Thứ 7, 23/11/2024, 11:02[GMT+7]

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Ðào Duy Tùng (20/5/1924-20/5/2024) Nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng ta

Thứ 2, 20/05/2024 | 08:19:35
12,097 lượt xem
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Ðào Duy Tùng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng ta, dân tộc ta. Ðồng chí Ðào Duy Tùng là nhà lãnh đạo cao cấp của Ðảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Ðào Duy Tùng.

Nhà lãnh đạo tận tụy, có tư duy đổi mới

Ðồng chí Ðào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại quê hương giàu truyền thống cách mạng xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh, Hà Nội. Ðồng chí tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, được tổ chức kết nạp vào Ðảng tháng 4/1945. Ðồng chí đã liên tục hoạt động cách mạng từ cấp cơ sở, huyện, tỉnh, rồi được điều lên cơ quan Trung ương. Ðồng chí được Ðảng phân công giữ trọng trách Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VII, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Với hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Ðào Duy Tùng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, dân tộc. Ðồng chí có hơn 40 năm làm công tác tư tưởng lý luận của Ðảng, từ tháng 5/1955 đến năm 1998. Hầu hết quãng thời gian hoạt động ở Trung ương, khi được phân công phụ trách tuyên huấn, đồng chí dành nhiều công sức cho nghiên cứu lý luận, tổng kết công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Ðảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Ðảng ta.

Sau Ðại hội VI, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, lại được giao nhiệm vụ trong Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị, đồng chí đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó của Ðảng. Buổi đầu thời kỳ đổi mới, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa để xây dựng, hoàn thiện đường lối đổi mới của Ðảng.

Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng nghiệp cùng làm việc với đồng chí, đều cảm nhận nhiều ngày liền đồng chí cần mẫn từ sáng sớm đến đêm khuya làm việc tại gác 2 số 4 phố Nguyễn Cảnh Chân, nơi trụ sở làm việc của Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư hoặc xuống địa phương nghiên cứu tình hình, tìm ra những cách làm, những nhân tố tích cực trên con đường đổi mới. Ðồng chí cũng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán 100” rồi “khoán 10”, đến Cương lĩnh đổi mới sau này. Theo kết quả nhiều nghiên cứu, các nghị quyết về đổi mới của Trung ương, từ năm 1986 trở đi đều có bút tích tham gia ý kiến của đồng chí. Các bài phát biểu của đồng chí bao giờ cũng tiêu biểu cho quan điểm chung của Ðảng và được trình bày sáng sủa, có sức thuyết phục cao.

Tổng Bí thư Ðỗ Mười, người đã sát cánh công tác với đồng chí Ðào Duy Tùng trong nhiều năm đã đánh giá: Ðồng chí Ðào Duy Tùng là một nhân vật có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới để vượt lên mình.

Là người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của Ðảng trong thời kỳ đưa đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, bên cạnh những vấn đề căn bản, lớn lao về đường lối đổi mới, đường lối phát triển đất nước trong thời điểm bước ngoặt lịch sử dân tộc, có một vấn đề mà đồng chí Ðào Duy Tùng đặc biệt quan tâm, đó là - vấn đề đổi mới tư duy. Vào thời điểm ấy, theo đồng chí, đổi mới tư duy là một vấn đề mang tính sống còn, nếu không đổi mới tư duy thì không thể có tư duy mới để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hình thành tư duy mới, xây dựng tư duy mới là vấn đề mà đồng chí Ðào Duy Tùng dành rất nhiều tâm huyết.

Ðồng chí đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị tổng kết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng Ðảng, đặc biệt trên lĩnh vực công tác tư tưởng. Ðồng chí đã thể hiện là chiến sĩ xông xáo, một người chỉ huy tài năng của mặt trận tư tưởng-lý luận. Ðồng chí đã viết nhiều cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc như “Bản chất cách mạng và khoa học của Ðảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Ðảng”, “Sự lãnh đạo của Ðảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”…

Ðồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, từng là Thư ký của đồng chí Ðào Duy Tùng, bày tỏ cảm xúc: Ðồng chí Ðào Duy Tùng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980. Trong suốt những năm đất nước tiến hành đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể, các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Ðồng chí để lại những di sản sâu sắc và bổ ích, có giá trị lâu dài.

