Thứ 6, 15/11/2024, 13:23[GMT+7]

“Muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân làm gốc”

Thứ 2, 02/11/2015 | 09:27:12
13,762 lượt xem
Từ khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến trước ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có những năm tháng ở nước Nga Xô - viết. Nước Nga của Lênin vĩ đại đã để lại trong trái tim người cộng sản trẻ tuổi của xứ sở An Nam thuộc địa nhiều dấu ấn đặc biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên Xô tháng 7 năm 1955. Ảnh tư liệu

Vào giữa năm 1923, được sự giúp đỡ của những người bạn là công nhân xe lửa Pháp và Đức, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Thủ đô Paris đến Berlin để sang Nga. Người mang theo giấy giới thiệu của Đảng Cộng sản Pháp cử đi dự Đại hội lần thứ 5 Quốc tế Cộng sản họp tại Matxcơva. Ngày 30/6/1923, cơ quan đại diện Nga Xô - viết tại Đức đã đưa Người đến Nga trên chiếc tàu buôn mang tên Caclipnech.

Tại Nga, Nguyễn Ái Quốc vừa là đại biểu Đảng Cộng sản Pháp vừa làm phóng viên thường trú của các tờ báo cánh tả Pháp tại Matxcơva. Đây là cơ hội hiếm có để Nguyễn Ái Quốc có cách nhìn chân thực nhất về chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã soạn thảo một văn kiện của Quốc tế Cộng sản bằng tiếng Việt sau đó bí mật gửi về nước.

Nội dung của văn kiện (trích nguyên văn) như sau:

"Quốc tế lao nông Hội kính cáo.

Nhời hô của Hội "Quốc tế Cộng sản".

Mạc Tư Khoa, 24-1-1924.

Vừa 5 năm qua, ở kinh đô nước Nga là một nước thật là dân chủ. Ở trần gian chưa bao giờ có nước như thế. Họ lập một Hội để hợp tất cả bao nhiêu người làm ăn. Hội ấy gọi là "International Communisté". Nhờ mấy người cầm đầu anh hùng mới dựng lên, thì Hội ấy bây giờ mạnh lắm, để giúp hàng triệu, hàng muôn người làm ăn ngũ phương, nhất là nông dân khốn khổ thuộc địa như An Nam ta vậy. Hội mới mất ông Lênin làm chủ. Ông ấy can đảm, khôn ngoan và rất tử tế. Nhưng mà Hội vẫn cứ chắc thế nào cũng cứ đỡ đầu cho đến nơi.

Khắp cả trần gian, đâu đâu nghe thấy tiếng Hội, trông thấy cờ đỏ hồng của Hội, thì giật mình giật mẩy. Thời mình thắng trận gần đến! Anh em ơi! Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại!".

Bằng con đường, Người đã chuyển bản tiếng Việt này về Paris, in ở báo L’Humanité 3.500 bản rồi bí mật gửi về nước. Qua đó, người Việt Nam đã có những thông tin trung thực, đúng đắn về Cách mạng Tháng Mười Nga. Tài liệu của mật thám Pháp ghi nhận: "Tại Đông Dương, nhà đương cục đã tịch thu được 1 nghìn 815 bản".

Bên cạnh đó, qua những trang viết, bài báo của mình, Nguyễn Ái Quốc đã dành tình cảm đặc biệt tôn kính của mình về nước Nga, về lãnh tụ Lênin đứng đầu nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới: "Tất cả mọi người, cũng thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi bọn chủ bóc lột và hiện đang quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn địa chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ nước đó. Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng dẫn đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội".

Trong một loạt bài viết khác, Nguyễn Ái Quốc đề cập đến tính ưu việt của chế độ mới ở nước Nga về văn hóa, giáo dục, y tế..., đồng thời kết luận: "Trong thế giới bây giờ, chỉ có cách mạng Nga là thành công, và thành công đến nơi đến chốn. Nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do, bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, lại ra sức cho công nông các nước và nhân dân bị bóc lột ở các nước thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng: Muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là, phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư (cách gọi Các Mác theo tiếng Hán) và Lênin".

Thời gian hoạt động ở nước Nga Xô - viết, Nguyễn Ái Quốc tham dự nhiều hội nghị quốc tế lớn như: Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, Đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản, Đại hội lần thứ ba Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội lần thứ năm Quốc tế Thanh niên... Tại các diễn đàn này, bằng tài hùng biện xuất chúng, Người đã nói lên tiếng nói của nhân dân thuộc địa, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với các nước thuộc địa trên thế giới và tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam.

Sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam theo con đường của Lênin, con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga được tuyên truyền rộng rãi từ năm 1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời:

Nước Nga có chuyện lạ đời

Đang người nô lệ thành người tự do

Đây là ngọn cờ vẫy gọi các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do, trong đó có dân tộc Việt Nam. Cuối năm 1929, lần đầu tiên, những người cộng sản Việt Nam tổ chức kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười. Hình ảnh lá cờ đỏ có hình búa liềm xuất hiện ở nhiều nơi với những cuộc mít-tinh, diễn thuyết về một xã hội Xô - viết công bằng, dân chủ, không có cảnh người bóc lột người. Từ năm 1930, sau khi thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một tổ chức, những người cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng trong nước theo con đường của Cách mạng Tháng Mười bước vào cuộc chiến đấu mới bằng ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh, thành lập chính quyền Xô - viết đầu tiên theo hình mẫu của Cách mạng Tháng Mười. Ở Tiền Hải, Thái Bình là "tiếng trống năm 30 còn vang vọng đến bây giờ".

Kỷ niệm 98 năm Cách mạng Tháng Mười Nga trong bối cảnh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn nữa, thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, các thế lực phản động mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi cố tình bóp méo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Mười. Nhưng với những người cộng sản chân chính cũng như giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, giá trị nhân văn của Cách mạng Tháng Mười và tư tưởng của Lênin vẫn vẹn nguyên trong trái tim, khối óc của mình. Đối với nhân dân Việt Nam cũng thế. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nguyện đoàn kết một lòng, vững tin theo Đảng, đi theo con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đồng thời, không bao giờ phai nhạt tư tưởng "dựa vào dân, lấy dân làm gốc", thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Trần Nam
(Đài PTTH Thái Bình)

 

  • Từ khóa