Thứ 7, 23/11/2024, 21:34[GMT+7]

Cán bộ luân chuyển phải có 3 công: Công khai, công tâm và công bằng

Thứ 4, 10/08/2022 | 15:45:22
880 lượt xem
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu: “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cán bộ luân chuyển phải có “ba công”, là công khai, công tâm và công bằng trong bất cứ lĩnh vực nào từ công tác cán bộ cho đến vấn đề chỉ đạo, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại”.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ban Tổ chức Trung ương vừa tổ chức Hội nghị gặp mặt các đồng chí cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều động, luân chuyển cán bộ.

Nhân dịp này, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam đã dành cho báo chí cuộc trao đổi xung quanh Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ - một Quy định mới được ban hành, được đánh giá chặt chẽ hơn, tiêu chuẩn rõ ràng hơn và ngăn chặn được ngay từ đầu tư tưởng luân chuyển là thăng quan tiến chức.

Phóng viên (PV): Qua thực tiễn công tác luân chuyển thời gian qua, đồng chí nhìn nhận như thế nào về kết quả việc luân chuyển cán bộ?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Cá nhân tôi đánh giá rất cao kết quả của công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian vừa qua, thể hiện ở rất nhiều khía cạnh. Trước hết nằm ở con số, tùy thời điểm nhưng nhìn chung số lượng cán bộ được đi luân chuyển, đi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện ngày càng được tăng lên.

Bên cạnh đó, cơ chế trong công tác luân chuyển ngày càng được hoàn thiện hơn. Cơ chế gồm có thể chế, cơ quan, công tác cán bộ và trình tự thủ tục trong quá trình luân chuyển.

Tôi thấy rằng, thể chế ngày càng hoàn thiện hơn, cơ quan và cán bộ làm công tác này ngày càng chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thực hiện công tác luân chuyển.

Trình tự thủ tục ngày càng chặt chẽ và nhanh gọn hơn. Chính vì vậy, kết quả công tác luân chuyển cho thấy rằng, sau thời gian cán bộ đi luân chuyển, khi trở về Trung ương nhận nhiệm vụ mới, hầu hết các đồng chí đều rất trưởng thành.

PV: Nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí được luân chuyển Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Từng là một cán bộ luân chuyển, đồng chí đã gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Thuận lợi thì cũng nhiều nhưng khó khăn phải đối mặt cũng không ít.

Hậu Giang là một trong 3 địa phương được chia tách muộn nhất của Việt Nam. Diện tích không quá rộng, con người Hậu Giang rất hiền hòa và có một tập thể rất đoàn kết. Mặc dù mới chia tách nhưng nền tảng mà các thế hệ đi trước đã gây dựng là rất cơ bản, tập thể cán bộ rất đoàn kết, cùng mong muốn, cùng chung một khát vọng là đưa Hậu Giang ngày càng phát triển.

Thuận lợi tiếp theo Trung ương rất quan tâm tới những người đi đào tạo rèn luyện và các thế hệ lãnh đạo trước đó rất ủng hộ. Cá nhân tôi rất quyết tâm, đã xem đó như một cơ hội quan trọng để mình được học tập, đào tạo, rèn luyện và cống hiến. Tôi nghĩ đó là những điều hết sức thuận lợi.

Khó khăn thì cũng nhiều, nhưng đầu tiên là vấn đề hiểu biết, đánh giá những năng lực sở trường của cán bộ. Bởi làm lãnh đạo mà không nắm được cán bộ, không hiểu biết về cán bộ, đó là điều khó nhất.

Thứ hai là Hậu Giang là tỉnh chia tách muộn, xuất phát điểm rất thấp, tiềm năng, lợi thế không có nhiều. Chính vì vậy làm sao để vừa học tập, vừa rèn luyện nhưng cũng vừa lãnh đạo để đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, cả về vật chất và tinh thần. Đó là điều mà lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, trong đó có tôi rất trăn trở.

PV: Qua thời gian luân chuyển đến nay là Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam. Từ thực tế luân chuyển qua nhiều vị trí công tác, theo đồng chí điều quan trọng nhất với cán bộ luân chuyển là gì để có thể làm tốt nhiệm vụ được giao?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Để làm tốt thì có nhiều yếu tố và có sự chuẩn bị kỹ càng. Bản thân người được đi luân chuyển phải ý thức được rằng đây là một hình thức đào tạo đặc biệt mà không chỗ nào đào tạo, không có cơ sở đào tạo nào có thể cung cấp cho mình những kiến thức và kinh nghiệm khi được đi luân chuyển, va đập vào những tình huống thực tế.

Chính vì vậy mà bản thân con người phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng và phải có quan điểm rõ ràng là phải vào cuộc một cách thật sự, chứ không phải về đó để cố gắng làm một điều gì đó cho ra sản phẩm để báo cáo, mà cũng không phải về đó để “vo cho tròn”, rồi đợi hết thời hạn để được trở lại. Nếu ngay từ đầu mà cán bộ luân chuyển có suy nghĩ đó thì sẽ rất khó thành công.

Vì vậy, nếu mỗi người đi luân chuyển không thực sự vào cuộc, không quyết tâm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mình. Khi mình đã quyết tâm, có khát vọng thực sự, muốn rèn luyện thực sự thì mình phải vào cuộc, đó là gốc rễ vấn đề.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cán bộ luân chuyển phải có “ba công”, tức là công khai, công tâm và công bằng trong bất cứ lĩnh vực nào từ công tác cán bộ cho đến vấn đề chỉ đạo, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại…

Trong công tác cán bộ thì phải nắm được con người, làm sao đánh giá được cho đúng cán bộ, đúng con người có sở trường gì, chuyên môn gì để cùng với tập thể bàn bạc, bố trí, sắp xếp người vào vị trí phù hợp để họ phát huy năng lực sở trường của họ.

Điều đặc biệt nữa là phải xây dựng, vun đắp được môi trường làm việc đoàn kết, trách nhiệm, thân thiện, chuyên nghiệp, từ đó anh em mới sẵn sàng cùng với mình nỗ lực để cống hiến. Nếu một tập thể đoàn kết thì dù công việc có khó khăn kiểu nào thì cũng có thể nỗ lực vượt qua. Nếu không đoàn kết thì rất khó khăn, dù công việc không có gì khó khăn, nhưng rất khó vượt qua. Nên đoàn kết là sức mạnh vô cùng to lớn, nhất là đối với cán bộ luân chuyển...

PV: Việc luân chuyển cán bộ là nhằm rèn luyện, thử thách cán bộ, nhưng mặt khác nếu làm không tốt, cũng này sinh những tiêu cực như những cán bộ dù không đủ năng lực nhưng cố chạy luân chuyển để “trèo sâu, leo cao”. Đồng chí có bình luận như thế nào về ý kiến này?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Tôi nghĩ rằng vấn đề nào cũng có hai mặt là tích cực và tiêu cực. Nếu mình nhận diện được mặt tích cực thì mình tìm các giải pháp để phát huy, nếu mình nhận diện những gì tiêu cực, hạn chế thì phải tìm giải pháp để khắc phục.

Qua thực tiễn, công tác luân chuyển ngày càng bài bản hơn, căn cơ hơn, khoa học hơn, hợp lý hơn và đạt được nhiều kết quả tốt hơn. Từ việc hoàn thiện thể chế đến tổ chức bộ máy làm công tác luân chuyển ngày càng chuyên nghiệp hơn, thì việc tìm cách này, cách khác để “trèo sâu, leo cao” mà không có gắng nỗ lực, rèn luyện sẽ ngày càng được hạn chế dần.

Ban Tổ chức Trung ương luôn đánh giá cán bộ trước khi đi luân chuyển, đưa cán bộ đi luân chuyển và theo dõi quá trình rèn luyện, bố trí trở về đều đánh giá rất thận trọng và làm rất công tâm. Tôi nghĩ rằng, những người nào mà có ý định đó, có mong muốn đó thì họ ngày càng ý thức được rằng việc đó là không thể.

