Thứ 7, 23/11/2024, 10:47[GMT+7]

Việt Nam chủ động và tích cực đóng góp vào hoạt động của APEC

Thứ 3, 08/11/2011 | 08:31:04
2,952 lượt xem
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 13-11 tới tại bang Ha-oai, Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị. Từ khi gia nhập năm 1998, Việt Nam đã và đang có những đóng góp đáng kể và đã đăng cai tổ chức thành công một Hội nghị cấp cao APEC.

Diễn đàn khu vực này nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kết nối hai bờ Thái Bình Dương thông qua tự do hóa thương mại, kinh tế, đầu tư.

 

Hợp tác APEC năm 2011 - Những bước tiến tiếp theo trong tiến trình liên kết kinh tế khu vực

 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực phục hồi chậm lại với nhiều khó khăn, thách thức, Vòng đàm phán Đô-ha vẫn bế tắc, với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APEC đã nhất trí đưa ra định hướng hợp tác trong năm 2011 là "Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại" nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, APEC tập trung vào ba trọng tâm là: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại; Thúc đẩy tăng trưởng xanh; Nâng cao hợp tác và đồng bộ về chính sách.

 

Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19, từ đầu năm đã diễn ra nhiều Hội nghị cấp Bộ trưởng, trong đó có những Hội nghị lần đầu được tổ chức, như: Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ, Hội nghị Bộ trưởng Giao thông và Năng lượng, Hội nghị Bộ trưởng về Rừng, Hội nghị và Đối thoại cấp cao APEC về Phụ nữ và Phát triển Kinh tế.

 

Thông qua các Hội nghị này, cùng với nhiều hoạt động khác ở các cấp, các lĩnh vực, APEC đã triển khai nhiều chương trình hợp tác quan trọng và thiết thực. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao 19 thông qua như: hợp tác nhằm hạn chế những rào cản đối với thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp nữ, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư, sáng kiến miễn thuế hải quan trong APEC cho các chuyến hàng có giá trị thấp dưới 100 USD, sáng kiến về tạo thuận lợi cho di chuyển thể nhân, các cam kết mới về giảm cường độ sử dụng năng lượng trong khu vực, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong giao thông vận tải và phát triển hệ thống giao thông sử dụng năng lượng thay thế, ít các-bon.

 

Ngoài ra, APEC tiếp tục dành ưu tiên và nguồn lực để giúp các thành viên nâng cao năng lực trong quá trình đổi mới và cải cách, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, an ninh lương thực và chống chủ nghĩa khủng bố.

 

Ngay trước Hội nghị cấp cao sắp tới cũng sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 23, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 18, Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC và Hội nghị Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Các Hội nghị này sẽ tiếp tục khẳng định quyết tâm và những cam kết cụ thể để thúc đẩy hơn nữa liên kết kinh tế và mở rộng thương mại trong khu vực. Đồng thời, các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ đối thoại và trao đổi ý kiến với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tiến tới hiện thực hóa mục tiêu tạo ra một khu vực thuận lợi và an toàn cho thương mại, đầu tư.

 

Có thể nói, năm 2011 tiếp tục đánh dấu những bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của APEC, qua đó góp phần khẳng định vai trò và vị thế của APEC tại khu vực và trong nền kinh tế toàn cầu. Hội nghị cấp cao sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo APEC trao đổi phương thức hợp tác trong tương lai, đề ra những biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của khu vực, giúp các nền kinh tế tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt đối với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

Việt Namon> - thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong APEC

 

Đối với Việt Namon>, Diễn đàn APEC có ý nghĩa hết sức quan trọng. APEC là khu vực dành viện trợ phát triển lớn nhất, chiếm tới 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu, và 75% tổng số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Hầu hết các đối tác chiến lược quan trọng và các đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của nước ta là các nền kinh tế thành viên của APEC. Với những yếu tố trên, APEC ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta.

 

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn APEC năm 1998, Việt Namon> đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho Diễn đàn. Chúng ta đã thật sự tạo ấn tượng mạnh mẽ và hoàn thành tốt đẹp vai trò chủ nhà của APEC trong năm 2006, nổi bật nhất là thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, một trong những Hội nghị được đánh giá có ý nghĩa bản lề, đưa ra những định hướng hợp tác dài hạn cho APEC. Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác của APEC như Báo cáo về Chương trình Hành động Quốc gia hằng năm, thực hiện Chương trình Hành động tập thể, các kế hoạch hợp tác về thuận lợi hóa thương mại, đầu tư... nước ta cũng đảm nhận vị trí Chủ tịch và điều hành nhiều Nhóm công tác quan trọng như Nhóm Công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010, Nhóm công tác về Đối phó với tình trạng khẩn cấp, Nhóm công tác về thương mại điện tử... Việt Nam đã triển khai thành công hơn 60 sáng kiến, đồng bảo trợ hàng trăm sáng kiến trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật, y tế, đối phó với thiên tai, chống khủng bố...

 

Trong năm 2011, nhằm hướng tới Hội nghị Cấp cao, chúng ta đã tổ chức thành công hai hội thảo APEC về "Đối phó với lũ lụt bất thường - Tầm nhìn mới cho các thành viên APEC" ngày 28 và 29-7 tại Đà Nẵng, và về "Tự chứng nhận xuất xứ" ngày 28 và 29-7 tại Hà Nội.

 

Triển khai mạnh mẽ chủ trương mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ với các đối tác và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong APEC, qua đó phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của nước ta tại Diễn đàn cũng như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2011, mang theo một thông điệp rõ ràng với thế giới. Đó là 25 năm đổi mới đã đưa Việt Nam tiến những bước dài vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác vì phát triển và liên kết kinh tế của ASEAN, của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế hội nhập sâu, rộng và là đối tác đáng tin cậy ở khu vực và trên thế giới, cam kết mạnh mẽ mở cửa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của sản xuất và dịch vụ toàn cầu. Việt Nam đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và các khuôn khổ pháp lý bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường; tạo ra môi trường bình đẳng minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

 

Tại APEC lần này, chúng ta sẽ tích cực cùng với nước chủ nhà Hoa Kỳ và các thành viên tham gia đóng góp vào thành công chung của Hội nghị, đem lại những kết quả quan trọng và thiết thực không những cho khu vực mà cho cả chính sự phát triển của Việt Nam. Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi ý kiến với lãnh đạo các thành viên trong APEC nhằm tìm ra những biện pháp góp phần thúc đẩy hơn nữa liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, cũng như quan hệ giữa ta với các đối tác trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch nước cũng sẽ gặp gỡ giới doanh nghiệp Hoa Kỳ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài tại Việt Namon>.

 

Hội nghị cấp cao APEC là dịp để Việt Nam đóng góp những sáng kiến vì lợi ích chung của khu vực, đồng thời tìm ra khả năng hợp tác với các nền kinh tế khác trong APEC, nhằm đáp ứng những mục tiêu phát triển của ta, trong đó trước mắt ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước và những mục tiêu dài hạn trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Việt Namon> tiếp tục tham gia tích cực và triển khai nghiêm túc những cam kết hợp tác của APEC. Điều này sẽ góp phần không nhỏ giúp chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, để tận dụng những thuận lợi, trong quá trình tham gia APEC, chúng ta cũng phải tập trung xử lý tốt một số thách thức do biến động phức tạp của kinh tế thế giới và cục diện quốc tế, sự khác biệt về trình độ phát triển, ưu tiên giữa các thành viên, sự đan xen của các cam kết và các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực.

 

Với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC sắp tới, vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân.

Đoàn Xuân Hưng

Thứ trưởng Ngoại giao

  • Từ khóa