Chủ nhật, 10/11/2024, 05:49[GMT+7]

Châu Á kỷ niệm kết thúc Thế chiến II

Thứ 2, 16/08/2010 | 15:40:44
2,156 lượt xem
Châu Á vừa kỷ niệm 65 năm ngày Nhật Bản đầu hàng đồng minh, kết thúc Thế chiến II khi Thủ tướng Nhật Bản xin lỗi về những tổn thất mà nước này từng gây ra, còn Tổng thống Hàn Quốc nói lời xin lỗi của Tokyo là một bước đi đúng hướng.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại buổi lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II hôm qua.

Từ Nam Kinh - nơi lính Nhật thực hiện vụ thảm sát năm 1937 - tới đền Yasukuni ở Tokyo vốn là nơi tưởng niệm những người Nhật chết trong Thế chiến II, mọi người cầu nguyện cho hàng triệu người đã chết trong chiến tranh và bày tỏ khát vọng hoà bình.

Tại thủ đô Tokyo, trong một buổi lễ kỷ niệm kết thúc thế chiến II, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã nhắc lại lời xin lỗi của ông với Hàn Quốc về thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và gửi lời xin lỗi tới khu vực châu Á.

“Chúng tôi đã gây ra tổn thất và nỗi đau to lớn cho nhiều quốc gia trong thế chiến, đặc biệt là người dân châu Á”, ông Kan nói trước đám đông khoảng 6.000 người, trong đó có Nhật hoàng Akihito, trong buổi lễ diễn ra tại Budokan.

“Chúng tôi cảm thấy rất có lỗi và chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành tới các cá nhân và gia đình phải chịu khổ đau”, Thủ tướng Nhật Bản nói thêm.

Thủ tướng Kan và toàn bộ nội các đã phá tiền lệ khi không đến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi. Trong khi đó, các thành viên của phe đối lập vẫn đến thăm, trong đó có lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Sadakazu Tanigaki và cựu Thủ tướng Shinzo Abe.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày bán đảo Triều Tiên giành lại độc lập từ tay Nhật Bản.

Tờ Mainichi của Nhật Bản bày tỏ hi vọng về một thế giới không vũ khí hạt nhân, nêu bật cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với việc giải trừ hạt nhân. “Chúng ta không bao giờ được để thảm hoạ chiến tranh tái diễn và phải tiếp tục xây dựng hoà bình. Lễ kỷ niệm này là dịp để chúng ta phải suy ngẫm”, Mainichi viết.

Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, trong bộ trang phục truyền thống, ngày 15/8 đã chủ trì một nghi lễ nhằm kỷ niệm 65 năm ngày bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản (1910-1945).

Tổng thống Lee nói rằng lịch sử không bị lãng quên nhưng lời xin lỗi của Thủ tướng Nhật Bản đã đánh dấu sự tiến triển.
 
Tại Trung Quốc, khoảng 300 người đã có mặt tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô để tưởng nhớ các nạn nhân của “vụ thảm sát Nam Kinh” năm 1937. Các sử gia ước tính khoảng 300.000 người đã bị giết trong vụ thảm sát này, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Hàng nghìn đôi giày được đặt tại khu tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937.

Tại Australia, một nhóm gồm hơn 300 người, trong đó có các cựu binh Thế chiến II, các đại diện từ New Zealand, Mỹ và các quốc gia châu Á, đã có mặt tại trung tâm Sydney để kỷ niệm kết thúc Thế chiến II.

Họ đã đặt vòng hoa dưới chân đài tưởng niệm chiến tranh Cenotaph để đánh dấu sự kiện phát xít Nhật đầu hàng đồng minh và dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân. Hơn 27.000 người Australia đã bị sát hại hoặc chết vì bị bắt giam làm tù nhân chiến tranh trong Thế chiến II.

Lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì nó diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực hiện thực hoá một thế giới không có vũ khí hạt nhân - một quyết tâm được Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ.
 
Theo Dân trí
  • Từ khóa