Thứ 7, 16/11/2024, 04:26[GMT+7]

Cây màu hè - Giải pháp tăng trưởng cho trồng trọt

Thứ 5, 25/04/2013 | 10:47:53
1,183 lượt xem
Hiện nay, cây màu hè đã trồng được gần 2.300 ha; một số huyện đã trồng cây màu hè nhiều như Hưng Hà trên 500 ha, Vũ Thư 350 ha, Quỳnh Phụ 300 ha, Tiền Hải 300 ha. Với tiến độ này, mục tiêu về diện tích cây màu hè sẽ cơ bản đạt được, góp phần không nhỏ cho lĩnh vực trồng trọt có sự tăng trưởng.

Rẽ lúa đặt bầu trồng dưa là một trong những giải pháp để mở rộng tối đa diện tích cây màu hè ở Hưng Hà.

Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa được các địa phương trong tỉnh thực hiện khá mạnh, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao chiếm trên 95% tổng diện tích gieo cấy. Đồng thời, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được triển khai khá đồng bộ, từ khâu làm đất, giống mới, gieo cấy, phân bón… Vì vậy, năng suất lúa đã ở ngưỡng gần như kịch trần (trên 13 tấn/ha/năm). Đây là điều rất đáng mừng, song ngành nông nghiệp lại thêm gánh nặng, bởi diện tích đất nông nghiệp không tăng do đó để trồng trọt tăng trưởng là rất khó khăn. Do vụ đông 2012-2013 ảnh hưởng cơn bão số 8 làm giảm giá trị sản xuất gần 140 tỷ đồng; vì vậy, để đạt được chỉ tiêu tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp về lĩnh vực trồng trọt, cây vụ hè phấn đấu phải đạt mục tiêu 5.500 ha trở lên.    

 

Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Năng suất cây màu hè đạt khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, bán ít khi bị rớt giá; vì vậy, sản xuất cây màu hè thường đạt hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 20 - 45 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, diện tích cây màu hè thường bị hạn chế bởi thời gian thu hoạch của cây trồng vụ trước và nước lên cao ở các vùng đất bãi. Thực tế cho thấy, trong 3 năm gần đây diện tích cây màu hè chưa thực sự ổn định, như năm 2010 đạt 5.475 ha, năm 2011 đạt 3.343 ha, năm 2012 đạt 3.758 ha. Nguyên nhân do lúa xuân thu hoạch muộn, không giải phóng đất kịp thời và phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, xét về tổng thể từ năm 2010 trở lại đây thì cây màu hè có sự tăng trưởng vượt bậc cả về diện tích và giá trị cây trồng so với các năm trước đó.

 

Trước năm 2007, cây màu hè chỉ đạt dưới 1.000 ha, đến năm 2009 mới đạt ngưỡng 3.000 ha. Theo kinh nghiệm của các huyện, thành phố có diện tích cây màu hè nhiều, để mở rộng được diện tích trước hết phải chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tuyên truyền tích cực, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để tạo sự gắn kết mùa vụ hài hòa trong một năm. Điển hình như một số huyện đã đưa các giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng khá, chống chịu rét tốt vào gieo cấy ở vụ xuân, như lúa Nhật Koshi, VS1, RVT... Những giống lúa này được thu hoạch trước 25/5, do đó có quỹ đất để trồng cây màu hè xen giữa hai vụ lúa. Ngoài ra, phương thức gieo thẳng lúa cũng rút ngắn thời gian sinh trưởng, hoặc rẽ lúa đặt bầu để trồng cây màu hè. Bên cạnh đó, nhiều giống cây màu hè được thay đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã kích thích các hộ dân đầu tư sản xuất, như dưa Thanh lê được thị trường ưa chuộng tiêu thụ mạnh, dưa gang xuất khẩu; các giống đỗ mới có thời gian sinh trưởng ngắn tránh được mùa nước ngập vùng đất bãi…

 

Năm 2013, có khá nhiều thuận lợi để các địa phương mở rộng tối đa diện tích cây màu hè trên đất hai lúa, như lúa xuân phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe, tập trung, trỗ trong khoảng tuần 1 tháng 5; lợi nhuận cây màu hè lớn gấp 1,5 -2 lần so với 1 vụ lúa, trong khi đó thời gian chiếm đất chỉ từ 60-65 ngày. Tuy nhiên, bên cạnh đó các địa phương còn gặp một số khó khăn, như thiếu lao động trẻ khỏe, giá công lao động cao, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu.

 

Để cây màu hè đạt được các mục tiêu đã đề ra, góp phần cho  trồng trọt giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất, giá trị, nhiều địa phương đã khắc phục khó khăn, tích cực triển khai, tổ chức sản xuất. Các huyện, thành phố đang rà soát toàn bộ diện tích lúa xuân có khả năng trỗ trước ngày 10/5, diện tích đất bãi, đất trong khu dân cư để xây dựng kế hoạch sản xuất cây màu hè. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị giống, vật tư, nhân lực… chuẩn bị sản xuất ngay khi lúa còn trên đồng. Thời vụ cây màu hè được gieo trồng càng sớm càng tốt, chậm nhất là ngày 5/6. Đất giữa hai vụ lúa có chân vàn và vàn cao trồng các loại dưa; đất sau màu xuân trồng bí, dưa, đậu, vừng; đất bãi ven sông trồng các loại đậu.

 

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Vụ hè năm 2013, Hưng Hà phấn đấu gieo trồng 1.500 ha, cao hơn chỉ tiêu tỉnh giao 500 ha; ngay từ đầu vụ lúa xuân, Hưng Hà đã chỉ đạo các xã có truyền thống làm cây màu hè và những địa phương có chân đất phù hợp khi cấy lúa bố trí để trống hàng để đặt bầu cây màu hè ra lúc lúa còn trên đồng, bảo đảm khi gặt lúa cũng là lúc cây màu hè cho thu hoạch; đến cuối tháng 4, nhiều địa phương trong huyện đã gieo trồng dưa các loại, có nơi cây đã lên cao 20-30 cm.

 

Ông Trần Duy Liêm, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Quang Hưng (Kiến Xương) cho biết: Toàn xã có 270 ha đất canh tác, mặc dù đất hai lúa cơ bản là vàn thấp không phù hợp để gieo trồng cây màu hè, nhưng HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động về những giá trị cây màu hè đem lại nên hàng năm toàn xã vẫn gieo trồng được trên 15 ha.

 

Hiện nay, lúa xuân đã trỗ được gần 400 ha, chủ yếu là giống lúa Nhật Koshi; cây màu hè đã trồng được gần 2.300 ha, một số huyện đã trồng cây màu hè nhiều như Hưng Hà trên 500 ha, Vũ Thư 350 ha, Quỳnh Phụ 300 ha, Tiền Hải 300 ha. Với tiến độ trồng cây màu hè và sinh trưởng của lúa xuân hiện nay, thì mục tiêu về diện tích sẽ cơ bản đạt được, góp phần không nhỏ cho lĩnh vực trồng trọt có sự tăng trưởng.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa