Chủ nhật, 17/11/2024, 22:52[GMT+7]

Lời giải cho bài toán thị trường tiêu thụ ngao thương phẩm

Thứ 3, 16/04/2013 | 08:08:33
1,818 lượt xem
Việc thị trường tiêu thụ ngao thương phẩm phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như thời gian qua là một hạn chế cần sớm rút kinh nghiệm. Muốn phát triển ổn định cần phải đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường Mỹ và EU.

Dây chuyền sản xuất ngao của Công ty cổ phần Nghêu Thái Bình. Ảnh: Trung tâm XTTM Thái Bình

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm lâm, thủy, hải sản, nhất là thị trường tiêu thụ ngao thương phẩm, Sở Công Thương đã giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với các địa phương khảo sát và nắm bắt tình hình nuôi thả, tiêu thụ ngao tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngao.

 

Tại Nam Thịnh (Tiền Hải), bà Trần Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có trên 1.000 ha bãi triều, trong đó diện tích nuôi ngao chiếm khoảng 80%, sản lượng ngao thương phẩm của xã đạt khoảng 20.000 tấn/năm, ngay thời điểm này lượng ngao cần bán cũng lên tới vài nghìn tấn. Thời gian vừa qua, khoảng 60 - 65% sản lượng ngao thương phẩm được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, khoảng 30% xuất khẩu sang EU và 10% tiêu thụ nội địa. Ngao thương phẩm xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Trên địa bàn xã Nam Thịnh hiện có Công ty cổ phần Nghêu Thái Bình chuyên chế biến ngao xuất khẩu sang thị trường EU và một phần chuyển ngao nguyên liệu vào miền Namon> chế biến. Từ giữa năm 2012, Trung Quốc ngừng nhập khẩu ngao khiến giá thu mua giảm thê thảm, chỉ bằng một nửa so với trước. Thời kỳ cao điểm, giá ngao từ 23.000 - 25.000 đồng/1kg, cuối năm 2012 giảm còn 10.000 đồng/1kg mà còn khó bán. Ngao không bán được trong khi người nuôi vẫn phải chịu chi phí trông coi, lãi suất ngân hàng…Khó chồng lên khó, năm 2012 nhiều vùng nuôi ngao xuất hiện dịch bệnh khiến ngao chết hàng loạt; cơn bão số 8 cũng làm nhiều chủ đầm ngao trắng tay. Từ đầu năm 2013, ngao nhúc nhích tăng giá lên khoảng 12.000- 14.000 đồng/1kg. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc mỗi ngày chỉ cho nhập 60 tấn, trong khi sản lượng ngao cần bán tại Nam Thịnh khoảng 200 tấn mỗi ngày…Theo bà Thủy thì khó khăn lớn nhất với người nuôi ngao ở Nam Thịnh hiện nay là thị trường tiêu thụ và ô nhiễm môi trường nuôi.

 

Tiếp xúc với gia đình ông Trần Văn Xương, bà Cao Thị Huấn đều là những gia đình nuôi ngao lâu năm và có diện tích nuôi ngao khá lớn tại Nam Thịnh, được biết: Nghề nuôi ngao chịu rủi ro rất cao, ngoài khó khăn về thị trường, ngao còn rất dễ bị chết nếu gặp điều kiện thời tiết, độ mặn của nước thay đổi bất thường hoặc ô nhiễm môi trường nước. Hiện nay, nếu giá ngao khoảng 13.000 đồng/1kg là người nuôi bị lỗ do chi phí đầu vào cao và các chi phí phát sinh do ngao không được bán kịp thời. Ông Nguyễn Văn Vinh là người có 15 ha nuôi ngao tại Nam Thịnh và 70 ha tại Hải Phòng chia sẻ: Nghề nuôi ngao cũng lắm truân chuyên, nếu chọn con giống không khoẻ thả xuống là chết liền; trong nuôi ngao yếu tố môi trường rất quan trọng vì vậy hàng năm phải cải tạo bãi nuôi thường xuyên, sau khi thu hoạch phải lấy cát tưới đều thêm từ 3- 4cm, cứ 2- 3 tháng lại phải bơm tưới thêm 2- 3cm, khi bãi cao lên lại phải cày và phơi bãi để diệt mầm bệnh. Ông Vinh rất mong muốn các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao, ông sẵn sàng kêu gọi các chủ đầm cùng góp vốn và ký hợp đồng cung cấp ngao nguyên liệu ổn định cho nhà máy.

 

Tại Công ty cổ phần Nghêu Thái Bình, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền chế biến ngao xuất khẩu, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2010 trên diện tích gần 5.000m2. Sản phẩm ngao sau chế biến tại đây hoàn toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU với công suất 20 tấn/ngày. Hiện, Công ty đang giải quyết việc làm cho 60 lao động. Từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu ngao sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia được 8 container (khoảng 200 tấn). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà Công ty đang gặp phải là thiếu vốn mua nguyên liệu chế biến. Đến thời điểm này, Công ty mới được vay 5 tỷ đồng từ việc thế chấp 1 ngôi nhà và 10 xe ô tô của doanh nghiệp, các tài sản khác như dây chuyền chế biến không được ngân hàng chấp nhận. Ngay ngày đầu tháng 4, khách hàng Bồ Đào Nha đề nghị Công ty ký hợp đồng trong tháng 4 xuất 5 container nhưng doanh nghiệp chỉ dám ký 1 container vì không có tiền để mua nguyên liệu chế biến. Điều nghịch lý ở chỗ, Công ty đứng chân ngay trên vựa ngao của Tiền Hải mà lại không có ngao để sản xuất, Công ty thiếu nguyên liệu trong khi địa phương đang thừa hàng nghìn tấn ngao không tìm được nơi tiêu thụ. Giám đốc Công ty cổ phần Nghêu Thái Bình kiến nghị các ngành chức năng cần sớm vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đồng thời cam kết nếu được vay vốn Công ty có thể xuất được 500 - 700 tấn ngao/tháng và nếu đủ vốn để mở rộng sản xuất, Công ty có thể bao tiêu được toàn bộ sản lượng ngao thương phẩm của Thái Bình.

 

Ngoài ra, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến ngao tại chỗ. Trước mắt là hỗ trợ vốn để Công ty cổ phần Nghêu Thái Bình mở rộng sản xuất thu mua nguyên liệu cho các chủ đầm.

Trần Thế Định

(Phó Giám đốc Sở Công Thương)

 

 

  • Từ khóa

ton minh tuan - 8 năm trước

Tôi muốn tìm địa chỉ cơ sở thu mua ngao ở huyện tiền hải ,để thu mua xuất khẩu sang trung quốc, kinh mong giúp đỡ.

Tải thêm