Chủ nhật, 17/11/2024, 01:30[GMT+7]

Nghệ An: Xây dựng chi bộ thôn, bản vững mạnh - nhân tố yên dân, yên biên giới

Thứ 3, 26/07/2022 | 13:17:49
815 lượt xem
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ ưu tiên của miền tây là ổn định chính trị, yên địa bàn, yên dân, yên biên giới. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh để đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Cán bộ xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cùng đảng viên Chi bộ bản Nam Tiến 2 thăm hỏi người dân và kiểm tra tình hình lún sụt tại thực địa.

Với tinh thần đó, Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển đảng viên tại chỗ (Đề án số 01-ĐA/TU ngày 10/8/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020). Sáu năm qua, thực hiện Đề án số 01, các chi bộ thôn, bản miền tây Nghệ An đã và đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.

Khắc phục khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng

Mấy năm trước, mỗi khi được hỏi về công tác phát triển đảng tại chi bộ thôn, bản khu vực miền tây Nghệ An, cấp ủy địa phương thường nêu khó khăn như: Hầu hết người dân trong độ tuổi lao động rời quê đi làm ăn xa; người có uy tín trong cộng đồng thì tuổi đã cao; có người đủ điều kiện về phẩm chất, năng lực thì lại vi phạm chính sách về dân số…

Theo năm tháng, các đồng chí đảng viên cao tuổi, già yếu, trong khi chi bộ thiếu nguồn kết nạp đảng viên mới. Điều này dẫn đến nguy cơ tái “trắng chi bộ”, “trắng đảng viên”. Trước tình hình này, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 10/8/2016, trong đó có yêu cầu phải xây dựng chi bộ đảng có ít nhất năm đảng viên tại chỗ. Theo tiêu chí này, chỉ trong huyện Tương Dương đã có ba chi bộ thuộc diện “đối tượng điều chỉnh”; trong số này có chi bộ bản Khổi thuộc xã Tam Thái. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chi bộ bản Khổi đã kết nạp được thêm hai đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 11 đồng chí.

Gặp đồng chí Lô Văn Thuyết, Bí thư Chi bộ bản Khổi tại khu trang trại của gia đình, chúng tôi hỏi anh về giải pháp nào để chi bộ có thêm nguồn phát triển đảng viên mới. Đồng chí Thuyết chia sẻ: Giai đoạn đầu cũng rất khó khăn, dù chúng tôi nỗ lực tìm kiếm, vận động cả người thân trong gia đình nhưng vẫn không phát triển được đảng viên mới.

Đến năm 2017, gia đình phát triển mô hình kinh tế trang trại, quá trình vừa làm vừa giúp đỡ, truyền kinh nghiệm cho các hội viên chi hội nông dân, chi hội phụ nữ, tôi đã có giải pháp tạo nguồn phát triển đảng từ lực lượng này. Trong các “bài giảng” về canh tác, cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng, tôi lồng ghép thêm câu chuyện về những tấm gương sống có lý tưởng, có khát vọng vươn lên, về những đảng viên gương mẫu, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế-xã hội, sống có trách nhiệm với bà con, cộng đồng, từ đó khơi dậy tinh thần học tập, làm theo và nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng để phấn đấu và cống hiến...

Nhiều hội viên thật sự hào hứng khi được nghe giảng giải về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên; phấn khởi khi biết tham gia sinh hoạt chi bộ sẽ được tiếp thu kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng về mọi lĩnh vực của đất nước, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những xu hướng, định hướng phát triển trong tương lai…

Câu chuyện tìm nguồn phát triển đảng ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông cũng giống như vậy. Hai năm trước, huyện Con Cuông tìm nguồn phát triển đảng viên mới trong lực lượng hội viên các tổ chức chính trị-xã hội. Huyện ủy chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên mới trong cả nhiệm kỳ và kế hoạch từng năm sát với tình hình thực tế; giao chỉ tiêu cho từng chi bộ và giao trách nhiệm cho từng cấp ủy viên phụ trách cơ sở mỗi năm phải giới thiệu được một quần chúng ưu tú. Chi bộ giao trách nhiệm cho từng đảng viên và tổ chức đoàn thể phát hiện, kèm cặp, tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể đi học bồi dưỡng đối tượng đảng…

Đảng ủy xã thường xuyên rà soát các trưởng, phó thôn, bản và người đứng đầu các hội, đoàn thể chưa phải là đảng viên để bồi dưỡng phát triển đảng; có cơ chế hỗ trợ (tiền xăng, in ấn tài liệu) đối với người đi học lớp đối tượng cảm tình đảng. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe khẳng định: Nhờ cách làm linh hoạt, hiệu quả từ các chi bộ thôn, bản, số lượng đảng viên tại chỗ đã được nâng lên trung bình từ 7 đến 8 đảng viên/chi bộ. Số lượng kết nạp đảng viên mới ở nhiều xã (vốn khó khăn về nguồn phát triển đảng) như Nậm Cắn, Huội Tụ, Tà Cà... đều đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, toàn tỉnh hiện có 138 thôn, xóm, bản thuộc đối tượng của Đề án, trong đó 51 xóm không có đảng viên tại chỗ, 54 xóm có từ 1-2 đảng viên, 33 xóm có nguy cơ tái “trắng chi bộ”. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong việc phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng ở địa phương.

Điểm tựa vững chắc của chính quyền và nhân dân

Người dân bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn thời gian qua phải đối diện với nguy hiểm luôn rình rập, đó là núi sụt. Tại đây, chúng tôi chứng kiến những đường dây điện chùng võng, những vách nhà nứt toác, kèo xiêu, cột vẹo, nền nhà có chỗ sụt xuống hơn 1m. Vách núi trơ ra mầu đất mới đỏ ối. Người dân cho biết tình trạng này đã xảy ra hơn 1 năm.

Trong lúc chờ dự án tái định cư được triển khai, người dân chỉ còn biết trông cậy vào chính quyền địa phương và chi bộ bản. Đồng chí Lo Văn Chung, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nam Tiến 2 cho biết: Ngay từ khi người dân phát hiện hiện tượng nứt gãy trên sườn núi và báo với chính quyền, chi bộ đã chỉ đạo các đảng viên và các đồng chí trong chi hội, chi đoàn bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời giúp đỡ người dân sơ tán khi sự cố xảy ra. Việc làm này đã giúp người dân bớt hoang mang, lo lắng.

Không chỉ là chỗ dựa của dân trong những lúc gặp thiên tai, nhiều chi bộ thôn, bản còn có cách làm sáng tạo góp phần phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa các cộng đồng. Có thể kể tới như các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh; giữ gìn phong tục, nét văn hóa đẹp; bảo vệ môi trường; đấu tranh chống truyền đạo trái phép; giữ an toàn, an ninh biên giới…

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU đánh giá: Sau khi được củng cố, kiện toàn, các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội đã thể hiện, phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, góp phần quan trọng giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, với những nội dung phong phú, cụ thể, sát thực tiễn đời sống.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương chú trọng giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để mỗi tập thể, cá nhân trở thành tấm gương sáng, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân.

Theo nhandan.vn