Thứ 7, 16/11/2024, 20:00[GMT+7]

Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc tại Ninh Bình

Thứ 7, 02/07/2022 | 19:10:40
493 lượt xem
Ngày 2/7, Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Ninh Bình.

Quang cảnh làm việc của Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Ninh Bình

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về: Công tác triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kết luận hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XIII) về phát triển kinh tế-xã hội; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác quốc phòng-an ninh, đối ngoại; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Ninh Bình; công tác triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021, của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc của Tỉnh ủy Ninh Bình, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường chính trị tỉnh, hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025.

Đồng chí khẳng định, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên; song việc phát triển đạt chuẩn trường chính trị Ninh Bình giai đoạn 1, cần phải đặt nền tảng vững chắc cho giai đoạn sau.

Đồng chí cho rằng, những kết quả Ninh Bình đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội phản ánh rõ ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Tuy nhiên, Ninh Bình cần chú ý xây dựng nền tảng phát triển mới để đưa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào cuộc sống. Ninh Bình đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, song một số chỉ tiêu còn thấp, cần tránh để mất niềm tin.

Về phát triển công nghiệp cần gắn với bảo vệ môi trường. Trong trạng thái bình thường, tỉnh cần đánh giá sát một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặt trong tổng thể điều kiện bình thường với bất thường. Ninh Bình có Cố đô Hoa Lư, có tiềm năng du lịch được coi là “Hạ Long trên cạn”, tỉnh cần phải suy nghĩ phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; sản phẩm du lịch phải gắn với nông nghiệp, dịch vụ. Muốn làm được điều đó, phải có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược. Về xây dựng hệ thống chính trị, Ninh Bình cần chú ý sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở; tỉnh cần lựa chọn các hình thức đào tạo cán bộ sao cho phù hợp để phục vụ địa phương.

Trên nền tảng thế mạnh về tiềm năng, bản sắc văn hóa, đồng chí tin tưởng Ninh Bình sẽ có bước phát triển mới trên các lĩnh vực trong thời gian tới.

Theo nhandan.vn