Chủ nhật, 24/11/2024, 00:08[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa IX (1992 - 1997)

Thứ 3, 13/04/2021 | 08:22:48
4,806 lượt xem
Quốc hội khóa IX được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1992, trong đó Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra.

Cử tri phường Điện Biên, quận Ba Đình (Hà Nội) bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa IX, tháng 7/1992.

Quốc hội khóa IX được bầu vào ngày 19/7/1992 và bầu 395 đại biểu. Cơ cấu, thành phần đại biểu gồm: nông nghiệp 14,68%, công nghiệp 4,8%, luật 3,8%, giáo dục 6,1%, văn học nghệ thuật 5,08%, cán bộ chính trị 10,94%, đảng viên 91,6%, dân tộc thiểu số 16,79%, quản lý nhà nước 31,3%. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu đồng chí Nông Đức Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, 9 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành lập Hội đồng Quốc phòng và An ninh do đồng chí Lê Đức Anh làm Chủ tịch. Ngoài ra, Quốc hội còn thành lập Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại. Trong đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh lần đầu tiên được thành lập.

Trong nhiệm kỳ, qua 11 kỳ họp, Quốc hội khóa IX đã ban hành 36 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh. Trong đó có Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã... tạo cơ sở pháp lý hình thành môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế. Quốc hội khóa IX cũng xem xét và thông qua Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi)... Đây là những đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước phù hợp với các quy định của Hiến pháp 1992. Ngoài ra, Quốc hội đã ban hành 2 bộ luật lớn là Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều pháp lệnh, trong đó có Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Lần đầu tiên sau 10 năm đổi mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm (1996 - 2000); quyết định miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước, sáp nhập một số bộ, ngành, việc chia, tách một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công tác giám sát của Quốc hội khóa IX có những đổi mới như tiến hành nghe báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. Chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc; đặc biệt, từ năm 1994 các phiên chất vấn đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp, tạo không khí cởi mở, đối thoại giữa người hỏi và người trả lời, được nhân dân quan tâm, theo dõi và hoan nghênh. Quốc hội đã chú trọng công tác dân nguyện, tiếp dân, giải quyết đơn thư của nhân dân. Nhiều đoàn công tác của Quốc hội đã trực tiếp đến các địa phương, cơ sở để đôn đốc, xem xét việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan của Quốc hội đã triển khai hoạt động đối ngoại một cách chủ động, tích cực, thực hiện có kết quả chính sách rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, góp phần quan trọng thúc đẩy việc thực hiện thành công chính sách đối ngoại của Việt Nam “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa IX, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã nêu rõ: Cùng với toàn Đảng, toàn dân, các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, Quốc hội đã không ngừng phấn đấu, góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng và 10 năm đổi mới đất nước.

Quốc hội khóa IX, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 10 đại biểu. Để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến vào các dự thảo luật, tổ chức nhiều hoạt động giám sát, khảo sát. Trên cơ sở đó, các đại biểu tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm (1991 - 1995) và mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Nguyễn Hình - Đỗ Hiền
(tổng hợp)