Ngay năm 2011 và 2012 này, cán cân thanh toán đã có số dư vượt dự đoán sau 2 năm bị thâm hụt.

Đối với nhiều gia đình, nhờ có lượng ngoại tệ từ nước ngoài gửi về đã trang trải cuộc sống, mở lối làm ăn mới; nhiều lao động đi xuất khẩu lao động đã có một lượng vốn khá, học tập được tác phong công nghiệp,… và đầu tư lập lên trang trại, cửa hàng, tổ sản xuất,…

Đặc biệt, nhờ lượng ngoại tệ do lao động ở nông thôn đi xuất khẩu gửi về đã đáp ứng được một phần sự khát vốn ở khu vực kinh tế nông nghiệp cùng với sự thay đổi bộ mặt nông thôn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tạo nhiều thuận lợi đón dòng kiều hối

Lượng kiều hối có quy mô lớn và gia tăng chuyển về Việt Nam do nhiều nguyên nhân.

Có nguyên nhân do Việt Nam có số lượng kiều bào ở nước ngoài khá đông đảo, lên tới hơn 4 triệu người, phần đông ở các nước phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao, có một bộ phận có chí hướng, cần cù, có tri thức, làm ăn phát đạt và nặng lòng với người thân, với quê hương, đất nước.

Việt Nam cũng có lực lượng lao động lên tới trên 400.000 người làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ. Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền mà số lao động này trong một vài năm gần đây đưa về lên đến gần 2 tỷ USD/năm.

Có nguyên nhân quan trọng là do sự đổi mới của đất nước và sự thông thoáng, cởi mở của chính sách đối với kiều hối. Sự cởi mở, thông thoáng này được thể hiện trên nhiều điểm, trong đó có một số điểm đáng lưu ý. Mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh. Cho phép nhận ngoại tệ tiền mặt hoặc mở tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại. Phí chuyển tiền được quy định ở mức rất thấp, chỉ 0,05% tiền chuyển về. Không hạn chế số ngoại tệ chuyển về.

Người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập. Nhà nước cho phép nhiều tổ chức tham gia vào chuyển tiền kiều hối, như các ngân hàng thương mại, bưu điện, công ty làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối. Người nhận kiều hối không bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại theo tỷ giá quy định, mà được nhận đúng ngoại tệ chuyển về, hoặc bán cho ngân hàng thương mại là quyền của họ.

Có nguyên nhân do “cánh kéo” tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ. “Cánh kéo tỷ giá” là chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái thực tế và tỷ giá sức mua tương đương, mặc dù đã giảm xuống so với những năm trước kia, nhưng vẫn còn khá lớn, hiện vào khoảng 3 lần – tức là 1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp 3 lần ở Mỹ.

Lãi suất gửi tiết kiệm của nội tệ hiện cao gấp nhiều lần của ngoại tệ; nếu trừ đi sự biến động tỷ giá thì chênh lệch vẫn còn hấp dẫn đối với việc gửi ngoại tệ về nước. Đây cũng là chiều hướng nhiều người đã bán ngoại tệ cho ngân hàng lấy nội tệ gửi tiết kiệm và góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Theo chinhphu

  • Từ khóa