Thứ 2, 18/11/2024, 21:27[GMT+7]

Quảng Trị: Xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh từ “gốc”

Thứ 7, 04/03/2023 | 12:24:41
2,210 lượt xem
Xác định quy hoạch cán bộ là một nội dung cốt lõi nhằm chủ động, có tầm nhìn xa trong công tác cán bộ, Tỉnh ủy Quảng Trị đã cụ thể hóa và triển khai nhiều giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn. Hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ tạo tiền đề để Quảng Trị từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Quảng Trị thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp.

Kế thừa kết quả những năm trước đó, nhất là từ “Năm công tác cán bộ” 2017, Quảng Trị đã tạo những đột phá, trong đó, quy hoạch cán bộ đi vào chiều sâu và có nhiều điểm mới.

Với Quy định số 608, ngày 18/3/2022, về công tác quy hoạch cán bộ, Tỉnh ủy yêu cầu rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch, bảo đảm các nguyên tắc, quy định của Đảng, dân chủ, công khai, đúng thẩm quyền; không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.

Bảo đảm nguồn cán bộ thực chất

Công tác quy hoạch cán bộ được tiến hành cùng lúc, vừa rà soát bổ sung nhiệm kỳ này, vừa xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ sau, cho nên, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên đồng thời được xem là khâu khó và quan trọng nhất. Đánh giá chính xác sẽ giúp tổ chức chọn đúng cán bộ trước khi tiến hành quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm. Đánh giá đúng cũng là biện pháp khích lệ, khơi dậy khả năng cống hiến của cán bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ.

Theo đồng chí Phan Văn Phụng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị, Tỉnh ủy quán triệt sâu sắc quan điểm, đánh giá cán bộ phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất, năng lực, kiến thức, triển vọng phát triển; chống bệnh thành tích, hình thức, nể nang hoặc tùy tiện thiên vị, trù dập cán bộ.

Từ nhiệm kỳ trước, Tỉnh ủy đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, với khung tiêu chí đối với từng chức danh cụ thể, được ghi nhận là địa phương tiên phong xây dựng bộ tiêu chí và áp dụng hiệu quả. Các tiêu chí ngắn gọn, cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh, đánh giá mức độ hoàn thành 3 nhóm vấn đề: về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả khắc phục khuyết điểm đã được chỉ ra.

Trong đó, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ là thước đo chủ yếu. Bộ tiêu chí cung cấp những căn cứ cụ thể để người có thẩm quyền xem xét công bằng, khách quan, khó mà thiên vị. Người được đánh giá cũng tự nhận thấy, mình có được đánh giá đúng năng lực hay không. Chất lượng công tác đánh giá cán bộ được xác định bằng chất lượng của cán bộ được đánh giá và trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ.

Tuy nhiên, thực tế công tác đánh giá cán bộ đã chỉ ra, hạn chế căn bản vẫn phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố con người. Đó là, người được giao quyền có thật sự khách quan, công bằng không, có nể nang, dĩ hòa vi quý không. Để rõ trách nhiệm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện cam kết trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm, trong đó có nội dung đánh giá cán bộ. Tổng kết công tác xây dựng Đảng định kỳ đều đánh giá hiệu quả thực hiện các nội dung người đứng đầu đã cam kết, đồng thời đăng ký cam kết trong năm tiếp theo.

Phương pháp đánh giá cán bộ qua nhiều năm áp dụng đã được điều chỉnh phù hợp thực tế hơn. Nếu như trước đây, đánh giá cán bộ thông qua chấm điểm với thang điểm 100, thì hiện nay đánh giá theo bốn cấp độ thực hiện (xuất sắc, tốt, trung bình, kém), các tiêu chí tương ứng với các chức danh. Về tiêu chí chung áp dụng cơ bản giống nhau, về chuyên môn được đánh giá bằng tiêu chí gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.

Trưởng phòng Tổ chức-cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, kết quả đánh giá cán bộ hằng năm được công khai trong tập thể lãnh đạo và được thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức và thông báo đến từng cán bộ. Đó là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, luân chuyển, điều động, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Quảng Trị chú trọng tính chặt chẽ và bảo đảm chất lượng nguồn cán bộ trước quy hoạch, bổ nhiệm, bằng quy định trong 5 năm liên tiếp cán bộ đó phải có ít nhất 3 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong đó năm liền kề thời điểm tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Giải pháp phân cấp trong đánh giá, xếp loại chất lượng cũng cho kết quả sát thực tế hơn. Theo Quy định của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ trực tiếp đánh giá và xếp loại chất lượng đối với các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ, cấp trưởng, người đứng đầu, giám đốc các sở, ngành, bí thư, phó bí thư các huyện ủy, thành ủy, thị ủy. Đối với cấp phó các sở, ban, ngành, giao lại cho tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đó xem xét, đánh giá. Trước khi phân cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp đánh giá hơn 400 cán bộ, hiện nay chỉ còn dưới 100 cán bộ thuộc thẩm quyền.

