Chủ nhật, 10/11/2024, 05:55[GMT+7]

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Trang sử vàng chói lọi Kỳ 4: Thái Bình “chia lửa” cùng Điện Biên

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:40:44
7,681 lượt xem
Ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong niềm vui chung ấy, nhân dân Thái Bình rất tự hào khi đã kề vai sát cánh, đóng góp sức người, sức của “chia lửa” cùng Điện Biên đánh Pháp.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Phụ (người ngoài cùng bên phải) luôn giữ gìn cẩn thận những kỷ vật thời chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Những ngày ở “chảo lửa” Điện Biên

Đã 70 năm qua đi sau ngày đại thắng 7/5/1954, với cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Phụ, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) vẫn luôn giữ gìn cẩn thận chiếc áo trấn thủ và chiếc ăng gô - kỷ vật cùng ông trải qua mưa bom bão đạn tại chiến trường Điện Biên. 

CCB Nguyễn Duy Phụ chia sẻ: Tháng 11/1953, sau thời gian huấn luyện ở Thanh Hóa, tôi nhận lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ, mất gần 3 tháng mới hành quân tới nơi. Vì là vùng địch đóng quân nên khi hành quân lên đến Điện Biên Phủ, chúng tôi gần như giấu kín bí mật về lai lịch, tôi được biên chế vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 và là chiến sĩ sử dụng pháo. Pháo thì tôi được học và dùng các loại pháo 75mm của Nhật, rồi chuyển sang dùng pháo 75mm của Mỹ, pháo của Đức, rồi pháo 85mm. Đơn vị của tôi chủ yếu phối hợp với các đơn vị bạn, hỗ trợ về pháo binh nếu có yêu cầu. Mỗi khẩu pháo có 32 chiến sĩ hỗ trợ, sau khi tháo rời chúng tôi sẽ tập kết đến khu vực được yêu cầu, tham gia đào hào, hầm cho pháo, lắp đặt pháo xong thì các chiến sĩ vào đúng vị trí của mình. Tiểu đội của tôi khi đó lại rút ra phía sau để bảo toàn lực lượng, khi nào có lệnh thì sẽ tham gia đánh và di chuyển pháo sang khu vực khác theo lệnh của trên. Kéo pháo lên đã vất vả nhưng anh em chiến sĩ đơn vị tôi cũng vất vả không kém bởi mỗi khi có yêu cầu chi viện pháo binh thì chúng tôi phải băng rừng, lội suối, vác hàng trăm ki-lô-gam vũ khí, đạn dược trên người đi bộ xuyên rừng để tiếp viện kịp thời cho các đơn vị của ta.

CCB Phạm Văn Cư, xã Chí Hòa (Hưng Hà) nhớ lại những ngày lên Điện Biên đánh Pháp: Khi chúng tôi ở đồi D tiến công xuống lòng chảo Điện Biên thì rất vất vả, đường sá lầy lội, anh em chiến sĩ phải cõng nhau, rồi khiêng cáng đưa người bị thương ra bệnh viện. Anh em trong đơn vị thường động viên nhau rằng Tổ quốc ta, đất nước ta bị quân Pháp xâm lược, nếu như ta không vùng lên chiến đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình vì Tổ quốc thì chúng ta cũng sẽ bị chúng giết chết. Chính vì thế, anh em chiến sĩ ai cũng quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi Việt Nam.

CCB Nguyễn Duy Phụ và Phạm Văn Cư là hai trong số hàng nghìn người con Thái Bình đã tình nguyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ ngày 1/5 - 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6/5, tại đồi A1, trận chiến giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, bộ đội ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Sau khi khối bộc phá gần 1 tấn phát nổ, khiến cho đất trời Tây Bắc rung chuyển, chỉ huy và những tên địch còn sống sót của quân đội Pháp đã ra hàng. Đến chiều ngày 7/5/1954, quân ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tại các cứ điểm ở Điện Biên Phủ quân địch kéo cờ trắng ra hàng.

Người Thái Bình luôn chung sức xây dựng Điện Biên phát triển.

Chung tay xây dựng Điện Biên phát triển

Trong cuộc chiến tại Điện Biên Phủ, nhân dân Thái Bình đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của địch, huy động sức người, sức của cho mặt trận, sẵn sàng hy sinh, tham gia chiến đấu tiêu diệt quân thù. Từ tháng 2 - 5/1954, tỉnh Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người; hàng nghìn dân công; huy động hàng trăm phương tiện, hàng nghìn ngày công để gánh gạo, vũ khí, thuốc men phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thái Bình đã đóng góp cho nhà nước 63.000 tấn gạo, hàng nghìn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xung phong lên đường, trực tiếp tham gia chiến dịch và có hơn 2.500 người đã phải để lại một phần xương máu ở chiến trường, 268 người đã hy sinh. Nhiều người con Thái Bình đã làm rạng danh quê hương Thái Bình như: Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến dịch Điện Biên Phủ; Anh hùng Tạ Quốc Luật bắt sống tướng De Castries; Thượng tướng Đào Đình Luyện, Tham mưu trưởng Sư đoàn 312. Nhiều gia đình có từ 2 - 3, thậm chí là 5 anh em cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: CCB Phạm Ngọc Thát (thị trấn Tiền Hải), CCB Nguyễn Quang Mộc (Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ), CCB Nguyễn Viết Lương (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ)... 

Bà Nguyễn Thị Thơi, quê xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi theo bố mẹ lên kiến thiết và xây dựng Điện Biên từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Khi đó, tôi ấn tượng nhất là những gì còn sót lại sau chiến dịch Điện Biên Phủ còn hiện hữu ngoài đường sá, xe tăng, xe tải, dây thép gai vẫn còn rất nhiều. Mỗi dịp đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đều cùng con cháu đến thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 để tri ân công ơn của các anh hùng liệt sĩ. 

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, từ năm 1964, nhiều đợt di dân được tổ chức và hàng nghìn con em Thái Bình đã rời quê, sát cánh cùng nhân dân các dân tộc Điện Biên xây dựng và bảo vệ một Điện Biên giàu đẹp. Điện Biên và Thái Bình tuy xa nhưng tình anh em luôn gắn bó sâu nặng. Những thành quả Điện Biên đạt được hôm nay có đóng góp không nhỏ của nhân dân Thái Bình và đó cũng là việc làm thiết thực để tri ân, ghi nhớ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ của cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng trên mảnh đất này.

Đông đảo người dân trên cả nước đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên.


Tiến Đạt