Thứ 7, 23/11/2024, 14:03[GMT+7]

Cây cảnh và môi trường sống quanh ta

Thứ 5, 26/08/2010 | 11:01:18
11,141 lượt xem
Không biết thú chơi cây cảnh bắt đầu từ bao giờ, và ai là người đã phát hiện ra sự kỳ thú của việc nuôi trồng cây cảnh, nhưng có thể nói rằng từ lúc xa xưa, ông cha ta đã biết cách thuần dưỡng cây hoang dại trở thành cây cảnh đẹp để không ngoài mục đích phục vụ chính con người, giúp con người giải trí lành mạnh sau những ngày lao động nặng nhọc, giảm bớt những ưu tư, phiền muộn của cuộc sống hiện tại.

Chơi cây cảnh là một thú chơi tao nhã và đem lại thu nhập cao.

Nói theo ngôn ngữ khoa học, cây cảnh đã trở thành liều thuốc giảm stress - sự căng thẳng đầu óc con người, đặc biệt là con người sống trong các môi trường đô thị. Thuần dưỡng cây cảnh trong gia đình là tự tạo ra một góc trời thu nhỏ, một công viên mini, để mỗi người có được cảm giác hòa quyện vào thiên nhiên, hóa giải những bức xúc, những bề bộn đời thường.


Nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới hiện nay đã tạo cho mỗi chúng ta sự đua tranh để tự tồn tại và khẳng định mình. Xã hội quanh ta dường như đang phát triển với tốc độ chóng mặt, do đó thú chơi cây cảnh càng trở thành nét trang điểm không thể thiếu để làm đẹp cho đời. Cây cảnh hiện nay đang là một nhu cầu, một trào lưu cho số đông người lao động ở thành thị.

Thậm chí ở cả những vùng nông thôn phát triển. Tuy vậy bất kỳ một nghề chơi nào cũng có luật chơi riêng. Môi trường cho cây cảnh thường khác xa với môi trường sống của cây tự nhiên. Cây cảnh đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt của bàn tay con người.

Do những yêu cầu biến dị phù hợp với thị hiếu nói chung, cây cảnh buộc phải phát triển mâu thuẫn với trạng thái phát triển tự nhiên của chúng. Đặc biệt là khi chúng phải sinh trưởng và lớn lên trong hoàn cảnh “cá chậu chim lồng” đầy gò bó. Khuôn viên gia đình ở đô thị thường chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sự quang hợp đầy đủ.

Do vậy, trồng và chăm sóc cây cảnh là cả một nghệ thuật và sự công phu tỉ mỉ của con người. Cây cảnh cần đủ đất màu và sự cân đối các chất dinh dưỡng, chất khoáng vi lượng để hấp thụ, nhưng phải có sự kìm hãm không cho cây phát triển nhanh. Thông thường người ta thường sử dụng khoảng 30 - 40% phân hữu cơ hoai mục, hoặc từ 30 - 40% bùn ao, phù sa phơi khô giã nhuyễn, 10% NPK ... để chăm sóc cây cảnh.

Có nơi người ta sử dụng đất tổ mối phơi khô đập nhỏ trộn với đất thường. Cũng có nơi dùng các loại bã trà đã uống xong để bón cây. Đặc biệt độ ẩm của cây thường xuyên phải được giữ ở mức từ 60% đến 85%, đất phải tơi xốp, nhằm giúp bộ rễ vừa “ăn” vừa “uống” vừa “hít thở” một cách dễ dàng trong môi trường chật hẹp.

Cây cảnh không chịu được nắng to, gió gắt. Vì vậy vị trí nuôi trồng cây cảnh cũng phải được tính toán để phù hợp với đặc điểm của từng loại.Theo sách sử để lại, luật chơi cây cảnh của nước ta gần giống với các quốc gia lân bang có nền văn hóa phương Đông phát triển lâu đời. Trong số hàng chục loài cây cảnh đẹp ở nước ta, được các bậc tiền bối chọn ra 10 loại cây mang ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng được chia thành 3 bộ gọi là các bộ tứ linh, tứ quý và tam đa.


Bộ cây cảnh “Tứ linh” bao gồm 4 loại là: Đa, Sung, Sanh và Si. Đây là 4 loại cây cùng chi tương cận, được phân loại trong hệ thống thực vật, chúng là cây có nhựa mủ, khả năng sống lâu năm, bền chắc, dễ nuôi trồng, chăm sóc. Loại cây này đẹp ở bộ rễ, vì vậy người ta thường chăm chút để cây có được bộ rễ nổi lên trên mặt đất, trông đẹp kỳ dị, lạ mắt.


Bộ cây tứ quý bao gồm: Tùng, Trúc, Cúc, Mai. Tuy khác nhau về họ hàng nhưng có nhiều dáng vẻ quen thuộc, gần gũi với con người. Do vậy chúng được phép quây quần, đoàn tụ với gia chủ trong nội thất. Mỗi cây loại này tương ứng với một mùa trong năm, nối tiếp nhau xanh tươi, đâm chồi nở lộc. Cách bài trí bộ tứ quý này theo cách Tùng và Trúc được ví như 2 trang hảo hán, quân tử đứng ở phía trước gần cửa ra vào, còn Cúc và Mai ví như 2 nàng thục nữ thuyền quyên đứng e ấp phía sau.

Ngoài ra cây Vạn Tuế (hoặc Thiên Tuế) tương ứng với chữ Thọ, cây Lộc vừng ứng với chữ Lộc, cây sung đang sai quả ứng với chữ Phúc, 3 cây này hợp nhau lại gọi là bộ Tam Đa. Tương ứng với ba chữ Phúc - Lộc - Thọ, chúng được đặt ở giữa phòng khách hoặc trước bàn thờ trong ngày tết như một lời chúc tốt lành cho toàn gia quyến, họ tộc.

Có thể nói rằng, thú chơi cây cảnh ngày xưa, cũng như cây cảnh hiện nay đều là phương tiện giải trí lành mạnh, nó giúp chúng ta vơi bớt những ưu tư, phiền muộn, những lo toan, vất vả của cuộc sống đời thường. Cây cảnh còn tạo ra một không gian và môi trường trong lành, có lợi cho sức khỏe con người nói chung và mỗi cư dân đô thị nói riêng.

Nguyễn Tấn Tuấn (Bình Định)

(Cộng tác viên)

  • Từ khóa