Thứ 4, 20/11/2024, 08:18[GMT+7]

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp Chuyển đổi số: đưa Thái Bình bứt phá vươn lên

Thứ 6, 17/11/2023 | 15:46:46
3,715 lượt xem
Ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Việc quét mã QR giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin về các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Chuyển đổi số - chuyển đổi mọi mặt của đời sống xã hội

Thành phố Thái Bình là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để tập trung phát triển kinh tế, thành phố cũng đã triển khai một số giải pháp hướng tới xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Một trong những bước đột phá của thành phố đó là gắn mã QR trên bảng tên các tuyến đường, tuyến phố tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm thông tin. 

Ông Trần Quang Khải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố cho biết: Thành phố Thái Bình hiện có khoảng 700 tuyến đường, tuyến phố, trong đó nhiều tuyến đường, tuyến phố gắn với các vị danh nhân. