Thứ 2, 18/11/2024, 21:33[GMT+7]

Trò chuyện với người được gặp Bác Hồ năm xưa

Thứ 3, 20/03/2012 | 14:49:08
1,165 lượt xem
Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Nam Cường (Tiền Hải), trời lại đổ mưa. Mưa lắc rắc bay mang theo cả hơi mặn mòi của biển vào đất liền. Trong căn nhà ngói gọn gàng và xinh xắn, bác Ngô Đăng Ký, một đảng viên già với 65 năm tuổi Đảng, 88 năm tuổi đời, cán bộ lão thành, người có vinh dự được đón Bắc Hồ về thăm năm xưa, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện 50 năm trước.

Ông Ký (người bên trái) đang kể lại kỷ niệm về Bác khi Người về thăm Nam Cường (Tiền Hải) cho phóng viên Báo Thái Bình. Ảnh: Đức Lợi

Hôm ấy, trời cũng mưa như thế này! Bác Ký bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một sự liên tưởng về thời tiết như thế. Điều đó chứng tỏ, sự kiện Bác Hồ về thăm Nam Cường đã được bác Ký “khắc cốt ghi tâm”. Thời gian đã qua 50 năm, nhưng cả đến chi tiết nhỏ của thời tiết cũng được bác Ký nhớ mãi. Song, trong suốt cả câu chuyện, chúng tôi mới vỡ ra một điều: Không phải ngẫu nhiên mà bác lại nhớ lại chi tiết trời mưa như thế này. Bác nói:

 

Ngày ấy, Nam Cường làm gì có đường bê tông như bây giờ, chỉ là đường đất thôi; đi lại vất vả lắm. Tôi là Huyện ủy viên Tiền Hải, được Huyện ủy cử về tăng cường làm Bí thư xã Nam Cường, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội III của Đảng. Lúc đó, Đảng chủ trương, ba mũi tiến quân: “Lên rừng, xuống biển, thâm canh tăng năng suất”. Tôi là người ở thôn Hoàng Môn (Đông Lâm cũ) nay chuyển về Nam Cường nên việc về quê lãnh đạo phong trào địa phương đang có nhiều khó khăn nhất cũng là lẽ đương nhiên. Năm 1961, đặt chân về Nam Cường mới thấy tình hình rất khó khăn, tôi báo cáo anh Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy. Không ngờ, anh Đông báo cáo với Bác Hồ về những khó khăn của Nam Cường trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng. Bác nhận lời về thăm Nam Cường. Các anh lãnh đạo tỉnh bảo tôi: chuẩn bị đón khách, do yêu cầu bí mật nên tôi cũng không được biết là Bác Hồ về thăm. Nói đến đây, đôi mắt già nua của người cán bộ lão thành bất giác nhìn ra xa xăm, như để nén tình cảm đang trào dâng.

 

Đó là buổi sáng, khoảng hơn 8 giờ ngày 26/3/1962, Bác đi bằng máy bay về Nam Cường. Máy bay chở Bác đỗ ở bãi đất khu vực chùa Thiên Long bây giờ, rồi Bác đi bộ sang khoảng sân kho HTX cách chừng 100m, hiện nay là Đền thơ Bác. Anh Đông từ trên máy ba bước xuống bảo tôi: Anh dẫn Bác đi thăm. Đồng chí Nguyễn Tạo mở bản đồ giới thiệu với Bác. Bác nói: Nhân dân đi khai hoang mà làm được như bản đồ này là tốt rồi. Nói xong, Bác xăm xăm bước đi, không chờ tôi hướng dẫn.

 

Bác vào một đại đội có xã viên thường ăn, nghỉ lại nên có giường nằm. Bác vào gia đình, anh Lưu ở Tây Phong (cũ); anh chị có hai cháu, cháu lớn chừng 3 – 4 tuổi và cả anh Lưu cũng bị đau mắt. Đứng trong nhà, vợ anh Lưu reo to: Bác Hồ! Bác lại gần ân cần hỏi: Đi khai hoang mà đau mắt thế này thì làm ăn sao được? Bác quay lại các đồng chí lãnh đạo địa phương nhắc nhở:

- Các chú phải quan tâm đến nước sạch cho bà con.

Tôi báo cáo với Bác:

- Đào sâu gặp nước mặn lắm ạ!

