Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

Lễ hội Đền Hùng

Thứ 6, 31/03/2017 | 15:50:26
5,437 lượt xem
Trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, từ nhiều đời nay, các thế hệ luôn luôn hướng tới một điểm tựa tâm linh thiêng liêng trong sâu thẳm tâm thức của dân tộc Việt Nam đó là Lễ hội Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương.

Trẩy hội Đền Hùng. Ảnh: Phương Anh

Đã từ bao đời nay, câu ca dao quen thuộc vang mãi trong tâm khảm của mọi người mỗi khi về thăm viếng Mộ Tổ và dự lễ hội Đền Hùng:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Người Việt Nam vốn có truyền thống, đạo lý sâu sắc về cách ứng xử với các bậc tiền nhân, với thế hệ đi trước bằng triết lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”... Chính vì vậy mà các thế hệ nối tiếp nhau luôn tôn kính và biết ơn những người đã có công khai sinh ra đất nước, dân tộc, biết ơn Tổ tiên, gia đình và dòng họ. Từ truyền thống, đạo lý đó đã phát triển thành một hệ ý thức văn hóa tinh thần của tín ngưỡng dân tộc độc đáo đó là tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của mỗi dòng họ và thờ cúng Tổ tiên chung của cả dân tộc: Tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng - những người đã có công tạo dựng cơ đồ Việt Nam ngày nay.

Các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là cơ sở vật chất chủ yếu để thể hiện hình thức sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống độc đáo và đặc sắc ấy.

Du khách thăm Lăng Hùng Vương. Ảnh: Phương Anh.

Lễ hội Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Nó được bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương dựng nước, là thời kỳ lịch sử có thật trong tiến trình dựng nước và giữ nước hàng mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Sự ra đời và tồn tại lâu dài của Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng cùng với tín ngưỡng giỗ Tổ Hùng Vương là sự khẳng định niềm tin vào truyền thống dựng nước và giữ nước đối với các thế hệ cha ông đi trước đã đổ biết bao công sức và xương máu để dựng nước và giữ nước. Chính từ ý nghĩa tâm linh thiêng liêng ấy mà lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Núi Hùng là ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, tạo nên vùng đất thiêng “Tam Sơn cấm địa”, “Núi Cấm”, “Núi thiêng”... Đó là nơi người dân nơi đây đã thờ tự theo tín ngưỡng nguyên thủy trong buổi bình minh của lịch sử với tục thờ Thần Núi. Ba ngọn Tổ Sơn ở khu vực Đền Hùng đã được thần thánh hóa thành các vị Thần Núi, sau này còn có tên là “Đột ngột cao sơn” (Núi Nghĩa Lĩnh), “Ất Sơn...” (Núi Vặn) và “Viễn Sơn....” (Núi Nỏn). Tuy là tên gọi của các đời sau, nhưng đó là phản xạ của những tên gọi thuộc tín ngưỡng cổ truyền mang tính chất nguyên thủy của thời sơ sử. Thần Núi và tục thờ Thần Núi là lớp văn hóa tín ngưỡng ban đầu trên Núi Hùng (còn gọi là Núi Cả). Đó là một loại hành trình văn hóa tín ngưỡng đầu tiên thờ Thần tự Nhiên trong buổi đầu hình thành các tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trước khi thờ tự các Vua Hùng là những người có công dựng nước, trên núi Nghĩa Lĩnh có đền thờ Trời theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước để cầu cho “mưa thuận gió hòa”, cho cây cối mùa màng quanh năm xanh tốt bội thu. Vì vậy, ngôi đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh có tên “Kính Thiên lĩnh điện” (Điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Truyền thuyết kể rằng: Đây là nơi các Vua Hùng vẫn lên để tiến hành các nghi lễ cúng tế trời đất, thờ Lúa Thần để cầu cho “Mưa thuận, gió hòa”, an dân hạnh phúc. Núi Nghĩa Lĩnh (hay còn gọi là Núi Cả), ngọn chủ sơn trong hệ thống “Tam Sơn cấm địa”, trước khi thành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là nơi đã hội tụ những hình thức tín ngưỡng thờ Thần tự nhiên của các cư dân Lạc Việt trong vùng. Nhờ có điều này đã tạo thuận lợi cho những tư duy tín ngưỡng về sau có cơ sở để phát triển thành tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là những người có công tạo dựng đất nước. Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng ấy, luôn luôn có sự đan xen và tồn tại tín ngưỡng nguyên thủy và tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng cho đến tận thế kỷ thứ XIX tại khu vực Đền Thượng, trước khi tiến hành trùng tu di tích năm 1917 vẫn còn dấu tích thờ một hạt lúa Thần có kích thước rất lớn (to bằng chiếc thuyền ba cẳng mà người dân Phú Thọ thường dùng trong mùa nước lụt), có hình giống như một hạt thóc khổng lồ. Truyền thuyết kể rằng: Hằng năm các Vua Hùng vẫn lên Đền Thượng để gọi vía lúa. Hiện nay những người dân dưới chân Núi Hùng vẫn còn nhớ bài đồng dao gọi vía lúa:

Hú ông lúa, bà lúa

Cỏ lên, cỏ úa

Lúa lên, lúa xanh

Tốt hơn xung quanh

Tốt hơn láng giềng

Cao lên bằng cổ

Trổ lên bằng đầu

Bông như đuôi trâu

Bông như đuôi nghé

Bông nào be bé

Cũng bằng đuôi voi

Bông nào loi thoi

Cũng bằng đuôi ngựa

Hạt nào rụng tựa

Cũng bằng bình vôi

Ba con gà lôi

Cũng không lôi nổi.

Ở các làng Cổ tích, làng Trẹo (Hy Cương), làng Vi (Chu Hóa), trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn tục chạy “Tùng Rí: Đâm vật giống và cướp lúa giống, cầu mong sự sinh sôi”. Ngày 25/5 âm lịch hàng năm, làng Hy Cương có lễ Hạ điền. Làng Thanh Đình có tục rước “Ông Khiu, bà Khiu” tiến hành các nghi lễ phồn thực như lấy bánh chưng tày đâm vào oa (tượng trưng cho hình thức giao phối) rồi cướp lúa giống, cầu mong sự sinh sôi. Trong lễ hội Rước Chúa gái ở hai làng Hy Cương – Chu Hóa, trước kia có tục lấy chày đâm vào nong, thể hiện tính giao nam nữ. Phía sau Núi Hùng, trên sườn núi Trọc bé còn có tục thờ đá Ông, đá Bà (dân địa phương còn gọi là hòn đá cối xay) tượng trưng chày – cối những biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực được coi là vật thiêng của lễ thức cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

Cư dân Việt Cổ vào thời đại Hùng Vương tại khu vực quanh núi Nghĩa Lĩnh đã sớm thực hiện những nghi thức của tín ngưỡng phồn thực và tổ chức lễ hội theo tín ngưỡng phồn thực. Đây chính là những tiền đề điều kiện để ký ức hồi cố và tái hiện các sự kiện lịch sử truyền thống ở các giai đoạn về sau, căn cứ vào những di sản ấy mà tạo nên tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - thờ cúng các Vua Hùng để xây dựng nên khu di tích tưởng niệm có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc; cùng với nó là lễ hội Đền Hùng được kế thừa và phát triển từ những lễ hội dân gian mang tính chất nguyên thủy để nâng tầm thành một Lễ hội lớn với nhiều ý nghĩa sâu sắc của đạo lý và bản sắc truyền thống đặc biệt Việt Nam.

Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng đã hình thành từ rất sớm và sự tồn tại của nó luôn gắn chặt với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các Vua Hùng cùng các vợ, con, các tướng lĩnh của thời kỳ Hùng Vương luôn được nhân dân ở các làng xã trên phạm vi cả nước tôn thờ. Từ giữa thế kỷ XV, đến cuối thế kỷ XVII, cả nước có 73 làng xã, trong đó có 12 làng có sắc phong, 61 làng chưa có sắc phong (Theo Nam Việt thần kỳ hội lục - bản chính bộ Lễ triều Lê Cảnh Hưng thứ 24 - 1763).

