Thứ 7, 23/11/2024, 11:39[GMT+7]

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 1-1-2024) Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ huy xuất sắc của Quân đội

Thứ 2, 01/01/2024 | 16:51:21
8,846 lượt xem
Với tư duy nhạy bén, sáng tạo, sự nhạy cảm, tinh thông về chính trị và phương pháp, tác phong dân chủ, sâu sát, tỉ mỉ, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm... Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó trọng trách ở những giai đoạn, thời điểm có tính bước ngoặt đến quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội đã nói lên phẩm chất, năng lực của nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi với Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam năm 1964. Ảnh: bqllang.gov.vn.

Kế thừa truyền thống quê hương, gia đình, người thanh niên Nguyễn Vịnh đã sớm giác ngộ lẽ sống, lý tưởng và trách nhiệm của mình đối với đất nước là phải đi theo con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây là cội nguồn sức mạnh nội sinh, động lực to lớn để người thanh niên Nguyễn Vịnh trở thành người cộng sản kiên trung, nhà chính trị quân sự xuất sắc, vị tướng tài năng, đức độ, người chỉ huy xuất sắc được toàn quân, toàn dân tin tưởng, yêu mến, kính trọng.

Vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, dưới sự cường áp, khủng bố dã man của thực dân Pháp và tay sai, phong trào cách mạng ở Thừa Thiên và Phân khu Bình-Trị-Thiên gặp muôn vàn khó khăn, nguy kịch, đứng trước nguy cơ tan rã; Trung ương Đảng và Bác Hồ đã tin tưởng giao đồng chí Nguyễn Chí Thanh đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, tiếp sau là Bí thư Phân Khu ủy Bình-Trị-Thiên và Bí thư Liên khu ủy khu 4.

Trên cơ sở nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, rút ra bài học sâu sắc: Bộ đội ta rất anh dũng, tinh thần cách mạng của đồng bào ta rất cao nhưng đáng tiếc, cán bộ, đảng viên không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy nhân dân đánh giặc; từ đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra nhận định nổi tiếng: “Mất đất, chưa phải là mất nước, chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân; có lòng tin của dân là có tất cả” đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đứng lên xây dựng, củng cố, mở rộng phong trào đấu tranh cách mạng; đưa “Bình-Trị-Thiên khói lửa”, “Bình-Trị-Thiên đau thương” phát triển, hòa chung vào phong trào đấu tranh của cả nước; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển Quân đội nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; ngày 11-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; được Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy giao phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác chính trị của Đảng trong Quân đội. 

Với tư duy nhạy bén, sáng tạo, phương pháp, tác phong công tác khoa học, cụ thể, luôn bám sát thực tiễn hoạt động của đơn vị cơ sở và bộ đội, đồng chí đã luận giải rõ vị trí, vai trò, bản chất, nội dung, tầm quan trọng, hiệu lực, hiệu quả của công tác Đảng, công tác chính trị: Là “linh hồn và mạch sống” của Quân đội; là vấn đề có tính nguyên tắc để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; là cội nguồn sức mạnh chiến đấu, bảo đảm Quân đội luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào.

Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp cả về số lượng và chất lượng, gắn với xây dựng hệ thống tổ chức đảng “vững mạnh, chặt chẽ và đều khắp”; bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; trước hết là xây dựng Cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, giúp Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh xác định chủ trương, nội dung, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Đồng chí đã dành cả tâm huyết, dày công nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống nguyên tắc và chế độ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, góp phần để “Quân đội ta thực sự trở thành một Quân đội của dân tộc, của giai cấp, một đội quân tất thắng”.

Vào nửa cuối năm 1964, trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ và đồng minh ồ ạt đưa đội quân viễn chinh, nhà nghề, thiện chiến vào miền Nam để triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân... tác động đến tinh thần, tư tưởng, ý chí chiến đấu của quân và dân cả nước; Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều động Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đảm nhiệm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam với trọng trách là tìm cách đánh Mỹ và thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bằng nhãn quan chiến lược sâu sắc và tinh thần “dám đánh Mỹ ta sẽ tìm ra cách đánh Mỹ và nhất định thắng Mỹ”, Đại tướng đã trực tiếp nghiên cứu thực tiễn chiến trường, nắm chắc, đánh giá chính xác tình hình, tương quan lực lượng địch-ta, tìm ra cách đánh sáng tạo, nhằm phát huy sở trường, cách đánh, sức mạnh của ta, hạn chế tối đa, triệt tiêu ưu thế về vũ khí, trang bị hiện đại của địch và khái quát thành phương châm chỉ đạo trên chiến trường miền Nam: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”... góp phần quyết định đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, tạo bước ngoặt phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Bằng đức độ, tài năng xuất chúng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta. Đồng thời, là niềm cổ vũ, động viên; là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân học tập, noi theo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch... của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, cách mạng, chính quy, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại tá, TS THÁI DOÃN TƯỚC

Theo: qdnd.vn