Nhà lãnh đạo tư tưởng, báo chí, tuyên truyền tài năng

Ðồng chí Ðào Duy Tùng là một nhà lãnh đạo có uy tín và tài năng của Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ðồng chí có nhiều năm gắn bó với công tác tư tưởng-lý luận của cách mạng Việt Nam, là một nhà lãnh đạo hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền, báo chí của Ðảng. Với báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí không chỉ hiện diện với tư cách là người lãnh đạo công tác tư tưởng, là người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí, mà còn là một nhà báo lớn với những tác phẩm báo chí có giá trị lý luận lâu dài.

Từ năm 1992-1995, trên cương vị được giao, đồng chí đã chỉ đạo hoàn thành việc biên soạn Bộ giáo trình Quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền cương lĩnh, đường lối chính sách qua các nghị quyết Ðại hội Ðảng.

Nghiên cứu cho thấy, đồng chí Ðào Duy Tùng là một nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận và báo chí có tư duy mới, suy nghĩ hiện đại và tầm nhìn bao quát, rộng lớn. Ðồng chí Ðào Duy Tùng đề nghị báo chí tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện đường lối, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần cụ thể hóa, bổ sung, phát triển con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Ði đôi với việc biểu dương cái hay, cái tốt của chế độ mới, báo chí coi trọng việc phê phán cái ác, cái xấu, các tệ tham nhũng, quan liêu; phê phán những kẻ gieo rắc luận điểm hoài nghi, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước… nhằm thực hiện những mưu đồ không tốt đẹp. Báo chí không chỉ phản ánh hiện thực xã hội, mà có trách nhiệm định hướng đúng đắn dư luận xã hội trước mỗi sự kiện trong nước và quốc tế.

Ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, với tư cách là nhà lãnh đạo cao cấp của Ðảng, đồng chí đặc biệt quan tâm tới vấn đề thông tin. Ðồng chí chỉ rõ, đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng để đổi mới tư duy. Ðồng chí khái quát, để đáp ứng được yêu cầu của cách mạng đang đặt ra, công tác này cần được tiến hành cải tiến theo các hướng: một là, đa dạng hóa thông tin và tăng lượng tin hữu ích; hai là, mở rộng tính công khai trong hoạt động thông tin; ba là, thông tin phải chân thực, góp phần xây dựng tư duy mới, khắc phục tư duy lạc hậu; bốn là, đưa được tiếng nói của nhân dân tới những cơ quan lãnh đạo Ðảng và Nhà nước các cấp; năm là, nâng cao tính phê bình, tự phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu nhân tố tích cực và cả nhân tố tiêu cực; sáu là, thông tin đến được đúng đối tượng, đến tận những người lao động.

Ðồng chí cũng yêu cầu, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình đối với báo chí, tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng bàn bạc nhằm kịp thời bổ sung và hoàn thiện các chính sách về thông tin cũng như các chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với các nhà báo, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí và các nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; cải tiến công tác thông tin, báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Không chỉ là người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận, lãnh đạo công tác báo chí, truyền thông của Ðảng, đồng chí Ðào Duy Tùng còn là một nhà báo lớn. Tư cách là nhà báo cách mạng, đồng chí Ðào Duy Tùng thể hiện ở hai khía cạnh, đó là người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí và người viết báo. Với một gia tài đồ sộ hàng nghìn bài viết, bài nói, đồng chí Ðào Duy Tùng thật sự là một nhà báo lớn. Tác phẩm báo chí của đồng chí có sức nặng tư tưởng lý luận, chính luận sắc sảo, có phong cách đặc sắc, riêng biệt, có tính giáo dục, thuyết phục và truyền bá sâu rộng.

Nhà báo Hà Ðăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương trao đổi: Nói đến Ðào Duy Tùng, người ta thường nghĩ về một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo. Sự thật anh đi vào công tác báo chí rất sâu. Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận, những bài báo ấy đều chứa đựng một nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong sáng sủa, rõ ràng. Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng không có nội dung thực.

Ðồng chí Ðào Duy Tùng có 17 năm (1965-1982) trực tiếp làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng. Ðồng chí đã góp phần quyết định đưa tạp chí lý luận của Ðảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện. Tạp chí đã đóng góp vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Ðảng, làm sáng tỏ đường lối, quan điểm tư tưởng của Ðảng, bồi dưỡng trình độ lý luận và chính trị cho cán bộ, đảng viên; kịp thời phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái, tăng cường sự nhất trí trong Ðảng và động viên phong trào hành động cách mạng của nhân dân. Tạp chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng, của kháng chiến, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo: nhandan.vn