Xây dựng cánh đồng mẫu còn nhiều thách thức
Xây dựng cánh đồng mẫu theo định hướng sản xuất hàng hóa với quy mô thích hợp, sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao để nâng cao thu nhập cho nông dân là hướng đi tất yếu, lâu dài, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tháng 8/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1753/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu, gồm 5 mô hình sản xuất lúa và 4 mô hình sản xuất cây rau màu. Ngoài 9 mô hình của tỉnh, các huyện, thành phố đã xây dựng 38 mô hình cánh đồng mẫu cấp huyện.
Vụ xuân năm 2013, 9 mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh có 6 cánh đồng sản xuất lúa với diện tích 485,97 ha và 3 cánh đồng màu với diện tích 185,6 ha. Đối với các mô hình cánh đồng mẫu gieo cấy lúa, kết quả đạt được khá khả quan, năng suất giống lúa chất lượng cao đạt 60 tạ/ha, giống lúa năng suất cao đạt 75 tạ/ha. 3 mô hình cánh đồng màu, hệ số vòng quay sử dụng đất canh tác đạt từ 1,47 đến 1,92 lần; giá trị bình quân thấp nhất đạt 93,07 triệu đồng/ha, cao nhất đạt 211,62 triệu đồng/ha.
Điển hình như cánh đồng mẫu ở Đông Quý (Tiền Hải) diện tích là 80 ha, gieo cấy giống lúa BT7, giá trị đạt 52,2 triệu đồng/ha; Trọng Quan (Đông Hưng) diện tích cánh đồng mẫu là 50,27 ha, giá trị sản xuất đạt 41,25 triệu đồng/ha… Cánh đồng màu tại xã Thụy An (Thái Thụy) diện tích gieo trồng 168 ha, gồm 30 ha lúa RVT, 24 ha lúa CNR36, thuốc lào 60 ha, dưa hè 54 ha; giá trị sản xuất bình quân đạt 196,68 triệu đồng/ha. Hay như cánh đồng mẫu ở Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), diện tích gieo trồng là 81,8 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 211,62 triệu đồng/ha. Để đạt được kết quả trên, trước hết tỉnh đã có các cơ chế hỗ trợ, như đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng trục chính, cải tạo, xây mới trạm bơm là 6.593 triệu đồng; mua sản phẩm kênh định hình cung cấp cho các xã xây dựng kênh mương 11.207,8 triệu đồng…
Đồng thời, các mô hình cánh đồng mẫu chỉ sử dụng 1-2 giống lúa, gieo cấy cùng thời vụ, chăm sóc cùng quy trình kỹ thuật; sử dụng giống tốt, chủng loại cây trồng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiệu quả bước đầu tại các mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh đã được khẳng định, song vẫn còn nhiều hạn chế đòi hỏi cần phải được khắc phục trong thời gian tới mới đáp ứng được tiêu chí theo quy định của tỉnh. Cụ thể, mối liên kết 4 nhà, nhất là sự liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua nông sản với nông dân chưa được chặt chẽ; nông dân luôn ở thế bị động, bởi không có quyền định giá lúa và hình thức thu mua.
Diện tích đất canh tác của mỗi hộ trong mô hình còn ít và trình độ không đồng đều, việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa có tiền lệ nên khả năng đầu tư, tiếp thu khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Ông Vũ Hữu Hỷ, Chủ nhiệm HTX DVNN Hồng Minh (Hưng Hà) cho biết: 75 ha đất canh tác trong mô hình cánh đồng mẫu của xã có tới 1.555 hộ tham gia, có hộ chưa đến 0,5 sào, nên rất khó khăn trong việc thực hiện những hình thức sản xuất mới và sản phẩm làm ra chưa đồng đều cao để đáp ứng doanh nghiệp thu mua. Bà Vũ Thị Bình, thôn Minh Xuyên, xã Hồng Minh cho biết: Nhà tôi có 0,5 sào, theo sự chỉ đạo của HTX về xây dựng cánh đồng mẫu, vụ xuân vừa qua các hộ dân ở đây đã trồng ngô F1 - LVN99, nhưng do lúc ngô trỗ cờ thụ phấn gặp rét đậm nên không có bắp, chỉ bán được thân cây để làm thức ăn cho gia súc; vụ thứ 2 trồng đậu tương, đến khi đậu tương sắp cho thu hoạch thì gặp mưa kéo dài nên ảnh hưởng khá lớn đến năng suất và chất lượng; tính cả vụ ngô và vụ đậu tương chỉ đủ bù vào chi phí sản xuất. Hồng Minh là một trong những xã được tỉnh hỗ trợ xây dựng kênh mương, cung cấp sản phẩm kênh định hình… trong mô hình cánh đồng mẫu, song đến nay sản phẩm kênh định hình vẫn nằm ngổn ngang ven đường chưa được lắp đặt xuống mương tưới.
Ông Phạm Hồng Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Minh cho biết: Xã đang kiến nghị với tỉnh hỗ trợ trạm bơm tưới cho cánh đồng mẫu, nếu không hệ thống kênh mương tưới sẽ không phát huy được tác dụng; đồng thời phải có sự liên kết với doanh nghiệp cả về giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… nếu vẫn sản xuất như hiện nay thì giá trị sản xuất sẽ không đạt được như mục tiêu đề ra. Ngoài Hồng Minh, các mô hình khác cũng gặp những khó khăn tương tự. Hiện 6 cánh đồng mẫu cấy lúa mới chỉ có 4 cánh đồng ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 3/3 mô hình cánh đồng mẫu rau màu không có hợp đồng tiêu thụ. Nguyên nhân do tổng sản lượng nông sản chưa đủ lớn để doanh nghiệp có tiềm lực vào liên kết thu mua, chế biến; doanh nghiệp nhỏ lại không đủ khả năng tài chính để đầu tư sản xuất, thu mua.
Thực tế cho thấy, cánh đồng mẫu ở Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) không gieo trồng tập trung 1-2 loại cây mà phân chia ra nhiều loại, như mướp đắng 5 ha, bí xanh 10 ha, tỏi tây 5 ha. Vấn đề mấu chốt ở đây là nếu nông dân Quỳnh Hải trồng tất cả tỏi tây, hoặc bí xanh thì ai sẽ là người đứng ra tiêu thụ sản phẩm? Xét về giá trị sản xuất thì cánh đồng mẫu của Quỳnh Hải cho hiệu quả rất cao, riêng vụ xuân, xuân hè trung bình đã đạt 211,62 triệu đồng/ha canh tác, nếu tính cả năm sẽ vượt so với tiêu chí (220 triệu đồng/ha), nhưng không bền vững. Đối với 38 mô hình cánh đồng mẫu của các huyện, thành phố, chỉ có 13 mô hình sản xuất lúa Nhật ĐS1, Koshi, BT7… được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, còn lại các hộ nông dân tự tìm đầu ra.
Vụ mùa, vụ đông năm 2013, toàn tỉnh xây dựng 60 cánh đồng mẫu, trong đó các huyện, thành phố là 51 cánh đồng và 9 mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh. Tại các mô hình của tỉnh và của các huyện, thành phố thì sự liên kết bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ còn quá ít. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp chỉ đứng ra thu mua thông qua các tư thương để tránh gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ, hoặc không gánh trách nhiệm khi có các vấn đề bất lợi xảy ra… Để cánh đồng mẫu thực sự trở thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, có tính ổn định lâu dài, thiết nghĩ cần phải có các chính sách đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng. Trước mắt, cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất cánh đồng mẫu; hỗ trợ một phần giá giống cho nông dân và hỗ trợ cho HTX DVNN, doanh nghiệp đứng ra liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo tiền đề xây dựng thành công các mô hình cánh đồng mẫu để nhân ra diện rộng.
Bài, ảnh: Nguyên Bình
Tin cùng chuyên mục
- Biển đảo quê hươngMƠ VỀ ĐẢO NGỌC 21.08.2010 | 03:05 AM
- Những cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nướcTrần Khánh Thu - Đi đầu các phong trào tình nguyện 17.08.2010 | 08:49 AM
- Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủyNghề và làng nghề ở Quốc Tuấn 26.08.2010 | 15:29 PM
- Thái ThuỵĐạo – Đời hoà hợp chung tay xây dựng quê hương . 01.09.2010 | 10:39 AM
- Las Vegas của phương Đông 26.05.2010 | 17:42 PM
- Hội Nông dân Quỳnh MinhThực hiện hiệu quả công tác dân số – KHHGĐ 16.09.2010 | 15:15 PM
- Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội1000 năm và sức sống diệu kỳ của "Thiên đô chiếu" 01.09.2010 | 08:15 AM
- Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9NGƯỜI ƯƠM MẦM CÁCH MẠNG TỪ QUẢNG CHÂU 22.08.2010 | 16:01 PM
- Công ty Môi trường và công trình đô thị Thái BìnhVì Thành Phố ngày càng xanh sạch đẹp 17.09.2010 | 08:10 AM
- Vũ Thư (Thái Bình)Năm giải pháp tiếp tục thực hiện nghị quyết 03 về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình 27.08.2010 | 10:15 AM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024