Chủ nhật, 10/11/2024, 05:52[GMT+7]

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010 Phấn đấu hoàn thành với kết quả cao nhất

Thứ 4, 01/09/2010 | 16:40:49
2,476 lượt xem
Chính phủ đã họp phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 8 tháng 2010 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2010 Ảnh: Chinhphu.vn

BTBonline - Dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới nhằm tìm ra các giải pháp tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội trong những tháng cuối năm. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, báo cáo tài chính ngân sách 5 năm 2011 – 2015; tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2010 tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực; thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2009; nhập siêu tiếp tục có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,23% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với 3 tháng đầu năm. So với tháng 12/2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2010 tăng 5,08%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của bão lũ song nhờ sự phối hợp, nỗ lực phối hợp giữa các ngành và địa phương nên nông nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống người dân ngày càng được cải thiện, sức khỏe nhân dân được chăm sóc và quan tâm tốt hơn; an ninh trật tự được giữ vững.

Chính phủ nhận định: nền kinh tế đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá cả thị trường thế giới có xu hướng tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước, đặc biệt là các tháng cuối năm. Các doanh nghiệp tiếp tục gặp một số khó khăn trong huy động vốn do lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao; thiên tai, bão lũ và dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân…

Một trong những vấn đề được các thành viên Chính phủ đặc biệt quan tâm là mục tiêu phát triển ngành điện. Bàn luận vấn đề này, các ý kiến tại phiên họp khẳng định quyết tâm của Chính phủ khẩn trương ban hành một cơ chế thông thoáng, thuận lợi để tạo sức bật cho ngành sản xuất điện. Chính phủ chủ trương khuyến khích việc xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia của các thành phần kinh tế, chung tay cùng Nhà nước đầu tư, phát triển ngành công nghiệp quan trọng này của đất nước.

Song song với những dự án thủy điện; Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình sản xuất điện năng từ năng lượng tự nhiên. Chỉ đạo riêng về vấn đề này, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Công thương tập trung quyết liệt cho mục tiêu đầu tư đẩy mạnh sản lượng điện năng, tránh để xảy ra tình trạng thiếu điện trong những năm tới. Bên cạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các dự án sản xuất điện, Nhà nước vẫn phải thể hiện được vai trò chủ đạo, nòng cốt trong phát triển lĩnh vực này, tận dụng các nguồn vốn để phấn đấu đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Đối với nhiệm vụ hoàn thành phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ rà soát lại những chỉ tiêu đã đề ra, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đạt kết quả cao hơn. Đối với những chỉ tiêu chưa đạt, cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành chủ động cân đối xuất khẩu lương thực và tiêu dùng trong nước; đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2011.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành kiểm tra, đôn đốc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu từ nay đến cuối năm, quyết liệt triển khai nhằm đạt kết quả cao nhất. Thủ tướng nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của đất nước trong năm 2011 - năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, của chiến lược 10 năm 2011 - 2010 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 2010, gắn với việc thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống người dân; tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về những chỉ tiêu cụ thể, trên cơ sở cân nhắc dự báo tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng đề xuất Chính phủ lấy mốc tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% để làm mục tiêu phấn đấu trong năm 2011. Chỉ số giá bình quân, so với tháng 12 năm trước, giữ ở mức khoảng 7%, để ổn định kinh tế vĩ mô, nhập siêu dưới 18%. Thủ tướng chỉ đạo, đối với nhóm các chỉ tiêu về an sinh xã hội, cần coi trọng đào tạo nghề, cụ thể hóa theo từng bậc đào tạo: trung cấp, cao đẳng; coi đây là chỉ số quan trọng để làm cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu về môi trường, sao cho sát với tình hình thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các chương trình trọng điểm quốc gia; đặt chương trình xây dựng nông thôn mới vào danh mục các chỉ tiêu phấn đấu của Chính phủ trong giai đoạn 2011 – 2015. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, Thường trực Chính phủ đề nghị từng bộ, ngành rà soát lại chỉ tiêu của mình để trên cơ sở đó, tổng hợp thành chỉ tiêu phấn đấu chung của Chính phủ.

Trong đó, đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tập trung mở rộng thị trường, thu hút thêm các mặt hàng mới, tăng tỷ lệ xuất khẩu. Đối với việc phát triển công nghiệp năng lượng, cần chú ý đến các biện pháp cân bằng năng lượng, trong đó có vấn đề tiết kiệm và giá, tiến tới cải tổ ngành năng lượng. Vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu cũng phải được đặt như một lĩnh vực đặc biệt, bởi hậu quả khôn lường.

Chính phủ cũng quyết tâm đổi mới, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, xác định rõ vai trò của chủ sở hữu; củng cố hệ thống giám sát bằng các hệ thống thuế, tài chính, ngân hàng. Trong kế hoạch 5 năm tới, các bộ cần rà soát, tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong quản lý đầu tư cho các địa phương để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp.

  • Từ khóa