Thứ 2, 18/11/2024, 17:31[GMT+7]

Công tác đảng ngoài nước thúc đẩy đường lối đối ngoại

Thứ 6, 03/02/2023 | 09:50:22
889 lượt xem
Lịch sử 93 năm hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023) đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, công tác đảng ngoài nước là một bộ phận hữu cơ, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Hệ thống tổ chức đảng ở ngoài nước là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống tổ chức của toàn Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt của Trung ương Đảng.

Ảnh minh họa: Hội thảo về Đề án “Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao”. (Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam)

Ngay từ ngày đầu cách mạng, nhiều đảng viên của chúng ta đã ra nước ngoài hoạt động. Dưới sự dìu dắt, chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhiều cán bộ “hạt giống đỏ” đã được đào tạo, hoạt động ở nước ngoài và trở thành những lãnh đạo tiêu biểu, những đảng viên trung kiên của Đảng ta, như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, công tác đảng ngoài nước đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những dấu ấn qua ba năm hợp nhất

Triển khai Quyết định số 209-QĐ/TW ngày 26/11/2019 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất Đảng bộ ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao, Đảng bộ Bộ Ngoại giao trở thành Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Đảng bộ Bộ Ngoại giao vừa thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tổ chức đảng, đảng viên ở trong nước, vừa quản lý các tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước.

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, công tác đảng ngoài nước đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hệ thống tổ chức cơ sở đảng ở ngoài nước hoạt động trong điều kiện đặc thù riêng, xa Trung ương. Thành phần đảng viên đa dạng, không chỉ bao gồm các cán bộ, đảng viên trong ngành ngoại giao, mà cả cán bộ, đảng viên của các ban, bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang công tác, học tập và lao động ở nước ngoài. Với quy mô lớn và phạm vi rộng, nhiệm vụ công tác đảng của Đảng bộ tăng thêm, tính chất công tác xây dựng đảng lớn, phức tạp, đa dạng, đặt ra nhiều thách thức hơn trước trong khi chưa có quy định, cơ chế đặc thù riêng.

Bối cảnh triển khai công tác đảng ngoài nước kể từ thời điểm hợp nhất chứng kiến nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine. Song, kết quả hơn ba năm hợp nhất là minh chứng sống động cho thấy Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã phát huy tốt công tác đảng phục vụ triển khai đường lối đối ngoại, hiện thực hóa mục tiêu tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở ngoài nước, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.

Thứ nhất, Đảng ủy Bộ Ngoại giao tập trung lãnh đạo bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần triển khai đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng hợp tác, cùng có lợi.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác có nhiều tiềm năng.

Thứ hai, công tác tham mưu cho Trung ương về công tác đảng ngoài nước tiếp tục được chú trọng, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo về công tác đảng ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng ở ngoài nước và giải quyết những vấn đề mới đặt ra khi hợp nhất.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao phối hợp các ban đảng Trung ương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 43-QĐ/TW, ngày 26/11/2021 về chức năng, nhiệm vụ của các đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài và Quy định số 86-QĐ/TW ngày 28/10/2022 về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài.

Những quy định quan trọng này đã cập nhật, bổ sung kịp thời những định hướng mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, bảo đảm xây dựng hệ thống tổ chức đảng ngoài nước vững mạnh, thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng.

Thứ ba, công tác đảng được triển khai toàn diện và hiệu quả, một số mặt đã có sự đổi mới, sáng tạo, nhằm phát huy lợi thế của việc hợp nhất gắn công tác xây dựng Đảng với triển khai nhiệm vụ chính trị đối ngoại.

Công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết Trung ương được triển khai trên phạm vi rộng, lan tỏa thông qua mạng lưới 94 cơ quan đại diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo.

Công tác đảng được triển khai toàn diện và hiệu quả, một số mặt đã có sự đổi mới, sáng tạo

Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tăng số lượng tổ chức đảng được kiểm tra thông qua việc kết hợp với các đoàn đối ngoại ra ngoài nước.

Trên cơ sở những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra, Đảng ủy Bộ Ngoại giao đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác chính trị tư tưởng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Kỳ vọng với công tác đảng thời gian tới

Để công tác đảng phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị là phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, với hệ thống các tổ chức đảng ngoài nước được củng cố và phát triển, ngành ngoại giao đề ra sáu nhóm giải pháp toàn diện về tăng cường công tác đảng trong tình hình mới.

Một là, tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng-xây dựng ngành làm nền tảng vững chắc để triển khai công tác đối ngoại.

Hai là, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, bí thư cấp ủy trong công tác xây dựng Đảng.

Ba là, kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên ở ngoài nước trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng các tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, là hạt nhân chính trị và trung tâm đoàn kết cán bộ, đảng viên và quần chúng ở ngoài nước.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, sớm tham mưu trình Ban Bí thư ban hành quy trình về công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên ở nước ngoài.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, công tác vận động, tập hợp quần chúng, cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước, triển khai hiệu quả Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Ngành ngoại giao tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động với quyết tâm cao xây dựng ngành ngoại giao thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp.

Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và hoàn thiện, chuẩn hóa lề lối, quy trình công tác của Đảng bộ. Thời gian tới, Đảng ủy Bộ Ngoại giao sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể đẩy mạnh công tác đảng ngoài nước, xác định lĩnh vực, địa bàn, trọng tâm, trọng điểm, để tạo ra những điển hình tốt, cách làm hay, có sức lan tỏa hơn nữa, qua đó đưa công tác đảng ngoài nước bước sang giai đoạn phát triển mới.

Đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn và khát vọng nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành ngoại giao tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động với quyết tâm cao xây dựng ngành ngoại giao thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, cùng nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cấp ủy, cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao và cán bộ, đảng viên ở ngoài nước, Đảng bộ Bộ Ngoại giao quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo nhandan.vn