Thứ 7, 23/11/2024, 23:11[GMT+7]

Các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ 4, 20/01/2021 | 16:01:02
13,260 lượt xem
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội; mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc son lịch sử khẳng định những thắng lợi, thành tựu và bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Thái Bình điểm lại các dấu mốc quan trọng của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 28/6 - 1/7/1996 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho hơn 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã tổng kết 10 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội đánh giá tổng quát: Công cuộc Đổi mới trong 10 năm đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra đã được hoàn thành cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Nhận định đặc điểm tình hình thế giới, thời cơ và thách thức, Đại hội xác định: Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Đại hội đã xây dựng định hướng phát triển các lĩnh vực chủ yếu: Phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách đối với các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội; quốc phòng và an ninh; chính sách đối ngoại; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới, đó là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên; củng cố Đảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII gồm 170 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (họp từ ngày 22 - 29/12/1997), Ban Chấp hành Trung ương Đảng chấp nhận đề nghị của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư; bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Văn Nguyên

 (tổng hợp)