Chủ nhật, 17/11/2024, 22:31[GMT+7]

Hà Nội: Nêu cao vai trò người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ

Thứ 4, 26/10/2022 | 14:46:20
1,315 lượt xem
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nêu cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện quy chế dân chủ, trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại cuộc kiểm tra.

Đoàn kiểm tra thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ quan Sở đã được cấp ủy, Ban Chỉ đạo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ban lãnh đạo Sở đã cụ thể hóa việc thực hiện dân chủ bằng việc ban hành hệ thống quy chế của Sở như: Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế quản lý công sản…

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã gắn kết việc thực hiện QCDC với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thực hiện Luật Cán bộ công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính. Ngoài ra, việc thực hiện các chế độ chính sách (nâng lương, chuyển ngạch, đào tạo, xử lý kỷ luật…) được triển khai kịp thời, công khai dân chủ, tạo sự đồng thuận, phát huy được vai trò làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan. Qua đó, đề cao trách nhiệm cấp ủy, tăng cường vai trò quản lý của lãnh đạo Sở và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và phòng chống tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan.

Đáng chú ý, Sở đã duy trì hiệu quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”; công khai 34 thủ tục hành chính và đưa ra giải quyết theo cơ chế “một cửa” 34 thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi đối với các tổ chức, cá nhân. Từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/9/2022, Sở đã tiếp nhận và trả kết quả 8.472 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (đạt 100%), không có hồ sơ nào giải quyết quá thời hạn; không có vụ việc kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Sở cũng đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức tiếp công dân và giải quyết các vấn đề liên quan tới khiếu nại tố cáo, kiến nghị của tổ chức/công dân. Từ năm 2021 đến ngày 15/9/2022, Sở đã tiếp 26 lượt công dân và tiếp nhận 390 đơn thư (trong đó 386 đơn kiến nghị phản ánh, 3 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo). Đến nay đã xử lý xong dứt điểm, không có tồn đọng và khiếu kiện kéo dài…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra đã trao đổi nhiều nội dung nhằm giúp Sở thực hiện tốt dân chủ trong các hoạt động chuyên môn của sở, qua đó duy trì sự đoàn kết nội bộ, làm tốt công tác cán bộ…

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở của Sở TT&TT. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức cũng như ý thức tự giác của một số ít công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện QCDC ở cơ quan chưa cao, còn thụ động, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cùng tham gia với lãnh đạo thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ quan. Đồng thời, vai trò giám sát, kiểm tra của Ban Chỉ đạo xây dựng QCDC và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân còn hạn chế….

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản của trung ương, thành phố về thực hiện QCDC ở cơ sở; đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các kênh thông tin tuyên truyền do Sở quản lý. 

Đồng thời, nêu cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện QCDC, trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Gắn thực hiện QCDC với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, thành phố. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính trong quy trình giải quyết công việc với các tổ chức, công dân, nhất là các đơn vị có chức năng nhiệm vụ thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết công việc cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị tiếp tục nâng cao hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức; làm tốt công tác truyền thông, quản lý báo chí…/.

Theo dangcongsan.vn