Tăng tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, giảm “quy hoạch treo”

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ưu điểm trong công tác quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 được ghi nhận khi kết quả hơn 60% cán bộ trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có trình độ thạc sĩ, 100% có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Tỷ lệ cán bộ trẻ trong quy hoạch cấp huyện đạt 30,5%, gần 50% cán bộ trong quy hoạch cấp ủy cấp xã dưới 40 tuổi. Cơ cấu 3 độ tuổi ngày càng hợp lý.

Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ các cấp đều hơn 24%; đã có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tuy nhiên, hệ số quy hoạch đôi khi vượt quá mức quy định; việc bổ sung quy hoạch có nơi còn nặng về cơ cấu, dẫn đến số lượng quy hoạch nhiều, tính khả thi không cao. Một số chức danh quy hoạch ở mức tối đa, nên khi có nhân tố mới không còn vị trí để bổ sung…

Khắc phục hạn chế nêu trên, nhằm chuẩn bị một bước phục vụ công tác nhân sự nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt và trọng tâm, xác định năm 2022 là “Năm công tác quy hoạch cán bộ”.

Theo đó, từ tháng 6 đến 8/2022, Quảng Trị đã hoàn thành quy hoạch cán bộ ở cấp huyện, cấp sở, ban, ngành và Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt của tỉnh; đồng thời hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, gửi Ban Tổ chức Trung ương đúng thời hạn.

Quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 trên nguyên tắc, chỉ quy hoạch chức danh cao hơn; mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá ba người, một người quy hoạch không quá ba chức danh; lấy quy hoạch các chức danh cấp dưới làm cơ sở quy hoạch các chức danh cấp trên; lấy quy hoạch các chức danh Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý khối nhà nước.

Kết quả xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 61 đồng chí, đạt hệ số 1,19; tỷ lệ cán bộ trẻ là 16,4%; nữ là 24,6%. Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 18 đồng chí, đạt hệ số 1,2; tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 5,6%, nữ là 11,1%...

Tại huyện Gio Linh, đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Văn Quảng cho biết, xác định rõ những hạn chế của địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, năm 2017, Huyện ủy đã thực hiện khảo sát toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ và những tác động đối với kết quả lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Qua 5 năm, Đề án tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 đã đi vào cuộc sống, với nhiều giải pháp thiết thực. Đề án là bước đệm tạo chuyển biến rõ nét, bổ sung nguồn nhân lực kế cận có chất lượng. Một số nơi mạnh dạn sắp xếp, bố trí thay thế những đồng chí lớn tuổi, không đạt chuẩn và năng lực hạn chế; tạo điều kiện để cán bộ nữ, cán bộ trẻ phát triển; có chính sách ưu tiên trong đào tạo, thu hút, bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Giải pháp tăng cường luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ trẻ gắn với lựa chọn những đồng chí hội đủ các tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển làm lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đoàn thể huyện và ở cơ sở, vừa nhằm bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, vừa góp phần tăng thêm nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương.

Bằng kinh nghiệm của cán bộ luân chuyển, từ vị trí Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện về làm Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Gio Thành, sau một nhiệm kỳ, được bổ nhiệm Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Toàn chia sẻ, đó là bước đi căn bản giúp cán bộ trẻ trưởng thành.

Khi về cơ sở, anh mang kiến thức chuyên môn giúp địa phương giải quyết những vướng mắc về quản lý, sử dụng đất đai, xử lý các vấn đề môi trường. Từ cơ sở, anh trau dồi thêm kỹ năng lãnh đạo, quản lý, rèn luyện bản lĩnh và linh hoạt trong xử lý tình huống đặt ra. Anh được tập thể lãnh đạo cơ quan tín nhiệm quy hoạch vị trí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Từ kinh nghiệm của Quảng Trị, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, đề án quy hoạch cán bộ. Tiêu chuẩn, chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch được nâng lên theo hướng chuẩn hóa về chuyên môn, trẻ hóa về độ tuổi, cùng yêu cầu mỗi chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải có 1 nhân sự nguồn từ nơi khác...

Trên tinh thần đó, đối với những địa phương khi xây dựng quy hoạch mà tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đạt hoặc chưa có nguồn “mở” theo quy định, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp có thẩm quyền không phê duyệt số lượng tối đa (hệ số quy định từ 1,0 đến 1,5) để tiếp tục phát hiện, bổ sung, song không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Việc không quy hoạch số lượng tối đa cũng là giải pháp hạn chế tình trạng quy hoạch “treo” nhất là trong bối cảnh thực hiện sáp nhập, tinh giản biên chế, tăng tuổi nghỉ hưu. Giảm quy hoạch “treo” đồng nghĩa với chống lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng. Khi xây dựng quy hoạch đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện việc cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy viên các cấp chủ động lựa chọn, bồi dưỡng và giới thiệu nhân sự quy hoạch thay thế vị trí của mình một cách nghiêm túc, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các thành viên lãnh đạo, cấp ủy viên. Qua đó, cấp ủy có thêm nguồn nhân sự đưa vào quy hoạch có tính khả thi cao.

Cán bộ là nhân tố căn bản quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, khơi dậy khát vọng, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Công tác quy hoạch cán bộ luôn được coi là tiền đề, đặt nền tảng cho khâu then chốt. Đó không chỉ là nhận thức mà còn là hành động với quyết tâm chính trị cao, để Quảng Trị từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín theo chủ trương của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Theo nhandan.vn