Khi dân cư ở các làng Vi, Trẹo vốn là cùng một cư dân gốc ở Làng Cả đã cùng nhau làm lễ mở cửa đền vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để làm lễ hội. Thời gian của lễ hội kéo dài trong ba ngày, diễn trường của lễ hội được diễn ra trên Núi Hùng và các vùng xung quanh chân núi. Nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng trong thời kỳ này mang tính chất địa phương với quy mô do các làng Vi, Trẹo tổ chức tiến hành nghi lễ cầu tế, tuyên đọc sắc phong và tóm tắt Thần tích, thần linh. Sau đó tổ chức các trò rước voi, ngựa, chạy địch, chạy tùng rí, lấy tiếng hú. Vui hơn cả là tục rước Chúa gái và diễn trò bách nghệ khôi hài. Chỉ có Chúa gái được ngồi trên kiệu rước, còn Chúa trai phải đi bộ chứ không được rước. Tục rước Chúa gái chính là mô phỏng truyền thuyết Ngọc Hoa chào tạm biệt vua cha để về nhà chồng. Chạy dịch là phản ánh truyền thuyết Vua Hùng đi săn; lấy tiếng hú là thể hiện tiếng hiệu trừ tịch, trừ tà. Hàng năm, nhà nước cấp cho dân trưởng tạo lệ là thôn Cổ Tích xã Hy Cương 3 quan tiền và 3 đấu gạo nếp của triều đình để làm lễ. Năm 1600, Vua Lê Hiển Tông cho tổ chức quốc lễ tại Đền Hùng, nhà vua về làm lễ Tổ. Vua Lê Hiển Tông về thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng và có thơ đề vịnh tại Đền Hùng:

“Quốc tịch Văn Lang cổ

Vương thư việt sử tiền

Hiển thừa thập bát đái

Hình thắng nhất tam xuyên

Cựu trưng cao phong bán

Sùng từ tuấn lĩnh biên

Phương dân ngưng trắc dáng

Hương hóa đáo kim tuyền”

Dịch nghĩa:

“Mở nước Văn Lang cổ

Dòng vua đầu Việt sử

Mười tám đời nối nhau

Ba sông đẹp như vẽ

Mộ cũ ở lưng đồi

Đền thờ bên sườn núi

Muôn dân đến phụng thờ

Khói hương còn mãi mãi”

Chúa Trịnh Tùng đã có lần về viếng Tổ và đề tặng đôi câu đối:

Vấn lại dĩ sự tu vi sử

Tế nhận thư đồ dục mệnh thi.

Dịch nghĩa:

Ngẫm lại chuyện xưa nên chép sử

Nhìn phong cảnh đẹp muốn đề thơ.

Nhà nước và nhân dân ta từ đời Lê đến đời Nguyễn luôn luôn quan tâm đến việc tu sửa, tôn tạo Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng và tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài việc miễn thuế cho dân Hy Cương để dùng tiền thuế vào việc đèn nhang, sắm lễ vật thờ cúng, nhà nước Phong kiến Việt Nam còn chú ý đến việc tổ chức giỗ Tổ và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Nhất là khi nhà Nguyễn lên trị vì đất nước (thế kỷ XVIII) năm Minh mạng thứ 4 (1823) đã cho xây Miếu Lịch Đai Đế Vương mở địa phận xã Phú Xuân về phía Nam kinh thành (nay là xóm Lịch Đợi, phường Phường Đúc, thành phố Huế). Miếu thờ các vị minh quân tiêu biểu và những danh tiếng của Việt Nam - Trung Hoa, trong đó có thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương. Các vua nhà Nguyễn theo thông lệ cứ 5 năm (vào những năm chẵn 5, chẵn 10), Nhà nước đứng ra tổ chức lễ hội giỗ Tổ, những năm lẻ do địa phương đăng cai tổ chức. Diễn trường trung tâm của lễ hội là núi Hùng và xung quanh dưới chân núi Hùng. Tới năm Khải Định thứ hai (1917), quan tuần phủ Lê Trung Ngọc trình bộ Lễ ấn định ngày Quốc lễ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (trước ngày huý của Vua Hùng một ngày), ngày 11 tháng 3 âm lịch để dân sở tại làm lễ. Thời gian tổ chức lễ hội thường bắt đầu từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Và cũng từ đó, vị thế của lễ hội Đền Hùng được nổi tiếng khắp nơi:

Sơn Tây vui nhất chùa Thầy

Vui thì vui thật chẳng tày Hội He

Đến năm 1920, sau khi tiến hành tu sửa lớn, tuần phủ Phú Thọ và các quan tri phủ, tri huyện, tri châu trong cả tỉnh Phú Thọ đều về làm lễ tế Vua Hùng và cho phép 5 làng xung quanh có thờ tự Vua Hùng Vương đều được phép tổ chức rước kiệu vào lễ hội Đền Hùng, đó là Hùng Lô, Cao Mại, Sơn Vi, Hữu Bổ, Xuân Lũng và tổ chức các trò diễn dân gian như hát trống quân, hát xoan, đánh cờ người, vật....

Tiết trời tháng ba mùa xuân thời tiết rất đẹp, trước hội bao giờ cũng có những trận mưa rào đầu hạ có ý nghĩa như là rửa sạch đền trước khi vào hội. Những trận mưa ấy có tác dụng làm cho cây rừng Đền Hùng đã xanh lại càng xanh hơn, không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu làm cho du khách đi dự lễ hội cảm thấy như mình được trở về với thuở hoang sơ thời mở nước.

Các thủ tục hành lễ được tuân theo quy định của lễ giáo phong kiến rất chặt chẽ. Phần lễ được được diễn ra trang nghiêm, trọng thể tại các đền và chùa Thiền Quang trên núi Nghĩa Lĩnh. Phần hội được tổ chức trong một không gian rộng khoảng vài km vuông với nhiều trò chơi dân gian phong phú và hấp dẫn tạo cho lễ hội có không khí tấp nập, náo nhiệt. Vào ngày giỗ Tổ, nhiều địa phương ở các vùng lân cận có thờ tự Vua Hùng, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng tổ chức rước kiệu về dự giỗ Tổ. Ban Tổ chức có chấm giải cho các lãng xã có kiệu tham gia: Kiệu nào đẹp, đoạt giải thì được rước lễ vật là bánh chưng, bánh dầy lên núi để dâng Vua Hùng trong buổi hành lễ vào sáng mùng 10 tháng 3. Còn các kiệu của các làng xã khác đoạt giải thấp hơn thì rước xung quanh lễ hội để mọi người chiêm ngưỡng và tạo không khí trang nghiêm cho lễ hội. Ngoài ra còn nhiều trò diễn, các trò chơi dân gian như đánh trống đồng, đâm đuống, đấu vật, chọi gà, kéo lửa thổi cơm thi, thi đánh cờ người... làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, phấn khởi. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hiện đại cũng được tổ chức để phục vụ đồng bào về dự lễ hội, tạo nên màu sắc của lễ hội càng thêm tươi vui, rực rỡ.

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất ở nước ta. Đến ngày giỗ Tổ và tổ chức lễ hội, con cháu trên mọi miền Tổ quốc nườm nượp kéo về với tấm lòng thành kính dâng lên Tổ tiên, tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng xuất phát từ đạo lý, từ truyền thống của dân tộc Việt Nam vốn giàu lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất, nhưng cũng rất thủy chung, có trước, có sau, nhân hậu, luôn luôn biết ơn những người đi trước. Lễ hội Đền Hùng đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam. Năm 1943, mặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cở Tổ quốc trên gác chuông trước cửa chùa Thiền Quang để tuyên truyền cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ Nhật - Pháp để cứu nước trước đông đảo quần chúng về dự lễ hội. Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong dịp lễ hội Đền Hùng năm 1946, quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền thay mặt Chính phủ về dự lễ hội Đền Hùng, khi Lễ Tổ dâng một thanh gươm và một tấm  bản đồ Việt Nam cẩn cáo với các Vua Hùng (Tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc công bố). Năm 1954, đoàn quân đi Nam tiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng để giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đã về tuyên thệ tại Đền Hùng. Ngày 19/9/1954 trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và căn dặn các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng với câu nói bất hủ:

“... Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...”

Thời đại chúng ta hôm nay, đang kế tục truyền thống của các Vua Hùng và các thế hệ cha ông anh đi trước truyền lại. Hàng năm, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức theo các nghi lễ truyền thống của dân tộc. Vào những năm chẵn, Nhà nước đứng ra tổ chức, những năm lẻ do tỉnh tổ chức. Việc tổ chức giỗ Tổ tại Đền Hùng rất quy củ, chặt chẽ. Hàng năm vào dịp lễ hội đều thành lập Ban Tổ chức để điều hành các hoạt động lễ hội. Vào những năm lẻ, UBND tỉnh tổ chức công việc giỗ Tổ. Những năm chẵn do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai công tác tổ chức giỗ Tổ.

Từ sau tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3 mùa xuân, đồng bào trên mọi miền Tổ quốc về thăm viếng Đền Hùng rất đông. Đặc biệt từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, hàng chục vạn lượt người về dự lễ hội. Trong những ngày này, đường sá, đồi núi tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nườm nượp những người trẩy hội.

Nội dung của lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương chủ yếu gồm hai phần: Phần Lễ và phần Hội. Phần lễ được tiến hành với nghi thức trang nghiêm tại Đền Thượng; phần Hội được diễn ra xung quanh dưới chân núi Hùng.

Trong phần lễ: Nghi thức dâng hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh thành được tổ chức long trọng trên Đền Thượng. Từ chiều mùng 9, làng nào được Ban tổ chức cho phép rước kiệu dâng lễ bánh dầy, bánh chưng đã tập trung đông đủ dưới cổng Công Quán. Sáng sớm hôm sau, các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau cỗ kiệu rước lễ vật lần lượt đi lên đền trong tiếng nhạc lễ của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước cửa Đền Thượng (Kính Thiên lĩnh điện), đoàn đại biểu dừng lại, kính cẩn dâng lễ vào Thượng cung của Đền Thượng. Đồng chí lãnh đạo tỉnh thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước (năm chẵn là đồng chí nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu của Bộ Văn hóa) kính cẩn đọc diễn văn Lễ Tổ. Toàn bộ nội dung hành lễ được các hệ thống phát thanh, truyền hình đưa tin để đồng bào cả nước theo dõi lễ hội. Trong thời gian tiến hành nghi lễ, toàn bộ diễn trường hội ngừng các hoạt động để theo dõi nghi thức giỗ Tổ cũng là để tăng thêm tính nghiêm trang của lễ hội.

Phần hội: Diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh khu vực Núi Hùng. Hội Đền Hùng ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú hấp dẫn hơn hội Đền Hùng xưa. Trong khu vực của hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, các quán bán hàng dịch vụ ăn uống, các khu hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... được tổ chức và duy trì trật tự, quy củ.

Tại khu Văn - Thể, các trò chơi dân gian được Ban Tổ chức chọn lọc đưa vào phục vụ lễ hội như đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu, thi giã bánh dày, gói bánh chưng, thi kéo lửa thổi cơm, trò diễn “bách nghệ khôi hài” và Trò Trám của làng Tứ Xã, rước lúa Thần.... Cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như Chèo, kịch nói, hát quan họ, hát xoan, chiếu bóng, có cả hội diễn văn nghệ quần chúng để tuyển chọn nhân tài. Trên khu Công quán thì âm vang tiếng trống đồng và tiếng giã đuống rộn ràng của các nghệ nhân dân gian người dân tộc Mường ở Thanh Sơn ra phục vụ lễ hội.

Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong diễn trường hội, mọi người về dự hội còn được tham quan Bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật phản ánh thời kỳ Hùng Vương dựng nước để tìm hiểu lịch sử truyền thống dựng nước trên quê hương Đất Tổ.

Thời đại của chúng ta hôm nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sức sống trường tồn của giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng. Ý nghĩa tâm linh của cuộc hành hương trẩy hội Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nét văn hóa truyền thống không thể thiếu được của mỗi con người Việt Nam. Tất cả mọi người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc đều bình đẳng trước Mộ Tổ, đều có quyền tự hào mỗi khi về dự giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng.

PhuthoPortal 

(Nguồn Sách Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ)