Thứ 7, 16/11/2024, 11:49[GMT+7]

Vũ Thư: Coi trọng nhiệm vụ tập huấn phòng chống lụt bão

Thứ 2, 16/05/2011 | 15:52:55
1,394 lượt xem
Để bảo vệ an toàn 58,05 km đê cấp II và cấp III, 14,1 km đê cấp IV, 28,8 km đê bối, 21 kè, 30 cống dưới đê, giảm thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra, trước khi mùa bão lụt đến gần, vào tháng 5 hàng năm, UBND huyện Vũ Thư đã đầu tư kinh phí tập huấn công tác phòng chống lụt bão.

Kè Ngô Xá trên tuyến đê tả Hồng Hà dài 350 mét địa phận xã Nguyên Xá Vũ Thư do Công ty cổ phần Thành Nam thi công đang hoàn thiện phần việc cuối để bàn giao đúng tiến độ. Ảnh: Hiền Trâm

Việc tập huấn chủ động, chu đáo hàng năm đã giúp lực lượng tham gia hộ đê thuần thục thực hiện những kỹ thuật gia cố các sự cố thường gặp ngay sau giờ đầu phát hiện, kết quả xử lý cao, giảm tốn kém sức người, sức của. Nhiều xã duyên giang cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tập huấn phòng chống lụt bão như Song Lãng, Xuân Hòa, Đồng Thanh, Phúc Thành.

Sau khi tập huấn, một số xã tổ chức diễn tập báo động hộ đê nhằm kiểm tra quân số, các lực lượng hộ đê thường xuyên và tình hình chuẩn bị vật tư, phương tiện.

Năm 2010, Vũ Thư được tỉnh chọn chủ trì cuộc diễn tập phòng chống lụt bão quy mô cấp khu vực. Đặc biệt, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ban PCLB Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu III, lãnh đạo 17 tỉnh thành phía Bắc, lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh và 7 huyện, thị về dự. Do làm tốt các khâu tập huấn, thực hành diễn tập, chuẩn bị chu đáo mọi mặt nên khi thao diễn các nội dung xử lý hộ đê thuần thục. Kết quả diễn tập được Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và địa phương đánh giá cao.

Đã thành nền nếp hàng năm, các đồng chí cụm phó phụ trách xã; Chủ tịch UBND và cán bộ thủy lợi 31 xã, thị trấn; cán bộ Phòng Nông nghiệp; tổ trưởng quản lý đê tham gia lớp tập huấn của huyện được nghe cán bộ Chi cục PCLB và quản lý đê điều của tỉnh truyền đạt những kỹ năng cơ bản xử lý giờ đầu 22 sự cố của đê, kè, công thường gặp trong mùa lũ bão như thấm ướt,, thấm lậu nước đục ở mái đê phía đồng; lỗ rò mái đê, sạt lở mái đê phía sông do sóng, do dòng chảy; sủi đùn bùn cát ở ruộng, ao hồ, thùng đấu; tấm phai, cánh cửa cống bị kênh, gãy; cách hoành triệt hạ lưu cống bị xói sâu, bị mạch sủi, lỗ phụt… Một số tình huống xảy ra trong thực tế chỉ đạo do các học viên nêu ra đều được giảng viên nhiệt tình giải đáp.

Vũ Thư có 21 xã duyên giang, hàng năm các xã này đều tổ chức tập huấn  cho khoảng 100 người/xã gồm cán bộ chỉ huy phòng chống lụt bão, các lực lượng cứu hộ đê ở địa phương. Các lớp tập huấn do cán bộ chuyên trách Hạt quản lý đê điều truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý tình huống, diễn biến của đê, kè cống trong phạm vi đơn giản, mới phát sinh, xã có thể xử lý ngay không cần chờ chi viện của huyện, tỉnh.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là thanh niên trẻ khỏe ở các địa phương hầu hết đi làm ăn xa. Nhân lực, lực lượng hộ đê chủ yếu là nam trung niên  và phụ nữ, sức khỏe có hạn. Mức trả thù lao: 20 ngàn đồng/người/ngày tham gia tập huấn hộ đê, từ 40-50 ngàn đồng/người/ngày tham gia canh gác đê; trong khi đó công phụ thợ xây là 80.000 – 100.00 đồng/người.

Mặc dù đây là mức trả thù lao khá so với các huyện khác nhưng so với công lao động thực tế còn thấp. Những năm trước đây, huyện thường tổ chức các lớp tập huấn bơi lội cho lực lượng cừ sách. Kinh phí quyết toán là 2 triệu đồng/lớp. Số tiền ít ỏi trên theo thời giá hiện nay không đủ để tổ chức lớp. Mặt khác, hầu hết các xã đều cử những người đã biết bơi, bơi giỏi đi tập huấn nên 2 năm nay huyện không tổ chức được tập huấn bơi lội.

Bảo Linh

 

  • Từ khóa