Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1 - 10 Quan tâm chăm sóc và phát huy tiềm năng những người cao tuổi
Nhân dân ta đánh giá cao những cống hiến lớn lao của thế hệ đi trước cho non sông, đất nước. Theo suốt chiều dài lịch sử lâu đời của dân tộc, trong công cuộc dựng nước, giữ nước, lớp lớp người cao tuổi Việt Nam đã nêu cao tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, sử sách hãy còn ghi, lưu truyền mãi đến ngày nay. Tiêu biểu là các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa bảng, các nghệ nhân, nghệ sĩ tài ba… Các vị này rất ham học, ham làm, say mê lao động sáng tạo ở tuổi thanh xuân, đến khi cao tuổi vẫn tích cực đem trí tuệ, tài năng tích lũy được ra cống hiến cho đời. Nét đặc biệt ở các cụ là “Trường thọ đi đôi với phát huy và phát triển tài năng“, tức càng già càng cống hiến được nhiều cho xã hội như ở Tô Hiến Thành, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Vũ Hữu, Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Ngay từ thời xa xưa biên niên sử cổ, trung, đại Việt Nam đã ghi lại được nhiều chính sách cụ thể của Nhà nước ưu đãi người cao tuổi và hàng trăm quy định, quy ước khác nhau về “trọng lão”, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong nền kinh tế đất nước hiện nay đã có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến người cao tuổi, đó là Hiến pháp 1992 tại điều 67, chương 5 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã đề cập đến sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với người già không nơi nương tựa.
Nhớ lại, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 6/1941, Bác Hồ đã gửi thư cho các vị phụ lão trong cả nước. Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”. Đường lối của Ðảng, tư tưởng của Bác đã khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi, quyết tâm giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới trong các thế hệ người cao tuổi. Phụ lão khắp nơi hăng hái tham gia Hội Phụ lão cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, giữ bí mật cơ sở hoạt động của Ðảng, tuyên truyền không đi lính cho Pháp, không làm tay sai cho Nhật, tích cực luyện tập, bí mật chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lớp lớp người cao tuổi đã sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân đi biểu tình, đấu tranh lật đổ chế độ thực dân đế quốc và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi nêu lên những dẫn chứng trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những hành động nghĩa cử cứu nước từ trước đến nay đều do các vị phụ lão đương thời gây dựng nên, vun đắp nên, nhuần tưới nên. Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.
Có thể khẳng định, Bác Hồ đã luôn luôn đánh giá cao vai trò của các cụ phụ lão và Người luôn luôn phát huy tiềm năng của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bác thường nói:
Tuổi già nhưng chí không già
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người cao tuổi đã tham gia du kích, rào làng kháng chiến, vận động con cháu thực hiện khẩu hiệu "Vườn không nhà trống", "Cướp súng giặc để giết giặc", tự mình đốt nhà thực hiện tiêu thổ kháng chiến, góp phần làm thất bại các trận càn của giặc, đi dân công phục vụ các chiến dịch, hăng hái tăng gia sản xuất, động viên con cháu nhập ngũ. Các "Hội mẹ chiến sĩ" vận động bà con tiết kiệm, xây dựng "Hũ gạo nuôi quân", đón nhận thương bệnh binh về nuôi, hết lòng chăm sóc anh em từ các mặt trận về hậu phương.
Đồng thời, người cao tuổi ở miền Bắc đã tích cực tham gia xây dựng hậu phương lớn, phát triển sản xuất, đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ - ngụy, chi viện đắc lực cho miền Nam anh hùng, tích cực tham gia xây dựng những "Cánh đồng 5 tấn", giành danh hiệu "Phụ lão 3 giỏi". Nhiều người xung phong vào các đội "Bạch đầu quân", tham gia phong trào thi đua "Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", ra sức sản xuất, động viên con cháu lên đường vào Nam với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", dỡ nhà lấy gỗ làm vật liệu lát đường cho xe chở quân và lương thực ra chiến trường... góp sức vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: Chưa bao giờ lực lượng người cao tuổi nước ta lại đông đảo như hiện nay. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào về lớp người cao tuổi nước ta. Với uy tín cao, sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống, cùng vốn trí thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ phong phú, đa dạng của mình, người cao tuổi Việt Nam thật sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc. Chúng ta trân trọng bồi dưỡng và phát huy nguồn nội lực ấy .
Việc chăm sóc, phát huy nguồn lực người cao tuổi trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội, của mỗi người, mỗi gia đình, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là nét đẹp văn hóa và hạnh phúc của dân tộc, của mỗi người, khi ông, bà, cha mẹ chúng ta được trường thọ và càng xứng đáng với sự tôn vinh và trách nhiệm cao cả mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao tặng Hội Người Cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nguyễn Thanh Hoàng
Tin cùng chuyên mục
- Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Saudi Arabia 29.10.2024 | 16:43 PM
- Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường 22.10.2024 | 09:54 AM
- Tiểu sử Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm 03.08.2024 | 11:22 AM
- Tuyên bố chung giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện 21.06.2024 | 08:50 AM
- Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)Rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh 19.05.2024 | 17:39 PM
- Những bức thư, điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 06.05.2024 | 15:44 PM
- Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp 21.11.2023 | 15:11 PM
- Ngày Thị giác Thế giới: Bảo vệ đôi mắt tại nơi làm việc 12.10.2023 | 17:22 PM
- Hiểu đúng về an toàn thực phẩm 07.06.2023 | 18:22 PM
- Quan hệ hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Đông Uruguay 27.04.2023 | 09:36 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh