Thứ 3, 19/11/2024, 11:30[GMT+7]

Kết quả và kinh nghiệm bước đầu sau một năm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chủ nhật, 18/06/2023 | 08:42:06
1,337 lượt xem
Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) thể hiện định hướng, quyết tâm của Trung ương nhằm góp phần khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sau một năm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đi vào hoạt động, ghi nhận kết quả bước đầu và những kinh nghiệm quý cần tiếp tục phát huy.

Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tháng 8/2022, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, khẩn trương vào cuộc, tổ chức 222 phiên họp của Ban Chỉ đạo và 318 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, tập trung xây dựng các quy trình, quy chế, quy định công tác; đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Khẳng định chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Nhiều địa phương đã chỉ đạo, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý như Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ðồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ðà Nẵng… Trong đó, khởi tố cán bộ nguyên là Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện như Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Ðà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lai Châu…

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, như xây dựng kế hoạch giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo rà soát, kiện toàn Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự các cấp, đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá tài sản phục vụ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực…

Trong năm 2023, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chú trọng chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đảng viên bị khởi tố, điều tra do tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện một số dự án tại địa phương, việc chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản…

Kết quả sau một năm thành lập và hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt, có tính tất yếu và phù hợp với thực tiễn; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Ðảng trong lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên,nhân dân.

Kinh nghiệm quý về lý luận và thực tiễn

Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là để đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực về cơ sở, gần nhân dân hơn, giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo điều kiện để nhân dân hiến kế, cung cấp thông tin, giám sát kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Ðây cũng là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng từ sớm, từ xa, từng bước tiến tới hạn chế nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng, tiêu cực.

Mặc dù mới đi vào hoạt động, đang trong quá trình vừa làm, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm, nhưng yêu cầu tiên quyết đặt ra là phát huy sự chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết tâm của Thường trực và từng thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2023 ngành Nội chính Ðảng và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (ngày 31/3), đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh "phải thật sự là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ"; mỗi thành viên phải "hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào".

Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, tránh hình thức; chỉ đạo rõ việc, rõ trách nhiệm của từng thành viên, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, rõ yêu cầu và thời hạn hoàn thành, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động theo đúng nguyên tắc "phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng"; không vì tập trung phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực mà xem nhẹ việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Trong phòng ngừa, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và sự hướng dẫn của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; luôn bám sát chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Các địa phương cần nâng cao chất lượng tham mưu của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, nhất là hoạt động tham mưu trong việc xem xét cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ðó là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; thông báo Kết luận số 12-TB/KL của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022; các kết luận phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, nhất là cuộc họp ngày 10/5/2023, có yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ. Ðặc biệt là chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo xử lý dứt điểm, hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công trên địa bàn.

Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, ý thức chính trị của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trước hết, cần tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức công vụ, tư tưởng liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tạo sức đề kháng mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, tránh bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất.

Trong hoạt động kiểm tra, giám sát cần tiếp tục xây dựng, ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Hiện nay, một số địa phương đã ban hành quy định như Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Cà Mau, Nghệ An… Coi trọng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội ở địa phương.

Chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, nhất là kiến nghị của các Ðoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chỉ đạo rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương, quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Cần chú trọng chỉ đạo công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn thư. Ðồng chí Bí thư cấp ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo Quy định số 11-QÐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị, qua đó tiếp nhận, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Ðồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ; kiện toàn tổ chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và phát huy vai trò của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy để nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.

TS NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG,

Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương

Theo: nhandan.vn