Chủ nhật, 24/11/2024, 00:20[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa III (1964 - 1971)

Thứ 4, 07/04/2021 | 08:43:10
6,173 lượt xem
Quốc hội Việt Nam khóa III (1964 - 1971) là Quốc hội nhiệm kỳ thứ ba của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Quốc hội khóa III được bầu vào ngày 26/4/1964 và bầu 366 đại biểu.

Những cử tri trẻ tuổi lần đầu được bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, tháng 4/1964. Ảnh tư liệu

Ngoài 366 đại biểu được bầu còn có thêm 89 đại biểu khóa II miền Nam được lưu nhiệm, nâng tổng số đại biểu khóa III sau bầu cử lên 455; cơ cấu thành phần gồm: công nhân 12,4%, nông dân 24,5%, trí thức 26,8%, đảng viên 80,6%, cán bộ chính trị 19,2%, dân tộc thiểu số 16,6%, quân đội 5%, phụ nữ 16,7%, thanh niên 15,6%, tôn giáo 3,2%.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 23 thành viên chính thức và 3 thành viên dự khuyết, Ban Thư ký gồm 4 vị. Quốc hội thành lập 5 ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Thống nhất và Ủy ban Văn hóa - Xã hội.

Quốc hội khóa III là nhiệm kỳ Quốc hội hoạt động trong thời chiến nên đã kéo dài đến quý I năm 1971. Trong 7 năm, Quốc hội họp 7 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 75 phiên, đã thông qua rất nhiều nghị quyết quan trọng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc và phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Lúc này, mọi yêu cầu, nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị... đòi hỏi phải giải quyết kịp thời. Trước tình hình khẩn trương đó, tại phiên họp ngày 10/4/1965, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện để họp. Theo đó, mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ ngày càng chặt chẽ và được duy trì thường xuyên. Những chủ trương, chính sách, những nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ cứu nước, về chính sách kinh tế thời chiến, về đấu tranh thống nhất, về đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhanh chóng. Sự thống nhất giữa Quốc hội và Chính phủ là điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời yêu cầu của chiến tranh.

Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Quốc hội và Chính phủ đã động viên quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, chi viện kịp thời và ngày càng lớn cho miền Nam đánh bại các chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; tích cực làm nghĩa vụ quốc tế đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào anh em. Trong giai đoạn này, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng mở rộng nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đánh giá về công lao và sự đóng góp của Quốc hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu rõ: Quốc hội khóa III là Quốc hội đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và bảo đảm cho miền Bắc làm tròn nghĩa vụ là hậu phương lớn đối với tiền tuyến.

Quốc hội khóa III, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 23 đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh cũng như nhân dân cả nước, luôn liên hệ chặt chẽ với cử tri, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết, chính sách của Quốc hội đã ban hành; góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thái Bình chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội với yêu cầu cao nhất.

Nguyễn Hình - Thu Hiền
(tổng hợp)