Thứ 2, 18/11/2024, 02:45[GMT+7]

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng

Thứ 5, 10/11/2022 | 10:03:47
1,449 lượt xem
Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn số 564-CV/TU ngày 8/11/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các văn bản của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các chương trình, kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các địa phương, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Thanh tra Chính phủ.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, thành phố về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân theo quy định của Đảng, Luật Tiếp công dân.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, Công an thành phố, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; kịp thời đề xuất, chuyển các vụ việc qua công tác thanh tra có dấu hiệu sai phạm về tham nhũng, tiêu cực sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để nâng cao hiệu quả công tác răn đe, phòng ngừa.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân, đặc biệt là vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố, các dự thảo đề án, quy định, quyết định... của UBND thành phố để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố.

Trước đó, Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận được Văn bản số 1342-CV/TTCP-C.IV ngày 31/8/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của thành phố Hà Nội. Điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đối với thành phố đạt 74,2/100 điểm, so với điểm tự chấm là 84,36/100 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố./.

Theo dangcongsan.vn