Thứ 6, 15/11/2024, 15:43[GMT+7]

Chuyện về tiền Việt Nam

Thứ 2, 22/10/2012 | 15:40:04
3,293 lượt xem
Đồng tiền là một trong những yếu tố quan trọng khẳng định chủ quyền của một quốc gia. Vì thế, ngay sau ngày lập nước, dù giữa bao khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh phát hành tiền tệ.

Mỗi địa phương có một loại “Giấy bạc Việt Namon>”

 

Năm 1946 Hồ Chủ tịch ra sắc lệnh phát hành tiền tài chính thường có hàng chữ “Giấy bạc Việt Nam”, quốc hiệu nước VNDCCH và chân dung Bác (thường có hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”) mang những hình ảnh chống giặc dốt, chống giặc đói, chống ngoại xâm, liên minh công - nông - binh.... Trên tờ giấy bạc, ngoài chữ Việt và chữ Hán, thỉnh thoảng còn có thêm chữ Miên - Lào với chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính là Lê Văn Hiến hoặc Phạm Văn Đồng và chữ ký của Giám đốc Ngân khố T.Ư cùng hàng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam, kẻ nào làm giả hoặc có hành đồng phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ, sẽ bị trừng trị theo quân pháp”.

 

Tiền giấy gồm các loại 20 xu, 50 xu, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng và 100 đồng. Riêng tiền 5đ, 20đ và 100đ, có nhiều loại khác nhau do in ở các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Giấy bạc Việt Nam tuy kỹ thuật in thô sơ, chất liệu xấu nhưng vẫn được nhân dân hoan nghênh đón tiếp, đem tiền Ngân hàng Đông Dương đến đổi với tỉ giá 1:1, nhiều tờ giấy đã rách nát nhưng dân chúng vẫn truyền nhau “Còn cái râu Cụ Hồ là còn tiêu”.

 

Về tiền đúc thì có 20 xu, 5 hào, 1 đồng và 2 đồng: xưởng dập tiền đồng được thành lập tại Văn Thánh (Huế) còn ở Hà Nội thì cơ sở dập tiền nhôm dưới nhà bát giác của Bảo tàng Lịch sử (Bác cổ).

 

Ngày 31.1.1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 18.SL cho phép Bộ Tài chính phát hành “Giấy bạc Việt Nam” ở nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16 trở xuống. Các loại tiền này in trên giấy bổi bằng vỏ cây xay do Sở ấn loát Tài chính Trung Bộ cùng Uỷ ban Tổng phát hành Giấy bạc VN in ấn. Nơi chọn phát hành đầu tiên là các tỉnh nam Trung Bộ vì ở đây không có quân đội nước ngoài chiếm đóng, chính quyền cách mạng hoàn toàn làm chủ và phong trào cách mạng của quần chúng rất mạnh. Tiền Tài chính này dần lan ra Hà Nội nên ngày 13.8.1946 có sắc lệnh 154.SL cho phép phát hành “Giấy bạc Việt Nam” tại bắc Trung Bộ trên vĩ tuyến 16, lưu hành song song với tiền giấy Ngân hàng Đông Dương cũ với tỷ giá 1:1.

 

Đồng tiền cấp tỉnh

 

Trước đó, ngày 23.9.1945, Nam Bộ kháng chiến, vì chưa có tiền riêng để sử dụng, Uỷ ban Hành chánh Cách mạng các tỉnh ở miền Nam như Biên Hoà, Long Xuyên, Châu Đốc, Tiền Giang, Bến Tre, Chợ Lớn, Long Phước, Rạch Giá, Hà Tiên... đã dùng tiền giấy của Ngân hàng Đông Dương nhưng đóng dấu đỏ thị thực của vùng cách mạng quản lý để sử dụng. Những tờ giấy bạc có đóng dấu cách mạng này rất có giá trị lịch sử!

 

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, tiền tài chính đã lưu hành rộng rãi khắp các miền đất nước nên ngày 15.5.1947 có sắc lệnh số 48.SL cho phép phát hành trên toàn cõi Việt Nam những giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng. Tuy nhiên, chiến sự khắp nơi làm việc liên lạc giữa các địa phương và Trung ương gặp nhiều trở ngại nên...

 

Ở Trung bộ (Liên khu 5) theo sắc lệnh số 231, ngày 18.7.1947 cho phép phát hành các loại tín phiếu ghi quốc hiệu VNDCCH và hình ảnh Bác Hồ nhưng có hai chữ ký: Phạm Văn Đồng ký “Đại diện Chính phủ TƯ” và một chữ ký của “Đại diện Uỷ ban Hành chánh Trung bộ”, gồm các loại 1đ, 5đ, 20đ, 50đ, 100đ, 500đ và 1.000đ với hình thức tương tự Giấy bạc Việt Nam nhưng được thay bằng chữ “Tín phiếu”.

