Thứ 5, 14/11/2024, 11:23[GMT+7]

Rõ vai trò tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy

Thứ 3, 04/10/2022 | 07:49:46
1,271 lượt xem
Phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện nhuần nhuyễn trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo hằng ngày của cấp ủy đảng các cấp. Những cách làm sáng tạo trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thể hiện qua việc phát huy vai trò, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sản xuất ván ép và gỗ thanh từ gỗ rừng trồng ở Nhà máy sản xuất gỗ MDF Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)

Để tổ chức thực hiện, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được ghi nhận là yêu cầu quan trọng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X chính là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực triển khai nghị quyết của các cấp ủy đảng và người đứng đầu cấp ủy theo hướng phát huy sáng tạo, tính chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Chủ động, sáng tạo, vận dụng quan điểm và tư duy mới

Ngay sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy đảng các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Khảo sát thực tế tại các tỉnh, thành phố cho thấy, nhiều cấp ủy đã khẩn trương xây dựng quy chế làm việc phù hợp chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tình hình thực tế địa phương và bổ sung những điểm mới theo yêu cầu của Trung ương. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy coi trọng việc cụ thể hóa và khâu tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đối với những vấn đề mới, quan trọng, nhạy cảm, các cấp ủy đảng đều coi trọng nghiên cứu thực tiễn, dành thời gian thảo luận kỹ và kiên định, quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Các tỉnh phía bắc có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân sinh sống và làm việc là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Trong khi chưa có đủ vắc-xin, chưa có kinh nghiệm đối phó tình huống dịch bệnh nghiêm trọng lan rộng trong thời gian ngắn, yêu cầu đặt ra là phòng, chống dịch hiệu quả và bảo đảm sản xuất ổn định.

Để tổ chức thực hiện, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, việc bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được ghi nhận là yêu cầu quan trọng.


Trong tình thế dịch diễn biến phức tạp, các tỉnh đã chủ động, linh hoạt ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp nhanh nhạy, phù hợp tình hình, đạt hiệu quả. Với cơ chế đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, việc phòng, chống dịch đã có sự tham gia đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt, thống nhất cao nhưng phân vai, phân nhiệm rõ ràng, quy chế phối hợp và các đầu mối giải quyết công việc cụ thể đã kích hoạt mọi nguồn lực xã hội tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”.

Giữa tâm dịch, “mục tiêu kép” vẫn được Bắc Ninh thực hiện hiệu quả khi sáu tháng đầu 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,45%, trong đó khu vực công nghiệp-xây dựng có mức tăng cao nhất, 8,86%. Tỉnh ủy Bắc Giang có nghị quyết chuyên đề về thực hiện “mục tiêu kép” và kết quả mức tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 7,82%, trong nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước… Thực tế khẳng định hiệu quả đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng thể hiện qua việc vận dụng quan điểm và tư duy mới, chủ động có giải pháp đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gần đây được ghi nhận phát triển nhanh, năng động ở vùng Tây Bắc. Đó là kết quả phản ánh tư duy sáng tạo trong vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, đề ra mục tiêu trên cơ sở tổng kết, nghiên cứu lý luận và thực tiễn gắn liền xác định các nguồn lực, trọng tâm đột phá. Những nhiệm kỳ gần đây, các chương trình, đề án trọng tâm của nhiệm kỳ được xây dựng và thảo luận trước và trong đại hội đảng bộ các cấp, có sự tham gia đóng góp, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các nhà khoa học, chuyên gia, các ý kiến là kinh nghiệm của cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các nhiệm kỳ trước đó…

Các chủ trương, quyết sách lớn được tỉnh ban hành nhờ vậy bảo đảm tính khoa học, đồng thuận cao, liên tục, xuyên suốt, đồng bộ, tránh được độ hẫng giữa các nhiệm kỳ. Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Đặng Xuân Phong, quá trình nêu trên đồng bộ với tăng cường kiểm tra, giám sát, giao nhiệm vụ, xác định trách nhiệm cá nhân với địa bàn, lĩnh vực công tác. Trong triển khai thực hiện, các cấp ủy viên cần sớm phát hiện điểm nghẽn từ cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp kịp thời. Qua khảo sát thực tế tại nhiều huyện của Lào Cai, thấy rõ tinh thần đổi mới sáng tạo trong triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống đã tạo bước chuyển nhanh ở các huyện miền núi, biên giới như Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà…

Cách đây chưa lâu, Mường Khương còn ở trong danh mục những huyện nghèo nhất toàn quốc, trình độ canh tác lạc hậu, tài nguyên rừng cạn kiệt. Trên chính vùng đất giàu tiềm năng, huyện còn hơn 50% số hộ nghèo, nhiều xã hộ nghèo chiếm hơn 80%. Ba năm qua, Mường Khương ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, gắn với quá trình giảm nghèo ở từng xã.

Từ vùng đất nông nghiệp tự cung, tự cấp, thuận theo tự nhiên, với bước đi đột phá, toàn huyện dồn sức đã chuyển đổi gần 2.000ha đất trồng cây kém hiệm quả sang phát triển các ngành hàng chủ lực (chè, dứa, chuối, quế). Hiện nay, Mường Khương đã ở nhóm đứng đầu của Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, giảm nghèo nhanh, bền vững. Bí thư Huyện ủy Mường Khương, Tiến sĩ Giàng Quốc Hưng nhìn nhận, từ việc đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh, huyện coi trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tác phong công tác và lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Với tỉnh Nghệ An, quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã tạo ra những hướng đi đột phá, những mô hình phát triển nhanh ở các huyện miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như vùng trọng điểm phát triển. Đây cũng là quá trình cấp ủy, chính quyền các cấp dồn sức khắc phục những rào cản, sự trì trệ. Hoàng Mai từ huyện phát triển thành thị xã và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Với tầm nhìn mới về phát triển, Hoàng Mai được tỉnh Nghệ An định hướng trở thành đô thị biển gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng...