PV: Có thể thấy, công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, góp phần rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển, nhất là với cán bộ trong diện quy hoạch. Soi chiếu với Quy định 65 vừa được Bộ Chính trị ban hành, đồng chí đánh giá như thế nào về việc Trung ương phải tiếp tục ban hành một quy định mới về việc luân chuyển cán bộ?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Tôi nghĩ rằng, thể chế được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn là một yêu cầu cần thiết và rất cấp thiết. Mỗi một giai đoạn cách mạng thì có yêu cầu, đòi hỏi khác nhau đối với công tác cán bộ. Nhận thức của con người là cả một quá trình, có thể ở thời điểm này quy định này phù hợp nhưng qua giai đoạn khác, thời điểm khác thì quy định này qua thực tiễn áp dụng sẽ bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện hoàn cảnh mới. Cho nên, việc hoàn thành thể chế về nhiều mặt, trong đó có thể chế về công tác luân chuyển là cần thiết và rất cấp thiết.

PV: Vâng, chủ trương chung của Đảng là đưa cán bộ đi luân chuyển để tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu trong thực tiễn, từ đó cán bộ trưởng thành lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì cũng xảy ra hiện tượng như là “đi chọn chỗ đi”, “về lựa chỗ về”. Không hiếm trường hợp đi nhưng “không về” được vì mắc những khuyết điểm, sai phạm. Với những trường hợp như vậy, sẽ đặt ra vấn đề trách nhiệm như thế nào đối với các cơ quan tham mưu, cũng như quản lý, sử dụng cán bộ thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Tôi nghĩ rằng, việc lựa chọn nơi đến và nơi trở về hay những trường hợp cán bộ đi luân chuyển không thực sự thành công là điều xảy ra rất dễ hiểu. Điều đó là về tâm lý. Tuy nhiên, để hạn chế, ngăn chặn thì những người có trách nhiệm, trực tiếp có thẩm quyền quyết định về công tác luân chuyển thực sự phải tâm huyết, mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm và có trách nhiệm, khát vọng để cống hiến, rèn luyện để trưởng thành. Nếu cán bộ có những tố chất như vậy thì những hiện tượng xảy ra trong thực tế sẽ hạn chế và dần dần có thể ngăn chặn được, đòi hỏi người cán bộ đó từ việc lựa chọn địa bàn để đưa cán bộ đi luân chuyển phải có đánh giá độc lập ở địa phương đó họ đang cần con người như thế nào, yêu cầu ra sao. Bản thân cán bộ được quy hoạch nằm trong diện được luân chuyển phải đánh giá xem có phù hợp với địa bàn mà cán bộ đó dự kiến được đưa đến hay không.

Trong quá trình đi luân chuyển, cũng phải tiếp tục theo dõi, đánh giá quá trình đào tạo, rèn luyện, cống hiến của những cán bộ được luân chuyển, khi ở vị trí nào phù hợp thì đề xuất với cấp có thẩm quyền đưa về. Nếu làm việc đó chuyên nghiệp, công tâm, khách quan, dù bản thân cán bộ luân chuyển có muốn cũng không được. Điều này đòi hỏi cơ quan và những người làm công tác luân chuyển này phải hết sức công tâm, có trách nhiệm và thể chế ngày càng được hoàn thiện, thì hiện tượng này sẽ được giảm dần và đến lúc nào đó sẽ chấm dứt.

Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương với các đồng chí cán bộ Trung ương được điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại Hội nghị gặp mặt ngày 5/8 vừa qua. 

PV: Quy định 65 tăng thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm. Theo đồng chí, liệu 3 năm có đủ để một cán bộ luân chuyển về địa phương nắm bắt tình hình cũng như có những cải cách, đột phá để mang những điều tốt đẹp hơn cho nơi mình đến?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: 3 năm cũng chỉ là mốc thời gian để hạn chế việc cán bộ luân chuyển trở về quá sớm. Đây là sự chặt chẽ của thể chế. Tuy nhiên 3 năm dài hay ngắn cũng tùy thuộc vào bản thân từng con người và từng địa bàn. Theo tôi, 3 năm này là quy định tối thiểu, còn có những người sau 3 năm, họ về nỗ lực và đã có những sản phẩm cụ thể, có chất lượng, hiệu quả và thực chất.

