Thứ 7, 23/11/2024, 10:19[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã (30/6/1954 - 30/6/2024), 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình (2004 - 2024) Cầu Bo xưa và nay

Thứ 2, 24/06/2024 | 09:02:05
19,442 lượt xem
Những năm qua,thành phố Thái Bình đã có nhiều thay đổi với diện mạo mới, hiện đại, văn minh. Dấu tích của phố thị xưa hầu như không còn rõ nét. Thế nhưng vẫn còn đó những địa danh, di tích, công trình gắn với mảnh đất, cuộc sống của người dân nơi đây.Cầu Bo là một trong những công trình như thế - cây cầu kết nối quá khứ,hiện tại và tương lai.

Cầu Bo năm 1963.

Bên sông Trà Lý, dấu tích còn lại của cây cầu Bo lịch sử được Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX vẫn còn đó. Cây cầu bắc qua sông Trà Lý nối liền tuyến đường 10, phía Tây Nam giáp thị xã Thái Bình nay là thành phố Thái Bình, phía Đông Bắc giáp với xã Đông Ninh, huyện Đông Quan nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Cầu đi qua làng Bo nên được đặt tên là cầu Bo, sau đổi tên là cầu Độc Lập. Trong ký ức của người dân, đây là cây cầu hiện đại và đẹp nhất Thái Bình thời đó. Là cây cầu duy nhất lúc bấy giờ bắc qua sông Trà Lý, cầu Bo có vị trí chiến lược về giao thông. Vì vậy, khi thực dân Pháp rút quân đã chủ động cho nổ mìn đánh sập cầu Bo vào 17 giờ ngày 30/6/1954. Khi thị xã giải phóng, quân và dân đã sửa chữa lại cầu. 

Bà Phạm Thị Gái, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu, thị xã Thái Bình cho biết: Cầu Bo luôn là mục tiêu chính mà đế quốc Mỹ tập trung đánh phá khi tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc năm 1965. Ngày 13/12/1965 không quân Mỹ dùng đủ các loại máy bay đánh theo trục đường 10 từ phía dốc Bồ Xuyên tả sang khu bưu điện, trút hàng chục tấn bom 500 bảng Anh, phóng rocket đánh cầu Bo. Sau những lần đánh phá, cầu Bo bị sập, phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn duy nhất nhịp cầu phía thị xã. Đến năm 1968 - 1969, cầu bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn 2 mốc cầu, chính quyền tiếp tục sửa chữa làm cầu treo nối 2 đầu cầu. 

Ông Trần Văn Tuấn, phường Hoàng Diệu cho biết: Gia đình tôi sống ở đây từ nhiều đời nay. Tuổi thơ của tôi gắn với từng mảnh ruộng, con trâu và đôi bờ sông Trà Lý. Thời đó duy nhất có cây cầu bê tông cốt thép trên đường 10 từ Nam Định sang Hải Phòng mà người Pháp thiết kế phục vụ đi lại, thông thương thuận lợi. 

Theo ông Nhâm Văn Minh, phường Lê Hồng Phong, cây cầu Bo (cầu Độc Lập) được xây dựng vào năm 1994 cách vị trí cầu Bo cũ trước kia khoảng 100m về phía hạ lưu. Cây cầu nối đường Võ Nguyên Giáp, phường Hoàng Diệu với đường Hai Bà Trưng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình. Cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân thị xã ngày đó. 

Với anh Trương Thanh Đức, phường Hoàng Diệu hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, trong ký ức của anh gần 30 năm về trước, mỗi lần đạp xe lên dốc phía từ Hoàng Diệu đi lên vừa dài vừa dốc, gắng hết sức mới đèo nổi cô bạn gái của mình. Anh Đức chia sẻ: Bây giờ mỗi khi về thăm quê, khi không còn phải đi xe đạp qua cầu Bo nữa nhưng mỗi lần qua cầu Bo, tôi luôn đi thật chậm để thấy lại cảm giác ngày xưa, cái ngày đã không bao giờ trở lại nữa. 

Sinh viên Đỗ Đức Đạt, Trường Đại học Giao thông Vận tải cảm nhận: Sông Trà Lý nhìn từ trên cầu Bo xuống thật tuyệt vời, ánh đèn vàng hai bên bờ hắt xuống dòng sông lấp loáng. Bầu trời thoáng đãng, gió từ mặt sông thổi lên mát rượi. Mỗi khi có dịp về quê hoặc nghỉ hè em thường cùng bạn lên cầu Bo ngắm dòng sông. Tối mùa hè ở thành phố Thái Bình không có chỗ nào mát hơn ở chỗ này. 

Cầu Bo (Cầu Độc Lập).

Ông Trương Văn Luyến, Chủ tịch UBND phường Hoàng Diệu cho biết: Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của phường Hoàng Diệu ngày càng được đầu tư, với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được đồng bộ hóa. Hiện nay, trên địa bàn phường có 3 cây cầu: cầu Bo (cầu Độc Lập), cầu Thái Bình, cầu vượt sông Trà, góp phần giúp địa phương thông thương, phát triển kinh tế nhưng cầu Bo vẫn ở vị trí trung tâm, đắc địa, nơi có tuyến đường Võ Nguyên Giáp, là biểu tượng của nhân dân thành phố nói chung, phường Hoàng Diệu nói riêng. 

Cầu Bo cùng với những cây cầu bắc qua sông Trà Lý không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại và thông thương, phát triển kinh tế mà còn là điểm nhấn trong không gian đô thị thành phố Thái Bình.

Minh Nguyệt