Chủ nhật, 17/11/2024, 10:00[GMT+7]

Chân dung người quê lúa

Thứ 4, 13/02/2013 | 16:02:58
6,772 lượt xem
Xưa kia nói đến đất Thái Bình là nói đến một vùng quê nghèo. Còn hôm nay nhắc đến Thái Bình là nhắc đến truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của người Thái Bình. Chân dung người quê lúa quả thực đẹp và giàu!

Theo dòng chảy nhân sinh, ở Việt Nam khi nhắc tên vùng miền nào đó người ta thường nhớ ngay đến thế mạnh đặc hữu. Thái Bình là tỉnh thuần nông, ba bề bốn bên độc một thế giới mênh mông ruộng nước nên sinh ra cái tên “Tỉnh lúa”. Dân tỉnh lúa vốn không sành võ nghệ chỉ chuyên nghề cuốc bẫm cày sâu một nắng hai sương, chân chất, giản dị. Đặt được ách thống trị trên xứ lúa, thực dân đế quốc cứ tưởng đã “thuần dưỡng” xong đám “dân cày vai u thịt bắp”. Chúng hí hửng cho rằng, tầng lớp tá điền nơi đây chỉ quen khoác áo tơi, đội nón lá lầm lũi cầm cày vác cuốc chứ làm gì tiềm ẩn sức mạnh như nông dân xứ Tây.

Ở đời quả không hiếm chuyện đáng phải giật mình kinh ngạc. Dù trực tiếp hay gián tiếp, tất cả lũ giặc cướp nước buộc phải mở mắt chứng kiến bất ngờ này đến bất ngờ khác từ những thế hệ “nông phu” sinh ra trên đất Thái Bình.Vào cuối thế kỷ XIX khi vua quan Triều Nguyễn nhu nhược rước họa ngoại xâm, tại vùng châu thổ sông Hồng có ngay Đề Hẹn (Tạ Bá Hiện), một người con của Thái Bình đã dũng mãnh tuốt gươm đương đầu với giặc Phú Lang Sa. Là người làng chài Quang Lang, Đề Hẹn tự tu luyện võ nghệ rồi được thăng tới chức Đô thống quân vụ Bắc Kỳ. Xót xa trước cảnh đất nước bị dày xéo, ông tập hợp được hàng ngàn trai tráng dấy binh khởi nghĩa. Giữa đồng bằng trống trải, Đề Hẹn đã sáng tạo ra thứ binh pháp cực kỳ táo bạo: Đánh độn thổ. Ngay sát thành Nam Định, nghĩa quân Đề Hẹn bí mật náu mình trong hầm hố hoặc những mô rạ giữa cánh đồng. Chờ lính Pháp dẫn xác tới, nghe hiệu lệnh, các dũng sỹ nhất loạt bật dậy đánh cận chiến. Bị đòn bất ngờ, bọn lính Pháp trở tay không kịp, tháo chạy tán loạn. Kinh hoàng trước lối xuất quỷ nhập thần này, báo chí thực dân thời ấy gọi nghĩa quân Đề Hẹn là “Giặc vồ”. Lại nhớ, sau cuộc biểu tình kinh thiên động địa của nông dân Tiền Hải vào năm 1930, thực dân Pháp tỏ ra rất run sợ nhưng chúng vẫn ngạo mạn cho rằng sức của đám dân cày này cũng chỉ đến vậy là “cùng”. Thế rồi lịch sử cận đại Việt Nam liên tiếp dạy cho bọn thực dân cả cũ lẫn mới biết bao bài học phải nhớ mãn đời.

Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, vào lúc Thái Bình đang trong giai đoạn đen tối, bằng vũ khí thô sơ, nữ du kích Nguyễn Thị Chiên và đồng đội đã lập kỳ tích lẫy lừng: Diệt, bắt sống, làm tan rã một đơn vị lính chiến nhà nghề của Pháp ngay trên mảnh đất thuần lúa bó bện ngàn đời. Nữ chiến sỹ Nguyễn Thị Chiên là tấm gương, là minh chứng tinh thần yêu nước bẩm sinh của cả cộng đồng cư dân tỉnh lúa Thái Bình. Sau sự kiện chị Chiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tên tuổi những người con quê lúa liên tiếp tỏa sáng. Năm 1954, Tạ Quốc Luật chỉ huy đơn vị bắt sống tướng Des casteri kết thúc chiến dịch Điện Biên chấn động địa cầu. Năm 1972, Phạm Tuân là phi công đầu tiên trên thế giới hạ gục siêu pháo đài bay B52 của giặc Mỹ.Năm 1975, Bùi Quang Thận đã cắm được lá cờ bách chiến bách thắng lên nóc Dinh Độc lập kết liễu số phận lũ cướp nước và bán nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam...

Ngược lên Tây Bắc, vào thăm Nhà tù Sơn La, trong số 1013 chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp đày ải có tới 425 người Thái Bình. Con số vừa bất ngờ vừa gây xúc động đến trào nước mắt. Ở Nghĩa trang liệt sĩ Sơn La trong số hơn 60 liệt sĩ bị thực dân hãm hại mới phát hiện được khắc trên hai tấm bia có tên 12 người Thái Bình. Đứng vị trí số 1 trên bia là tên một liệt sĩ Phạm Quang Lịch ở Kiến Xương. Ông là một cán bộ Đảng kiên trung, là tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng của tỉnh Thái Bình.

Xuôi theo chiều dài đất nước, ghé vào Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, khách hành hương sẽ thấy hai hiện vật chiến tranh: Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và tấm ảnh chụp chiến sỹ Lê Văn Chinh với nụ cười rạng rỡ giữa Thành cổ tan hoang sau trận hủy diệt của bom đạn. Bức thư Thành cổ và Nụ cười Thành cổ được quảng bá trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế giúp cho bầu bạn hiểu thêm về chiến thắng oai hùng của chúng ta, đồng thời thấy được kết cục thảm bại của kẻ thù. Mấy ai có thể ngờ rằng, liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, chiến sỹ Bùi Văn Chinh đều là những người con của Thái Bình. Dẫu chẳng được tay nắm tay các anh thế mà cứ thấy kiêu hãnh, cứ thấy ấm áp lắm hai tiếng “đồng hương”. Mà đâu chỉ có ở đất liền. Vượt muôn trùng sóng gió ra đảo Bạch Long Vỹ giữa vịnh Bắc Bộ, lên thăm Nghĩa trang liệt sỹ bỗng sửng sốt khi thấy trong số 19 chiến sỹ hy sinh tại đây có tới 6 người con Thái Bình. Hãnh diện được làm người cùng quê với 6 liệt sỹ, tôi thận trọng ghi rành rọt danh tính và nơi chôn rau cắt rốn của các anh: Phạm Minh Xuyên: 1944 - 1965 (Tiền Hải); Nguyễn Minh Thung: 1941 - 1967 (Tiền Hải); Đặng Văn Tùng: 1947 - 1967 (Đông Quan); Nguyễn Thụy Kha: 1960 - 1987 (Vũ Thư); Đặng Văn Nhĩ: 1957 - 1979 (Kiến Xương); Trần Trung Thông: 1957 - 1981 (Tiền Hải).

Xưa kia nói đến đất Thái Bình là nói đến một vùng quê nghèo. Còn hôm nay nhắc đến Thái Bình là nhắc đến truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của người Thái Bình. Chân dung người quê lúa quả thực đẹp và giàu!

Bài: Hoàng Ngọc Khuyến
(Thị trấn Diêm Điền Thái Thụy)
Ảnh: Duy Đông
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa