Thứ 2, 18/11/2024, 01:28[GMT+7]

Chủ động, sáng tạo tổ chức lực lượng, cách đánh trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947

Thứ 3, 29/10/2013 | 14:29:50
4,657 lượt xem
Nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực và bắt toàn bộ cơ quan đầu não kháng chiến của ta, quân Pháp tập trung lực lượng lên tới hơn 12.000 quân thủy-bộ, mở cuộc tiến công chiến lược lên Việt Bắc từ ngày 7-10-1947.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch tác chiến, bố trí lực lượng chiến dịch. Ảnh tư liệu

Để đánh bại cuộc tiến công của quân Pháp, ngày 15-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân triển khai những nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời chỉ thị cho LLVT địa phương cách thức tổ chức lực lượng và cách đánh phù hợp, nhằm đánh bại cuộc tiến công của địch.

 

Chấp hành chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh ĐB-101 nêu những nguyên tắc mới về tổ chức bộ đội và bố trí lực lượng, về nhiệm vụ của các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung, nêu rõ cuộc tiến công Việt Bắc lần này, địch hành quân táo bạo bằng quân nhảy dù chiếm đóng ngay hậu phương của ta, làm tình hình chiến sự thay đổi, không có phân biệt hậu phương và tiền tuyến… Bộ Tổng chỉ huy triển khai phát động chiến tranh du kích rộng rãi; tổ chức, bố trí lực lượng tác chiến phù hợp, lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương, bộ đội chủ lực bố trí ở những nơi cơ động gần mặt trận hoặc đường giao thông quan trọng, theo nguyên tắc tập trung từng tiểu đoàn phụ trách từng khu vực.

 

Nhiệm vụ của đại đội độc lập là quấy rối, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ quân địch, đôn đốc việc phá hoại ở địa phương, giúp đỡ vũ trang tuyên truyền và phối hợp tác chiến với dân quân, du kích; phối hợp với các tiểu đoàn tập trung đánh những trận đánh lớn. Ngoài nhiệm vụ tác chiến, đại đội độc lập phải giúp đỡ dân quân du kích, tổ chức và giúp đỡ huấn luyện, kèm cặp trong chiến đấu; trong mỗi địa phương ít nhất phải chọn một trung đội khá để huấn luyện, xây dựng thành bộ đội địa phương. Các tiểu đoàn tập trung được tổ chức, phối hợp với các đại đội độc lập và du kích địa phương phục kích, tiêu diệt địch, đánh phá giao thông. Ta bố trí thành 30 đại đội độc lập, hoạt động phân tán ở một số châu huyện trên địa bàn chiến dịch và 18 tiểu đoàn tập trung trên 3 mặt trận (Sông Lô-Đường số 2, Đường số 3, Đường số 4), lấy cách đánh phục kích, tập kích, kỳ tập… diệt địch đang vận động, vận chuyển tiếp tế làm chủ yếu. Phương châm ""đánh nhỏ ăn chắc"", kết hợp tiêu hao rộng rãi với tiêu diệt bộ phận khi có thời cơ.

 

Tổ chức và nhiệm vụ ở từng mặt trận trong chiến dịch được phân công cụ thể. Mặt trận Sông Lô-Đường số 2 có nhiệm vụ đánh địch vận động trên sông và trên bộ, ngăn chặn việc tiếp tế, tăng viện của chúng, tiến tới bẻ gãy gọng kìm phía Tây. Sử dụng trung đoàn chủ lực của Khu 10 và một tiểu đoàn chủ lực của Bộ, đánh địch trên sông Lô từ Việt Trì đến Tuyên Quang. Trung đoàn 147 và 2 tiểu đoàn chủ lực của Bộ triển khai bảo vệ phía nam đường liên tỉnh Tuyên Quang-Thái Nguyên. Mặt trận Bắc Kạn-Đường số 3 có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt địch cơ động trên đường Bắc Kạn-Cao Bằng và nống ra xung quanh thị xã Bắc Kạn, bảo vệ các cơ quan đầu não Trung ương trong khu vực căn cứ địa. Trung đoàn 121 sử dụng tiểu đoàn tập trung, đánh địch từ Thái Nguyên tới Phúc Yên; 7 đại đội độc lập triển khai bố trí ở Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh, Yên Lãng, Phú Bình, Vũ Nhai, Chợ Chu, Đại Từ, Đồng Hỷ.

 

Trung đoàn 165 cùng Tiểu đoàn 11 triển khai đánh địch ở vùng Chợ Rã, Chợ Đồn, Bắc Kạn. Mặt trận Cao Bằng-Đường số 4 đánh địch cơ động trên tuyến đường Lạng Sơn-Cao Bằng, hạn chế sức mạnh cơ giới và khả năng tiếp tế lực lượng của địch từ Thất Khê đến Cao Bằng xuống Bắc Kạn, từng bước vô hiệu hóa gọng kìm phía Đông. Trung đoàn 74, sử dụng tiểu đoàn tập trung triển khai đánh địch trên đoạn đường từ Cao Bằng đến Thất Khê; các đại đội độc lập triển khai đánh địch ở Nguyên Bình, Sóc Giang, Hòa An, Quảng Uyên, Phục Hòa, Đông Khê. Trung đoàn 11 triển khai đánh địch trên Đường số 4 từ Lạng Sơn đến Đông Khê và Đường số 1 từ Lạng Sơn đi Đồng Mỏ; 6 đại đội độc lập hoạt động ở Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Điềm He, Lộc Bình, Đồng Mỏ.

 

Trên cả 3 mặt trận với phương châm tác chiến ""đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung"" kết hợp bộ binh đánh trên bộ với pháo binh đánh trên sông, dùng hình thức phục kích làm chính, nhằm vào các đơn vị nhỏ của địch đang vận động trên bộ và trên sông làm mục tiêu chủ yếu. Với cách đánh đó, ta đã khoét sâu chỗ yếu cơ bản của địch khi thoát ly công sự, thoát ly sự chi viện của máy bay, pháo binh. Trong khi đó, các đại đội độc lập giúp đỡ dìu dắt dân quân du kích các địa phương đánh địch rộng khắp, vừa tiêu hao lực lượng địch, hạn chế khả năng các toán quân địch lùng sục vào sâu trong căn cứ, vừa bảo vệ, giúp đỡ các cơ quan, công xưởng, bệnh viện… di chuyển tránh vòng vây của chúng.

 

Thực tế diễn biến chiến dịch từ ngày 7-10 đến 22-12-1947, trên cả 3 mặt trận ta thực hiện nhiều trận đánh địch hiệu quả, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6000 tên địch, bắn rơi 16 máy bay, phá hủy nhiều tàu xuồng, ca-nô, xe quân sự, súng, pháo và phương tiện, vật chất quân sự khác. Thắng lợi của chiến dịch đã làm phá sản chiến lược ""đánh nhanh, thắng nhanh"" của thực dân Pháp, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ an toàn cơ quan chỉ đạo kháng chiến và căn cứ địa cách mạng, đánh dấu sự hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự, nổi bật là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp, chỉ đạo cách đánh linh hoạt, sáng tạo của Đảng và quân đội ta…

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa