Lưu xá một địa danh lịch sử
Làng Lưu Xá sớm đi vào sử nước bởi nơi đây là ấp thang mộc của Lưu Ngữ, công thần mở nghiệp triều Lý, quê hương của Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều những trọng thần của vương triều. Lưu Xá là nơi gặp gỡ giữa Trần Thị Dung, con gái họ Trần ở Tinh Cương với Thái tử Sảm của vua Lý Cao Tông (1176-1210).
Cuộc tình duyên ấy đã đưa họ Trần từng bước vào triều chính để mở ra vương triều Trần với những chiến công chói lọi, chấn động cả thế giới. Lưu Xá còn là nơi các danh nhân văn hoá Trần Quang Khải, Lê Hiến Tông từng ghi lại bút tích. Lưu Xá xưa thuộc huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, sử cũ còn ghi “thôn Lưu gia thuộc Hải ấp” với nghĩa ngôi nhà của họ Lưu ở vùng biển cũng là để chỉ về làng Lưu Xá (nay thuộc xã Canh Tân huyện Hưng Hà).
Lưu Xá nằm bên bờ sông Luộc rất thuận tiện cho việc đi lại, nhất là phương tiện vận tải thuỷ. Từ Thăng Long xuôi thuyền ra biển, từ biển theo cửa Thái Bình, cửa Ba Lạt vào Thăng Long đều có thể ghé thuyền, dừng chân tại Lưu Xá. Ngày nay ngoài phương tiện thuỷ có thể đi theo đường 39A Thái Bình - Hưng Yên, Lưu Xá cách thành phố Thái Bình 40km, cách thành phố Hưng Yên 15km, Lưu Xá thuộc vùng đất cổ Hưng Hà, vùng đất đã có lịch sử trên dưới 3000 năm.
Ngày nay ở Hưng Hà còn rất nhiều dấu tích là vùng đất cổ, dấu tích về sự có mặt sớm của con người, Hưng Hà là nơi tìm thấy trống đồng, mũi tên đồng, các đồ trang sức bằng đồng… có niên đại cùng với đồ đồng Đông Sơn, cách ngày nay 2500 năm, là vùng đất có nhiều mộ cổ có niên đại trên dưới 2000 năm, nơi có nhiều làng vốn xưa là cương, là đống, là động, nhiều làng mang tộc danh Bùi, Dương, Đào, Đặng, Đinh, Lê, Lưu, Phạm, Trần.
Vì là vùng đất sớm khai phá nên cũng phát triển sớm, làng mạc nơi đây trù phú, đồng ruộng tốt tươi. Từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất nhiều thủ lĩnh đã lấy đất Hưng Hà làm căn cứ tụ nghĩa chống Hán rồi chống giặc Lương. Thế kỷ thứ X Hưng Hà là đất lộc điền của nhiều công thần mở nước Đại Cồ Việt. Thời Lý, Hưng Hà là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp, nơi đây các vua triều Lý đã từng về xem dân làm đất, gieo hạt, xem gặt, xem đánh cá, nhiều vùng đất tiếp tục được phân phong cho các công thần.
Đất Lưu Xá được phân phong cho Lưu Ngữ công thần mở vương triều Lý. Theo ngọc phả đền Lưu Xá được biết Lưu Ngữ người Cửu Chân (châu ái) “giỏi thi thư, văn võ kiêm toàn” theo Lê Hoàn từ buổi đầu cùng Đinh Bộ Lĩnh tựa dựa vào sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu để dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Khi Lê Hoàn lên ngôi, Lưu Ngữ được ban lộc điền ở châu Đằng (từ năm 1005 là phủ Thái Bình).
Lưu Ngữ trải xem phong cảnh trong châu phủ thấy đất Lưu Xá lúc ấy “sau sông trước đầm, sông nước quanh co, thế rồng chầu hổ phục bèn lập một cung ở đó rồi lấy vợ người bản quán. Lúc đầu lấy bà Trần Thị Ngọc, bà Ngọc đã gần 40 tuổi mà chưa có con, Lưu Ngữ lại lấy bà Phạm Thị, sau hai bà cùng mang thai cùng sinh con một ngày chỉ khác người sinh giờ Dần, người sinh giờ Ngọ, anh có tên Lưu Đàm, em là Lưu Điều … ông lại đưa những người thân thích từ quê ra ở, lập nên ấp Lưu Xá.
