Chủ nhật, 17/11/2024, 02:31[GMT+7]

Liệu pháp nào giúp các làng nghề tránh khỏi nguy cơ "tụt dốc"?

Thứ 3, 18/10/2011 | 16:41:51
1,921 lượt xem
Hiện nay nghề và làng nghề đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức; hàng loạt làng nghề sụt giảm sản xuất và không đạt tiêu chí theo quy định; một số làng nghề đã chính thức khai tử. Nếu không có các giải pháp kịp thời và hiệu quả thì danh sách các làng nghề bị khai tử chắc chắn sẽ dài thêm, chưa kể nhiều làng nghề khác lâm vào cảnh "thoi thóp". Những tin, bài liên quan: >> Làm gì để giữ nghề cho dân? >> Thực trạng phát triển làng nghề ở Đông Hưng >> Trăn trở nghề,

Những năm qua, đặc biệt là sau khi Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XVI ban hành Nghị quyết số 01 thì nghề và làng nghề ở tỉnh ta có bước phát triển toàn diện mang tính đột phá. Sự hình thành các làng nghề góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo ra giá trị sản xuất hàng năm khá lớn và giúp hàng chục ngàn lao động có việc làm ổn định. Tuy nhiên hiện nay nghề và làng nghề đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức; hàng loạt làng nghề sụt giảm sản xuất và không đạt tiêu chí theo quy định; một số làng nghề đã chính thức khai tử. Nếu không có các giải pháp kịp thời và hiệu quả thì danh sách các làng nghề bị khai tử chắc chắn sẽ dài thêm, chưa kể nhiều làng nghề khác lâm vào cảnh "thoi thóp".

 

Thời kỳ hưng thịnh

 

Năm 2000 trở về trước, rất nhiều xã ở tỉnh ta vẫn trong cảnh "trắng nghề", nơi có làng nghề khá phát triển như Hưng Hà, Kiến Xương cũng mới có 15 làng nghề nằm rải rác, riêng Thành phố còn chưa có làng nghề nào. Nhưng chỉ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh uỷ về phát triển nghề và làng nghề, toàn tỉnh đã có 229 làng nghề được cấp bằng công nhận, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm năm 2000. Trong số 285 xã, phường, thị trấn hiện 147 xã, phường đã có làng nghề được công nhận. Cơ cấu ngành nghề khá đa dạng, bên cạnh các nghề truyền thống như ươm tơ, dệt đũi, chạm bạc, chiếu cói, thêu… còn có thêm nhiều nghề mới được du nhập như đồ gỗ mỹ nghệ, dệt may, đan mây tre xuất khẩu. Không chỉ phát triển nhanh chóng về số lượng mà hiệu quả hoạt động của các làng nghề cũng ngày càng được nâng cao.

 

Nếu như năm 2000, giá trị sản xuất khu vực nghề và làng nghề chỉ đạt hơn 600 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã vươn lên đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25% tổng giá trị sản xuất CN- TTCN chung toàn tỉnh. Đặc biệt, sự ra đời của các làng nghề đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho gần 150.000 lao động, chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và làm tiền đề cho việc hình thành gần 200 doanh nghiệp trong các làng nghề…

 

Khó chồng lên khó, làng nghề lâm vào suy thoái

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ năm 2010 đến nay lĩnh vực nghề và làng nghề có biểu hiện chững lại và bắt đầu suy giảm. Tính đến 31/ 12/ 2010, toàn tỉnh có 78/ 229 làng nghề rơi vào cảnh sụt giảm sản xuất và từng bước bị thu hẹp, chiếm tỷ lệ 34%. Theo quy định, một đơn vị được xét công nhận làng nghề khi hội đủ hai tiêu chí là tỷ lệ lao động có nghề và giá trị sản xuất từ nghề chiếm ít nhất 50% trở lên. Trong số 78 làng nghề đang suy giảm có 32 làng chỉ đạt một tiêu chí và có tới 46 làng nghề không đạt cả hai tiêu chí.