Bác bảo: - Mặn càng khỏi phải đổ muối chứ sao. Chỉ căn nhà mới dựng, Bác lại hỏi: Làm một căn nhà thế này hết bao nhiêu tiền? Tôi báo cáo:

- Thưa Bác, mỗi gian hết 100 đồng ạ!

Bác nhẩm tính, nhà tre, vách đất mà hết 100 đồng là đắt. Chú phải hướng dẫn bà con trồng cây lấy gỗ làm nhà và bán lấy tiền nhé.

 

Anh Ngô Duy Đông đề nghị Bác lại nói chuyện với nhân dân. Lúc này, không chỉ bà con Nam Cường có mặt ở sân đón Bác mà nhân dân quanh vùng thấy có máy bay cũng chạy đến xem, nhưng đứng ở phía ngoài.

Thấy vậy, Bác khoát tay bảo để bà con vào.

 

Mở đầu câu chuyện Bác nói đại ý: Hôm nay Bác và các đồng chí Trung ương, tỉnh về thăm Nam Cường; đồng bào đi khai hoang bước đầu có nhiều khó khăn, gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Nhưng khó khăn rồi sẽ vượt qua. Trước mắt cần phải thau chua, rửa mặn để trồng cây, cấy lúa ổn định cuộc sống. Bất ngờ, Bác hỏi:

- Đồng bào có muốn ăn cam không?

Bà con tưởng Bác đem cam trên máy bay, nên đáp:

- Có ạ!

Bác nói: Muốn ăn cam phải trồng cam. Phải chống giặc đói, chống mưa bão. Trồng cam chiết chỉ ba năm có quả, trồng hạt thì phải 5 năm. Đồng bào phải đoàn kết, giống như dây chão được xe bằng nhiều sợi nhỏ, dây lớn không thể đứt được.

Bác Ký nói với chúng tôi rằng: lúc ấy nghe Bác Hồ nói thế, tôi nghĩ: Trồng cam trên vùng đất mặn này sống được đã khó, mà có hoa, có quả càng khó hơn. Nhưng, Bác đã trang bị cho bà con kiến thức trồng cam, truyền cho ý chí vượt khó ngay từ ngày đó. Bác đột nhiên hỏi:

- Đồng bào có làm được không?

Tất cả mọi người hô to: Làm được ạ.

 

Sau này, vâng lời Bác dặn và như đã hứa với Bác, Nam Cường trồng vườn cam rộng 3 – 4 sào và cả mấy sào Hồng Xiêm nữa. Khi làm chùa Thiên Long thì phá đi. Đảng bộ, chính quyền Nam Cường đang vận động nhân dân trồng đồi cây nhớ ơn Bác Hồ.

 

Kể đến đây, như sực nhớ ra một điều quan trọng, bác Ký nói: Tháng 8 năm 1962, Nam Cường chịu một cơn bão rất to, từ biển đổ vào – lúc đó, đê còn thấp nên nước mặn tràn vào ruộng, vào làng. Bà con đã được sơ tán sang Nam Thắng, Nam Thanh để trú ngụ. Có một cháu bé đi trên chiếc cầu khỉ, bị rơi xuống nước, cứu được. Khi đọc báo, Bác nghe tin đê Nam Cường bị vỡ, người bị nạn. Bác cho đồng chí Lê Quảng Ba, Nguyễn Khai (văn phòng Trung ương) về tận nơi kiểm tra rồi báo cáo với Bác. Ân tình của Bác thật sâu nặng với người dân Nam Cường.

 

50 năm đã qua, lời Bác dặn năm xưa còn sống mãi trong tâm khảm các thế hệ người dân Nam Cường. Bây giờ, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, có Đền thờ Bác Hồ, có chùa để thờ phật, có trường học cho con trẻ, có trạm xá để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có các mô hình làm kinh tế giỏi như: Trương Văn Trị; Công ty TNHH Thuấn – Hoa; Hưng Phú Cường, Thái Ngân... Đó là nhờ tấm lòng của Bác, lời dặn dò ân cần của Người và quyết tâm rất cao của nhân dân Nam Cường thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác.

 

Chúng tôi bắt tay bác Ký, người có vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm Nam Cường năm xưa. Nhân chứng quan trọng để giúp chúng tôi ghi lại câu chuyện của 50 năm trước.

Phạm Viết Thanh

 

  • Từ khóa