Đảng bộ thị xã đề ra mục tiêu tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đưa Hoàng Mai hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III trước năm 2025 theo hướng văn minh, hiện đại… Bí thư Thị ủy Hoàng Mai, Lê Trường Giang trao đổi, Ban Thường vụ Thị ủy cùng Ban cán sự Ủy ban nhân dân huyện tập trung trí tuệ, xác định giải pháp để khai thác, phát huy các giá trị, nguồn lực trên địa bàn thành hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực. Thị xã hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp, nhà đầu tư thu hút nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là đầu tư về du lịch. Thị xã giờ là vùng du lịch đặc sắc, có tốc độ đô thị hóa nhanh, các ngành nghề phát triển đa dạng, đang khẳng định vai trò là một trong ba cực tăng trưởng của Nghệ An.

Bảo đảm nguyên tắc, thống nhất, rõ trách nhiệm

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng nhanh chóng, kịp thời, đúng và trúng, hiệu quả cao đặt ra yêu cầu chú trọng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

Khảo sát thực tế triển khai nghị quyết của các cấp ủy đảng cho thấy rõ điều này. Cùng một nghị quyết, nhưng mỗi địa phương có kết quả thực hiện khác nhau. Có thể do đặc thù tình hình cơ sở nhưng khâu tổ chức thực hiện thể hiện qua năng lực hiện thực hóa nghị quyết của tập thể cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã nhấn mạnh: Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.

Để việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng bảo đảm đúng nguyên tắc, thống nhất và rõ trách nhiệm, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa, cấp ủy đảng các cấp đều coi trọng việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, xây dựng và thực hiện quy chế, chương trình làm việc; nêu cao trách nhiệm cá nhân, phân cấp mạnh hơn cho cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc. Đối với cấp cơ sở, Ban Bí thư các nhiệm kỳ gần đây đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng để thực hiện. Trong đó, có hai quy định đối với tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn; ba quy định đối với tổ chức cơ sở đảng cơ quan; ba quy định đối với tổ chức cơ sở đảng đơn vị sự nghiệp; 10 quy định đối với tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị quân đội; sáu quy định đối với tổ chức cơ sở đảng trong đơn vị công an; bảy quy định đối với tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp.

Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Cấp ủy đảng các cấp coi trọng đổi mới sinh hoạt cấp ủy, đề cao trách nhiệm cá nhân của các cấp ủy viên trong các hoạt động của tập thể cấp ủy, yêu cầu tự giác làm trước để nêu gương. Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định: Đảng viên trong tổ chức bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên. Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương yêu cầu các cấp ủy đảng trực thuộc phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách khu vực, lĩnh vực công tác hằng tháng có báo cáo tình hình để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Thành ủy Hải Phòng có quy định về tăng cường công tác kiểm tra, sắp xếp, bố trí công tác, cho nghỉ công tác đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến mức phải thay thế hoặc cho nghỉ. Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cụ thể thành “10 xây”, “10 chống” để triển khai trong toàn đảng bộ. Thành ủy Hà Nội có quy chế về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và chế độ làm việc của đồng chí ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cơ sở. Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành quy định về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để tập trung giải quyết những việc lớn, việc khó, những điểm nghẽn liên quan quá trình lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Tuy nhiên, khảo sát thực tế ở một số địa phương, vẫn còn hiện tượng tổ chức đảng buông lỏng hoặc lấn sân chính quyền, vẫn còn tình trạng mất dân chủ, dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, sai phạm trong công tác cán bộ, gây thất thoát tài sản nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Quan hệ công tác và phong cách làm việc của một số tổ chức và cá nhân trong các tổ chức đảng và hệ thống chính trị chưa tốt.

Một số nơi, cấp ủy đảng thiếu sâu sát thực tiễn nên hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo. Qua một số vụ việc vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nhiều cấp ủy và người đứng đầu địa phương gần đây cho thấy vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp, của nhân dân chưa được phát huy, mờ nhạt, thậm chí bị vô hiệu hóa, dẫn đến sai phạm kéo dài, có hệ thống, ngày càng nghiêm trọng.

Một số nơi, quy chế làm việc của cấp ủy đảng vẫn nặng về hình thức, chưa chú trọng cơ chế kiểm soát quyền lực về cả phòng ngừa việc lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền và việc không thực hiện đầy đủ quyền hạn được giao. Quy chế làm việc cũng chưa rõ tinh thần đổi mới phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, sát thực tiễn, gần dân, đề cao tính nêu gương và tăng cường thực hiện chất vấn trong Đảng. Một số cấp ủy nặng về họp hành, hạn chế thời gian đi cơ sở, giải quyết công việc thực tế…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới từng lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, nhất là củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường vai trò trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu.

Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng cũng đặt ra yêu cầu cần sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đồng thời thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên với tư cách là chủ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Theo nhandan.vn