Chủ nhật, 17/11/2024, 10:52[GMT+7]

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua kết quả kiểm tra tại Ban Cán sự đảng Bộ Công thương

Thứ 3, 30/08/2022 | 23:22:18
505 lượt xem
Trong thời hạn kiểm tra, toàn ngành công thương đã tiến hành 619 cuộc thanh tra. Trong đó, các đơn vị trực thuộc Bộ tiến hành 177 cuộc, các cục Quản lý thị trường địa phương trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường tiến hành 442 cuộc. Qua công tác thực hiện nhiệm vụ, các cục quản lý thị trường ở các địa phương, chuyển 208 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chuyển 56 tin báo về hoạt động bán hàng đa cấp; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chuyển 11 tin báo về lĩnh vực điện tử, môi trường mạng cho cơ quan điều tra.

Đó là dự thảo báo cáo từ Đoàn kiểm tra số 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn.

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Đại tướng Lương Cường đã chủ trì Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban Cán sự đảng Bộ Công thương.

Làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Công thương; các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Công thương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Theo báo cáo của Đoàn, Ban Cán sự đảng Bộ Công thương thời gian qua đã quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng, đặc biệt là cập nhật những văn bản mới ban hành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế, tiêu cực.

Trong kỳ, Bộ Công thương tiếp 469 lượt người với 127 vụ việc, trong đó có 23 lượt đông người. Qua công tác tiếp công dân, không phát hiện có vụ việc sai phạm chuyển cơ quan điều tra. Qua giải quyết tố cáo do các đại biểu Quốc hội chuyển đến, Bộ đã chuyển giao 1 vụ việc đến cơ quan điều tra.

Giải quyết đơn tố cáo gửi trực tiếp đến Bộ Công thương, trong kỳ tổng số đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh là 3.401 đơn, thuộc thẩm quyền của Bộ 779 đơn; thuộc thẩm quyền của các đơn vị trực thuộc Bộ là 1.709 đơn. Bộ đã lập 41 đoàn xác minh, giải quyết tố cáo. Qua giải quyết tố cáo, đã chuyển 2 tin đến cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Bộ Công thương còn có những tồn tại, hạn chế, như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc phát hiện các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực còn hạn chế, chưa kịp thời; việc lãnh đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng chưa sâu sát, chưa quyết liệt; việc giải quyết một số vụ việc liên quan đến đơn, thư, khiếu nại, tố cáo còn để kéo dài...

Theo nhandan.vn