 

Như vậy, tại thời điểm hết năm 2010, thực chất trên địa bàn tỉnh chỉ còn 151 làng nghề đạt chuẩn theo quy định. Đáng lo hơn là có tới 28 làng nghề có nguy cơ bị "xoá sổ" vì cả hai tiêu chí đều đạt dưới 30%, thậm chí một số làng nghề cả hai tiêu chỉ chỉ còn chiếm có 2%. Việc các làng nghề suy giảm không chỉ diễn ra ở một vài nơi mà xảy ra ở cả 8 huyện và thành phố; trong đó nhiều nhất là Tiền Hải có tới 24/ 27 làng nghề dưới chuẩn (chiếm tỷ lệ 89%), tiếp đến là Vũ Thư có 18/ 24 làng nghề dưới chuẩn (chiếm 75%), Kiến Xương 10/ 39 làng nghề không đạt chuẩn (chiếm 26%)… Những làng nghề sụt giảm mạnh sản xuất chủ yếu liên quan đến nghề đan mây tre xuất khẩu (20/ 45 làng nghề), thêu ren xuất khẩu (14/ 27 làng nghề)…

 

Đặc biệt, có một số nghề không còn làng nào đủ tiêu chuẩn, điển hình như nghề ươm tơ (cả 3/ 3 làng nghề đều không đạt chuẩn), nghề sản xuất vó (cả 2/ 2 làng nghề đều dưới chuẩn), nghề khai thác và đánh bắt hải sản (cả 5/ 5 làng nghề đều dưới chuẩn) và nghề thảm len (cả 6/ 6 làng nghề đều suy giảm). Một số làng nghề đã cơ bản bị "xoá sổ" như làng nghề thảm cói Văn Hải (Đông Phong- Tiền Hải), hiện tỷ lệ lao động có nghề và giá trị sản xuất từ nghề chỉ còn chiếm chưa đầy 2%; làng nghề thêu ren Trung Đức (Đông Trung- Tiền Hải) hiện số lao động có nghề chỉ còn 4% và giá trị sản xuất từ nghề chỉ chiếm 1%; làng nghề đan mây tre xuất khẩu Tiên Bá (Quỳnh Thọ- Quỳnh Phụ) hiện số lao động có nghề giảm còn 14% và giá trị sản xuất từ nghề giảm còn 2%...

 

Sở sĩ nghề và làng nghề lâm vào cảnh sụt giảm sản xuất một phần là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm; trong nước thì tình trạng lạm phát, lãi suất tín dụng liên tục tăng và đứng ở mức cao khiến chi phí đầu vào tăng theo, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp, thậm chí dừng sản xuất. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do thu nhập của người lao động tại nhiều làng nghề rất thấp trong khi giá cả sinh hoạt liên tục leo thang khiến họ phải bỏ nghề để làm việc khác cho thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, do tiêu chí xét công nhận làng nghề thay đổi với yêu cầu cao hơn trước nên một số làng nghề không đạt theo chuẩn mới. Kết cấu hạ tầng khu vực làng nghề, nhất là hạ tầng giao thông, điện sản xuất và nước sạch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hầu hết các địa phương chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu cung cấp cho làng nghề dẫn tới thiếu chủ động và hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài ra, sự thay đổi về thị hiếu tiêu dùng cũng làm một số làng nghề suy giảm như việc chuyển từ dùng rổ, rá làm bằng tre sang sử dụng sản phẩm làm bằng nhựa; nhu cầu về vó trong dân cư rất ít…

 

Tái cơ cấu để làng nghề phát triển bền vững

 

Trong tương lai nghề và làng nghề tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng trong  việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, nhất là ở khu vực nông thôn. Xu thế phát triển nghề sẽ theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả; kết hợp bảo tồn nghề truyền thông với du nhập nghề mới; sử dụng tối đa lao động tại chỗ và bảo vệ môi trường sinh thái. Toàn tỉnh phấn đấu duy trì ổn định khoảng 200 làng nghề đạt chuẩn; giá trị sản xuất khu vực nghề và làng nghề đến năm 2015 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; các làng nghề tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động…

 

Để đạt mục tiêu trên, trước hết cần phân loại và tái cơ cấu các làng nghề, những làng nghề không còn phù hợp phải mạnh dạn xoá bỏ và thay thế bằng nghề mới, những làng nghề mà sản phẩm còn phù hợp nhưng bị suy giảm sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và khôi phục, những làng nghề suy giảm do hình thành các khu- cụm công nghiệp liền kề sẽ hướng lao động vào làm việc hoặc làm vệ tinh cho các khu- cụm công nghiệp. Đồng thời chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc hơn nữa để tháo gỡ khó khăn giúp các hộ và doanh nghiệp. Đa dạng hoá các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, ngoài nguồn vốn khuyến công cần giúp các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn của tỉnh, của Trung ương và các tổ chức quốc tế. Thực hiện cơ chế cho vay bảo lãnh tín dụng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề và được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng để phát triển sản xuất. Có cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp làng nghề để làm đầu mối bao tiêu sản phẩm. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nước sạch và điện sản xuất tại các làng nghề, xã nghề. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hoá mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Ngoài ra, UBND tỉnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề cho phù hợp với tình hình mới. Tạo điều kiện cho các sản phẩm làng nghề được có mặt tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

    

 

 

  • Từ khóa