Chủ nhật, 24/11/2024, 00:06[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa V (1975 - 1976)

Thứ 6, 09/04/2021 | 08:22:08
5,484 lượt xem
Quốc hội khóa V được bầu vào ngày 6/4/1975. Đây cũng là Quốc hội đầu tiên của thời kỳ xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc làm nhiệm vụ cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu

Tổng số đại biểu được bầu của Quốc hội khóa V là 424 đại biểu. Trong đó, công nhân 22%, nông dân 21%, trí thức 22%, đảng viên 73%, cán bộ chính trị 23%, dân tộc thiểu số 16,7%, quân đội 6,5%, phụ nữ 3,2%, thanh niên 33%. Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 phó chủ tịch, 11 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập các ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Thống nhất, Ủy ban Đối ngoại.
Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh lịch sử miền Nam vừa giải phóng, là nhiệm kỳ ngắn nhất, từ tháng 4/1975 đến tháng 4/1976. Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên nhưng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: “Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn một bóng tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta...”.

Quốc hội khóa V thể hiện đầy đủ bản chất là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công nông. Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, động viên nhân dân ta thi đua xây dựng đất nước, củng cố lực lượng quốc phòng. Quốc hội nhất trí phê chuẩn kết quả của hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc, thể hiện ý chí mạnh mẽ, nguyện vọng thiết tha và sự nhất trí cao của toàn dân tộc về vấn đề thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quốc hội quyết định kế hoạch nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Thành công của hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc và kết quả của hội nghị được Quốc hội phê chuẩn đã tạo nên không khí phấn khởi mới, động viên toàn dân hăng hái thi đua hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế nhà nước, tích cực chuẩn bị để thực hiện kế hoạch bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất vào tháng 4/1976.

Quốc hội khóa V, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 23 đại biểu. Các đại biểu đã đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thái Bình tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội, của các ủy ban của Quốc hội, đẩy mạnh các hoạt động giám sát tại địa phương, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội. Các đại biểu đã cùng với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với việc tiếp tục thực hiện 3 cuộc cách mạng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, phấn đấu toàn diện và sâu sắc, đưa mọi hoạt động của tỉnh tiến lên một bước phát triển mới.

Nguyễn Hình - Thu Hiền
(tổng hợp)