 

Ở Nam Bộ, ngày 1.11.1947, có sắc lệnh số 102.SL cho phép phát hành các loại tín phiếu, ta thấy các loại “Tín phiếu, Phiếu tiếp tế, Phiếu đổi chác...” của riêng từng tỉnh và chỉ lưu hành trong tỉnh đó như ở Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hà Tiên... với 2 chữ ký là của Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh và Trưởng ty Ngân khố. In hình Bác Hồ và các cảnh sinh hoạt, tuy kỹ thuật in thô sơ nhưng đầy ý nghĩa vì thường có hàng chữ cổ động (có thể in cùng lần với tín phiếu hoặc cũng có thể in đè lên thêm khi phát hành) như “Toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm - Tích cực chuẩn bị phản công - Thi đua lập chiến công - Thi đua ái quốc - Một nước Việt Nam độc lập, một chính phủ Hồ Chí Minh...”.

 

Đến ngày 21.3.1948, chính phủ ra sắc lệnh số 147.SL cho phép phát hành tại Nam Bộ và lưu hành trên toàn quốc Giấy bạc Việt Nam, rồi ngày 14.4.1948 đình chỉ lưu hành tiền đồng thời phong kiến; và ngày 30.4.1948 thì Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh tuyên bố các loại tiền giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương đều không có giá trị trong vùng cách mạng.

 

Cuối năm 1948, chiến sự căng thẳng, Hoa kiều Chợ Lớn giả Giấy bạc Việt Nam của T.Ư, Uỷ ban kháng chiến Hành chánh (KCHC) Nam Bộ quyết định ấn loát tại chỗ và phát hành loại giấy bạc Nam Bộ. Loại giấy này chất liệu khá tốt, cũng có ghi quốc hiệu VNDCCH, chân dung Bác Hồ, hàng chữ “Giấy bạc Việt Nam” và hàng chữ “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam...”. Riêng về “Đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính” thì do Chủ tịch UBKCHC Nam bộ Phạm Văn Bạch ký, còn “Đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính” thì do Giám đốc Ngân khố Nam Bộ Trần Học Hải ký. Trên tiền giấy cũng có cả chữ Hán, Miên, Lào, bao gồm các loại 1đ, 5đ, 10đ, 20đ, 50đ, 100đ. 

 

Như vậy, giấy 50đ có đến 3 loại, còn tiền 100đ có đến 4 loại, tuy chiến tranh nhưng tiền tệ được in ra cũng rất phong phú... Có một số loại chỉ lưu hành hạn hẹp trong một số tỉnh nên có thêm hàng chữ “Chỉ lưu hành trong tỉnh Long - Châu – Sa” (Long Xuyên - Châu Đốc - Sa Đéc) hoặc “Chỉ lưu hành trong tỉnh Mỹ Tho...”. Tất cả “Giấy bạc Việt Nam” đều có chân dung Bác Hồ nên dân gian gọi là “Bạc giấy Cụ Hồ” và đều có chữ ký hoặc đại diện Bộ trưởng Bộ Tài chính nên cũng gọi là “Tiền Tài chính”...

 

Sau khi ở miền Bắc thành lập Ngân hàng Quốc gia VN năm 1951, ngày 21.9.1953, Nghị định số 39-NĐ/53 của UBKCHCNB cho thành lập Ngân hàng Nhân dân Nam Bộ do ông Trần Ngọc Hải làm Giám đốc, ông Trần Dương (cán bộ TƯ do anh Cả - tức Nguyễn Lương Bằng - cử vào Nam từ năm 1951) làm Phó Giám đốc. 

 

Đầu năm 1954, Nam Bộ chủ trương in giấy bạc 200đ và 500đ, đến giữa năm thì in xong loại 200đ chưa kịp phát hành thì Hiệp định Genève được ký kết, loại 500đ còn trên bản vẽ... Hai loại giấy tiền này catalog tiền giấy quốc tế cũng như sách 100 năm tiền giấy VN đều không nhắc đến và không có hình.

 

31 cuộc họp về tài chính ngay sau ngày lập nước 

 

Sau ngày lập nước, nhu cầu chi tiêu của Nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ đời rất lớn, nhưng chính phủ cách mạng không chiếm được Ngân hàng Đông Dương mà chỉ tiếp quản Ngân khố T.Ư lúc đó còn vỏn vẹn có 1,25 triệu piastre, trong đó có 580.000 đồng là tiền hào rách nát chờ hủy! Để khắc phục khó khăn, ngày 4.9.1945, Chính phủ ra sắc lệnh “Tổ chức Quỹ Độc lập” vận động nhân dân đóng góp. Tuần lễ vàng từ ngày 17 - 24.9.1945 đã thu được 20 triệu đồng. Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều phiên họp... chỉ kể từ 20.9 đến 31.12.1945 đã họp 78 lần trong đó có 31 lần bàn về tài chính.

Theo Vietbao.vn

 

 

 

  • Từ khóa