Cuối thời Lê Lưu Ngữ giữ chức Đô hoả đầu (chức quan võ ở trong triều) khi thấy Lê Long Đĩnh làm nhiều việc càn rỡ “giết vua, cướp ngôi, dâm đãng, tàn bạo” ông đã cùng Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đệ, chi hậu Đào Can Mộc phù quan Thân vệ Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra vương triều Lý Lưu Ngữ trở thành công thần mở nghiệp triều Lý. Các con Lưu Ngữ, Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều (còn có tên Lưu Ba) sớm được tập ấm, nhập triều. Cả hai anh em đều làm quan đồng triều trải ba triều Lý Thái Tông (1028-1054) Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128). Lưu Khánh Đàm làm quan từ chức Tả thanh đạo lên đến chức Thái phó.
Lưu Khánh Điều (em Khánh Đàm) giữ chức Nội nhân hoả đầu, cuối cùng cũng được phong chức Thái phó. Hai anh em đều có công “đánh Tống bình Chiêm”, Lưu Khánh Điều cuối đời về tu ở chùa làng được ban là “Báo Quốc Tự”. Cả hai ông đều được phong thần, được dân làng lập đền thờ, đền ấy nay vẫn còn và đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Họ Lưu ở Lưu Xá vào cuối triều Lý đầu triều Trần còn thấy Lưu Thiệu, Lưu Vũ Nhĩ được ghi trong sử nước. Thời Lý Cao Tông (1176-1210) kinh thành Thăng Long có loạn Quách Bốc vua Cao Tông phải chạy đi Quy Hoá Giang (vùng Phú Thọ ngày nay) Thái tử Sảm chạy về Ngự Thiên (Thái Bình). Theo sách Việt sử lược thì đức nguyên tổ Trần Lý đã đốc suất thuỷ quân đến kinh thành rước Thái tử Sảm và mẹ là bà nguyên phi Đàm Thị và hai người em gái cùng mẹ đưa về nhà Đàm thị ở Hải ấp.
Trong lúc ấy ở kinh đô Thăng Long, Quách Bốc đưa vương tử Thẫm lên làm vua, Lưu Thiệu gia thần của Thái tử Sảm nói với nguyên tổ Trần Lý và Phạm Ngu rằng: “Thẫm tuy lớn nhưng là con thứ, Sảm tuy bé nhưng là con cả (đích tử) xin hai ông lo liệu”. Trần Lý cùng Phạm Ngu đưa thái tử Sảm về Mang Nhân (nơi có cung Ngự Thiên) lên ngôi, xưng là Thắng Vương, ít lâu sau lại đưa Thắng Vương đến ở nhà công quán thôn Lưu Gia.
Bởi Lưu Gia là quê hương của các công thần triều Lý, đương thời còn Lưu Thiệu gia thần của vua Cao Tông. Lưu Xá có khoảng cách xa sông Hồng, thuyền giặc không thể ập đến lại vừa có đường tiến về Thăng Long, vừa có đường lui ra biển. Những ngày Thái tử Sảm đến ở Lưu xá, Trần Thị Dung được cha (Trần Lý) và cậu (Tô Trung Từ) đưa đến hầu Thái tử, đôi trai tài gái sắc ở bên nhau, đã đem lòng yêu thương rồi lấy nhau.
Sử cũ chỉ ghi: “Hoàng Thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia ở Hải ấp nghe tiếng con gái Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ” (1). Thực ra thì không chỉ nghe mà đã thấy đã gặp, đã ở bên nhau, đã quen hơi, bén nết rồi mới lấy nhau. Trải qua năm tháng thăng trầm khi làm vợ, khi làm người hầu, cuối cùng thì Trần Thị Dung cũng được phong làm Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông (1210-1224). Cuộc gặp gỡ giữa Thái tử triều Lý với cô gái họ Trần đã mở ra một kỷ nguyên mới cho họ Trần ở Tinh Cương, kỷ nguyên.
Người khởi đầu sự nghiệp nhà Trần là Trần Lý. “Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh Tự, phong cho cậu người con gái là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ” (2) trong khi đang phù Lý đánh giặc, Trần Lý bị bọn giặc khác giết. Trần Tự Khánh con thứ hai của Trần Lý thay cha đem quân chúng về kinh, được phong tước Thuận Lưu bá…
Từ tước bá (1210) một năm sau, Tự Khánh đã lên tước hầu (Chương Thành hầu) … vất vả mấy năm, năm Bính Tý (1216) Tự Khánh được phong chức Thái uý phụ chính, Trần Thừa làm nội thị phán thủ… Năm Quý Mùi (1223) Trần Tự Khánh mất, Trần Thừa được phong làm thái uý phụ chính (thay em), Trần Thủ Độ giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy quân cấm vệ. Thời Lý Chiêu Hoàng (1225) dưới sự chỉ dẫn của Thái hậu Trần Thị Dung Thái uý phụ chính Trần Thừa, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ… “nhà vua” đã chiếu xuống tuyển con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội…” thế là con cháu họ Trần: Trần Bất Cập, Trần Thiêm, Trần Cảnh… lần lượt vào cung, còn quan Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ thì “coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị”.
