Thứ 3, 19/11/2024, 07:30[GMT+7]

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh

Thứ 5, 11/05/2023 | 21:01:35
1,308 lượt xem
Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, những năm qua, các doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh đã luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo nên nét đặc trưng riêng, nền tảng thúc đẩy sự phát triển.

Trung tâm điều khiển xa Công ty Điện lực Thái Bình.

Là doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước lớn, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ hiện nay mở rộng 9 nhà máy trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 18.000 công nhân vào làm việc. Nhắc đến Tân Đệ không chỉ trong giới công nhân may biết đến mà còn lan tỏa trong cộng đồng về những hình ảnh đẹp như buộc quà tết vào xe cho công nhân trước giờ tan làm thể hiện của cho không bằng cách cho, văn hóa xếp hàng, tổ chức các chương trình như “Tân Đệ cùng con chào hè” thu hút hơn 5.000 cháu là con của công nhân tham gia, ngày hội thể thao với 16 đội bóng đá nam, 12 đội bóng đá nữ, 27 đội cầu lông, 19 vận động viên bóng bàn, 152 đội kéo co tham gia. Không chỉ dẫn đầu về năng lực sản xuất, doanh nghiệp còn dẫn đầu về môi trường làm việc xanh, chuyên nghiệp, thân thiện. Đặc biệt, Tân Đệ đã tận dụng được nền tảng mạng xã hội để lan tỏa cho nhiều người thấy được hình ảnh của doanh nghiệp, không chỉ cuốn hút người trong doanh nghiệp muốn cống hiến cho mình mà còn thu hút người khác muốn xin vào Tân Đệ làm việc. 

Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết: Có được những kết quả đó là do ngay từ khi thành lập doanh nghiệp sớm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi con người là tài sản quý giá nhất, tạo ra mọi giá trị phát triển của doanh nghiệp. Tân Đệ đã xây dựng các nguyên tắc làm việc, quy trình làm việc cũng như là quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp để định hướng cho người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Các văn hóa chuẩn mực thể hiện ở cách giao tiếp trong khi làm việc, trong xử lý giải quyết công việc, trong hội họp, việc bài trí nơi làm việc, mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và nhân viên… 

Công nhân Đào Thị Thơ, nhà máy Tân Đệ 1 cho biết: Với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng không phải là quá cao so với công nhân ở các đơn vị khác nhưng tôi lại rất thích được làm việc ở Tân Đệ bởi luôn cảm thấy doanh nghiệp như ngôi nhà thứ hai của mình, sự quan tâm không chỉ dừng ở công nhân mà còn dành cho cả bố mẹ, con của công nhân. Do đó tôi sẽ cố gắng làm việc hết mình để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của Tân Đệ ngày càng phát triển.

Ông Phạm Ngọc Hào, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Những năm qua, lãnh đạo Công ty luôn quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xác định đó là nền tảng để xây dựng và phát triển bền vững đối với doanh nghiệp. Trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp đã được hình thành trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành điện, bộ tài liệu “Văn hóa EVN” đã được ban hành, triển khai sâu rộng đến từng đơn vị, từng người lao động trong công ty, được coi là “kim chỉ nam” cho hành động và nhận thức của lãnh đạo, công nhân ngành điện. Trong đó, Công ty đã tiên phong đi đầu trong các chương trình đổi mới nhận thức, thái độ, kỹ năng ứng xử và phục vụ khách hàng của cán bộ, công nhân viên, tạo ra đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên đoàn kết với tinh thần cống hiến vì sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc thù của cán bộ, công nhân ngành điện làm việc rất vất vả trong môi trường thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ để bảo đảm cung cấp điện ổn định và đem đến cho khách hàng các dịch vụ tốt nhất. Vì thế, hình ảnh, thương hiệu của EVN đã tạo được ấn tượng mạnh trong lòng khách hàng, nâng cao uy tín và sự đồng thuận của cộng đồng xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đã đề ra.

Theo đánh giá của Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, nhiều doanh nghiệp trong khối đã triển khai thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân được quan tâm chỉ đạo trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững, kinh doanh có hiệu quả. Các doanh nghiệp đã coi trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất, tạo dựng mối quan hệ thân ái, gắn kết, tinh thần hợp tác giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp; hướng đến phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân trong Khối thực hiện tốt nghĩa vụ đóng góp xây dựng quê hương; thường xuyên tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, nhất là hoạt động từ thiện hướng tới các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thuộc khối đã đóng góp trên 30 tỷ đồng vào các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, xây trên 100 nhà tình nghĩa cho người nghèo, tặng hàng nghìn suất quà và hiện vật giúp đồng bào miền Trung ổn định cuộc sống, tặng 200 sổ tiết kiệm cho người nghèo; chăm sóc, phụng dưỡng 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Có thể thấy, việc xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp đã và đang là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp trong khối trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng, mang tính đặc thù, thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp.

Các tài liệu, hiện vật được trưng bày tại phòng truyền thống của Công ty Điện lực Thái Bình. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ thường xuyên gần gũi, lắng nghe người lao động.

Thu Thủy