Theo cá nhân tôi, 3 năm là con số chấp nhận được nhưng phải là 3 năm tối thiểu, để đánh giá và đưa một người nào đó đã hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển mà trở về thì phải qua kết quả và sản phẩm cụ thể. Thực tế, theo quan sát của cá nhân, thời gian mà ngắn thì cán bộ luân chuyển cũng có tâm lý là họ sẽ nỗ lực hết mình và làm ra một sản phẩm, kết quả cụ thể nào đó để khẳng định sự nỗ lực của người được luân chuyển, nhưng những kết quả đó chỉ trước mắt, còn khi là người lãnh đạo thì phải có định hướng, có kế hoạch, chiến lược lâu dài cho cả một giai đoạn dài chứ không chỉ trong giai đoạn mà đi luân chuyển.

Cùng với đó, cán bộ đi luân chuyển địa phương ngoài quan tâm phát triển kinh tế thì theo tôi cần quan tâm đến vấn đề xã hội. Điều này có lẽ những cơ quan mà có cán bộ làm công tác luân chuyển phải hết sức lưu ý vì còn liên quan đến đánh giá, thời gian luân chuyển, nếu không chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế cho địa phương mà quên đi vấn đề xã hội, văn hóa là hồn cốt. Điều này cần phải suy nghĩ, trăn trở và có giải pháp để khắc phục trong thời gian sắp tới.

PV: Trước Quy định 65, Bộ Chính trị có Kết luận số 14 về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng là để làm tốt công tác cán bộ. Rồi Trung ương có Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ; Bộ Chính trị có Quy định 41 về vấn đề miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ… Đồng chí có cho rằng Quy định 65, cùng các quy định, quy chế khác về công tác cán bộ trở thành hệ thống thể chế, cơ chế để công tác cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, chặt chẽ, hạn chế khắc phục được tiêu cực, bất cập trong công tác cán bộ; đặc biệt là thông qua việc luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách cán bộ, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ 6 dám: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” vì lợi ích chung?

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Tôi đánh giá rất cao về công tác hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong đó có công tác cán bộ. Có thể nói, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý trong xây dựng Đảng để mỗi cán bộ, công chức khi được bổ nhiệm, tin tưởng, giao nhiệm vụ nào đó, như Tổng Bí thư nói là phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Thể chế là như vậy, nếu thể chế hoàn thiện, đó là hành lang pháp lý rất an toàn, nhằm động viên khuyến khích, răn đe nhắc nhở, cảnh báo đối với cán bộ trong suy nghĩ, hành động và ra quyết định, quyết sách nào đó. Tôi nghĩ điều này rất cần thiết, và sẽ hạn chế được những vấn đề không tốt, tiêu cực trong công tác xây dựng Đảng, công tác luân chuyển, công tác cán bộ.

Tuy nhiên, thể chế dù có hoàn thiện đến mức độ nào thì cũng phải qua lăng kính của người thực hiện công việc đó. Nếu người làm công việc đó không thực sự công tâm, không thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết để xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ vì nhân dân thì thể chế nào người ta cũng có thể lợi dụng được. Thể chế qua thời gian sẽ bộc lộ những hạn chế và người ta sẽ lợi dụng những sơ hở đó để làm những điều không như Đảng mong muốn.

Theo tôi cần có 2 yêu cầu. Thứ nhất là thể chế hoàn thiện, thì tôi thấy rằng đã làm rất tốt. Thứ hai là công tác cán bộ để làm công việc liên quan đến công tác luân chuyển. Nếu làm tốt được hai việc này, nội dung ý nghĩa và vai trò của công tác luân chuyển ngày càng tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược cho đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo dangcongsan.vn