Chính trong hoàn cảnh ấy Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ đã tác thành cho Lý Chiêu Hoàng vị vua cuối cùng của triều Lý lấy Trần Cảnh và đạo diễn cuộc chuyển giao quyền lực từ vợ sang chồng, tự họ Lý sang họ Trần Trần Cảnh lên làm vua, mở đầu vương triều Trần. Công lao mở nghiệp triều Trần của Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ đã được sử nước ghi nhận: “Trời sinh Linh Từ cốt để mở nghiệp nhà Trần, “Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả”.
Mưu sự ấy mở đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa Trần Thị Dung và Thái tử Sảm ở Lưu Xá vì vậy một số tác giả đã viết “Lưu xá là đất phát tích của nhà Trần” thực ra đất phát tích của nhà Trần là ở Tinh Cương (Tam Đường xã Tiến Đức) nơi có mộ tổ nhà Trần, nơi ngành trưởng của họ Trần sinh sống và yên nghỉ sau khi qua đời. Còn Lưu Xá chỉ là nơi khởi đầu của cuộc tình duyên giữa con gái họ Trần và con trai họ Lý để rồi họ Trần thay họ Lý nắm vương triều mở ra một triều đại mới - triều Trần (1226-1400) với những chiến công hiển hách đã ghi trong sử nước.
Lưu Xá còn là nơi ghi dấu ấn của hai vua triều Trần (Thánh Tông, Nhân Tông) của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải (1240-1294) . Theo sử sách thì Trần Quang Khải là một vị tướng tài, dũng mãnh, một nhà ngoại giao, một tác gia. Đánh giá về thơ của Trần Quang Khải, nhà sử học Phan Huy Chú viết: thơ ông “thanh thoát nhàn nhã, sâu xa, lý thú”.
Trần Quang Khải đã đến lần thứ hai “trở lại” tác giả đã có bài “Lưu gia độ” Cảnh thiên nhiên ở đây được miêu tả là một màu xanh bát ngát “xanh ngắt trời mây”, “trời thu như gợn ánh ban mai”. Nơi đây còn lại dấu tích thờ các công thần của triều Lý (Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Điều).
Ngọn tháp, ngôi đình soi bóng trên làn nước… Trước cảnh thiên nhiên bao la, xanh mát, tác giả cảm xúc nghĩ đến vận nước, nghĩ đến triều đại trước “Lý đại hai trăm năm vận mệnh dài”. Suy ngẫm đến trách nhiệm giữ nước của nhà Trần. Lưu Xá còn vinh dự được đón tiếp vua Lê Hiến Tông (1498-1504). Nhân một chuyến về Lam Kinh (Thanh Hoá) viếng lăng mộ các tiên đế, tiên hậu, khi trở lại Thăng Long, Lê Hiến Tông đã dừng thăm Lưu Xá (ngày 15 tháng 3 năm Cảnh Thống thứ 4 (1501).
Lê Hiến Tông vào thăm đền, nghe người ở đây kể lại về hai anh hùng dân tộc (hai túc tôn) cảm phục chiến công của hai vị, vua đã làm thơ ghi lại cảm xúc của mình và dặn dò dân nơi đây phải tu sửa nơi phụng thờ, tạc bia ghi lại “Tưởng nhớ anh hùng nơi đất quý / Ra về nhớ bảo tạc bia chôn". Ngoài những lần thăm viếng của các vua triều Trần, triều Lê, các danh nhân văn hoá, từ triều Trần đến triều Lê, Nguyễn, Lưu Xá còn được đón nhiều danh nhân và họ đã để lại văn bia, câu đối, còn lưu tại đền.
Các triều Lê - Nguyễn đã ban nhiều sắc phong cho hai vị Thái phó họ Lưu. Người dân Lưu Xá thì khẳng định “Nguồn ân xưa vẫn để dành lại đây” “Trải bao sương gió lăng này vẫn nguyên”! “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ ơn người trồng cây” là đạo lý, là nếp sống của người dân Lưu Xá vì vậy dù ngày nay Lưu Xá không còn họ Lưu sinh sống nhưng tên làng vẫn được giữ để ghi ơn những người mở đất từ hơn ngàn năm trước, đó là nếp sống văn hoá của dân làng.
Phạm Minh Đức
Thành phố Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU 22.08.2010 | 16:01 PM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
Xem tin theo ngày
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy