Thứ 3, 19/11/2024, 10:43[GMT+7]

Chiến công oanh liệt trên cao điểm 723

Thứ 6, 20/12/2013 | 15:20:25
4,709 lượt xem
Các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 141 được giao nhiệm vụ chốt chặt ngã ba Sa Ði – Mường Noòng và sau đó được giao nhiệm vụ bao vây tiêu diệt Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 (Sư đoàn tổng dự bị chiến lược của địch) tại điểm cao 723

Quân giải phóng tiến công và làm chủ Thành phố Ðà Nẵng 29-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Ðầu năm 1966, Sư đoàn 312 (Sư đoàn tổng dự bị chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Namon>) về tuyển quân tại Thái Bình. Với truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” thanh niên quê tôi nô nức tòng quân. Nhiều người trích tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Hàng nghìn thanh niên đã lên đường trong đợt đó, bảo đảm đủ biên chế cho Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Tôi và các đồng đội vinh dự được nhập ngũ trong mùa xuân đó.

Sau gần hai năm huấn luyện, những chiến sĩ thuộc Trung đoàn 141 được lệnh vào Nam tham gia chiến đấu mùa xuân 1968 tại chiến trường Thừa Thiên Huế và sau đó tham gia các trận đánh tại chiến trường Quảng Nam – Ðà Nẵng lập nên những chiến công oanh liệt mà nhân dân Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam – Ðà Nẵng thường nhắc đến với tên gọi trìu mến “Quân mũ sắt, quân triều đình” đánh đâu thắng đó.

Cuối năm 1970, Trung ương đã dự báo đúng âm mưu của địch mở chiến dịch Lam Sơn 79 đánh chiếm đường 9, Nam Lào cắt đứt đường chi viện từ Bắc vào Nam. Trung đoàn 141 khi đó nằm trong đội hình Sư đoàn 2, Quân khu 5 được điều cấp tốc từ Quảng Nam ra Quảng Trị, Nam Lào để tham gia chiến dịch.

Ðầu năm 1971, địch huy động các lực lượng hùng hậu nhất của quân đội Ngụy ra đường 9, Nam Lào gồm hầu hết các lực lượng tổng dự bị chiến lược như: Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến, Sư đoàn 1 và các Sư đoàn thuộc Quân khu 1 của địch cùng không quân, pháo binh, xe tăng và các đơn vị hỏa lực của quân đội Mỹ tham chiến. Những ngày đầu chiến dịch, địch ào ạt đổ quân đánh chiếm các cao điểm trên trục đường 9. Không quân và pháo binh địch trút xuống chiến trường hàng chục nghìn tấn bom đạn, cứ khoảng 15 phút lại có 1 phi đội B52 rải thảm. Cả mặt trận dài hàng trăm km suốt ngày, đêm mịt mù bom đạn. Nhiều đoạn suối nơi bộ đội ta đóng quân, cây cối, đất đá ngổn ngang, nước trong các khe suối nổi váng thuốc bom đạn đen đặc, bộ đội không thể sử dụng được để nấu cơm.

Các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 141 được giao nhiệm vụ chốt chặt ngã ba Sa Ði – Mường Noòng và sau đó được giao nhiệm vụ bao vây tiêu diệt Trung đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 (Sư đoàn tổng dự bị chiến lược của địch) tại điểm cao 723 (phía nam sông Sê Pôn, cách Thị trấn Sê Pôn khoảng 10 km). Sau gần 1 tuần vây ép triệt phá đường không, cắt đường tiếp tế, cả trung đoàn địch gồm hàng nghìn tên bị dồn cứng trên cao điểm. Gần 10 khẩu pháo 105 ly của địch thả xuống cao điểm hoàn toàn bị tê liệt không khai hỏa được và sau đó bị pháo binh ta phá hủy. Trong thế đường cùng, địch chống cự hết sức điên cuồng, trận đánh kéo dài chưa thể dứt điểm.

Trước tình hình đó Ðảng ủy Sư đoàn và Trung đoàn quyết định tấn công mạnh từ hai hướng tây và tây bắc bỏ ngỏ hướng đông bắc để địch buộc phải tháo chạy xuống thung lũng song Sê Pôn dưới chân dốc Nguyễn Chí Thanh. Cục diện trận đánh diễn ra theo đúng ý định của ta. Hàng nghìn quân địch hốt hoảng tràn xuống thung lũng hòng chạy ra đường 9 để thoát thân, song đã bị các đơn vị của ta phục sẵn tiêu diệt và bắt sống. Nhiều công sự của địch bị ta đánh chiếm khi lật nóc hầm thu được hàng chục khẩu súng mà quân địch dùng thay gỗ để lát hầm.

Chiến công oanh liệt của các chiến sĩ quê ta đã tiêu diệt gọn Trung đoàn 1, Sư đoàn 1 lực lượng tinh nhuệ nhất của địch; cùng với các đơn vị bạn đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 79 của địch, tiêu diệt hàng chục nghìn tên. Ðánh quỵ các lực lượng sừng sỏ nhất của địch, bẻ gãy xương sống của chiến lược Việt Namon> hóa chiến tranh.

Trong chiến dịch đó quân địch bị thương vong nhiều đến mức các bệnh viện quân sự và dân sự trên khắp Quân khu 1 của địch từ Quảng Trị đến Ðà Nẵng đầy ắp các thương binh địch.

Phạm Phú An

(Phường Trần Hưng Ðạo. Thánh phố Thái Bình)

  • Từ khóa