Thứ 7, 23/11/2024, 14:23[GMT+7]

Sức nóng khó định liệu

Thứ 4, 20/04/2011 | 15:26:47
2,162 lượt xem
Đó không phải năng lượng từ những thanh nhiên liệu đang cần được làm mát trong các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản sau thảm họa sóng thần mà là "Bình minh Odessey" - chiến dịch không kích của phương Tây nhằm thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc- vừa bước vào một ngày mới.

Sau một tháng (từ đêm 19 rạng sáng 20-3-2011) trút bão lửa xuống một quốc gia có chủ quyền, lực lượng không quân hoàn hảo nhất thế giới của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn buộc khoảng 5.000 người nhốn nháo sơ tán khỏi Mistara - một thành phố miền Tây của Libya. Và dân thường không phải là mục tiêu mà bom đạn Mỹ và châu Âu đủ "thông minh" để có thể phân biệt mà chừa ra, khiến họ sống sót...

48 giờ qua, lực lượng phòng không của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vẫn tỏ ra không đuối sức trước các cuộc oanh tạc từ bên ngoài. Như vậy, hàng ngàn đợt xuất kích nhằm kiểm soát bầu trời Libya của liên quân hơn 4 tuần qua xem ra đã không những chưa thể thay đổi đường biên giới giả định chia cắt Đông - Tây ở quốc gia Bắc Phi, mà thậm chí cũng chưa thực sự thiết lập được một vùng cấm bay như mong muốn.

Thực tế là sứ mệnh bảo vệ an ninh của liên quân cả tháng qua chưa vượt quá vùng trời của phe nổi dậy ở Benghazi hay Tobruk... Gần 90% không phận của đất nước sa mạc vẫn tự do. Đây là lời giải thích cho bế tắc tại một chiến trường đang chứng kiến sự can dự đông đảo của nhiều quốc gia Âu, Mỹ trên cả bình diện quân sự lẫn ngoại giao.

Không chỉ là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận của nhóm chủ chiến Anh, Pháp, Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Libya đã thành mối quan tâm thường xuyên của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) cũng như của một nhân tố riêng lẻ nhưng bất ngờ như Qatar. Một ván bài ở cấp độ quốc tế đã được mở và những người trong cuộc đều có toan tính riêng.

Với NATO, việc tiếp nhận quyền chỉ huy cuộc chiến thứ ba mà tổ chức này tham dự và là đầu tiên tại châu Phi (sau chiến trường Kosovo ở châu Âu và Afghanistan thuộc châu Á) được xem là cơ hội để củng cố chiến lược toàn cầu của khối. Thế nhưng, người ta cho rằng, nếu không xuất phát từ lo ngại của nhiều nước châu Âu rằng Pháp sẽ nhận phần nhiều hơn trong "miếng bánh" Libya một khi giữ ghế lãnh đạo chiến dịch thì có thể NATO khó là ứng viên hợp lý nhất.

Cũng vì đeo đuổi những lợi ích riêng mà nội bộ hùng mạnh của NATO đã và đang sa vào tranh cãi từ mục tiêu chiến tranh, nguồn lực cho phe đối lập, trang bị vũ khí đến việc thiếu máy bay, bom đạn để tấn công... Sự bất đồng lên đến cao điểm khi Pháp chỉ trích khối quân sự đã không đủ mạnh để "ngăn chặn" thương vong cho thường dân.

Những màn trình diễn nhằm kiểm soát không phận không quá lớn tại Libya của NATO khiến dư luận nghi ngờ sức mạnh thực sự của cỗ máy quân sự lớn nhất thế giới. Điều này đã buộc Mỹ không thể sớm lui vào hậu trường như mong muốn. Đây là căn nguyên dẫn tới cuộc chơi chính trị - như một nghệ thuật của cái có thể - ở Libya giữ độ nóng ở quy mô toàn cầu trong một thời gian chưa thể định liệu.

Cơn chính biến bất thường của thế giới Arab đã ghi nhận sự xuất hiện vai trò của những tổ chức vốn chỉ mang tính khu vực như AU hoặc AL. Trái với quyết định của AL ủng hộ lập vùng cấm bay tại Libya để rồi sau đó hốt hoảng lên tiếng phản đối chiến sự leo thang, AU đã im hơi lặng tiếng cho đến khi đột ngột công bố bản kế hoạch hòa bình.

Cho dù những kêu gọi mà AL đưa ra chưa đi tới đâu, trong khi đề xuất chấm dứt sự chia cắt tại Libya của AU thất bại do sự phản đối của phe đối lập, nhưng Libya đã kịp trở thành một cuộc chơi mà không thế lực nào muốn đứng ngoài. Sự hăng hái của Qatar đối lập với phần còn lại của thế giới Arab trong vấn đề Libya không chỉ tỏ rõ tham vọng vị thế của một nước mà còn cho thấy sự chuyển dịch giá trị truyền thống đang diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi trong các vấn đề quốc tế.

Thêm một lần nữa, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lại khẩn thiết yêu cầu ngừng bắn khi sự thật ngày càng chứng tỏ những gì đang xảy ra trên quốc gia rộng 1,8 triệu kilômét vuông này đã vượt quá mục tiêu bảo vệ dân thường của Nghị quyết 1973. EU vừa có kế hoạch đưa binh lính tới Misrata đang bị bao vây để bảo vệ hoạt động cứu trợ nếu LHQ yêu cầu, đánh dấu sự triển khai trên bộ đầu tiên đang mang tới e ngại về một can dự quá mức. Điều đó nếu xảy ra, có nhiều dấu hiệu sẽ đưa Libya vào một hành trình Afghanistan mới và khiến ván bài chính trị trên sa mạc Bắc Phi trở nên nguy hiểm hơn.

Theo Hà Nội Mới

  • Từ khóa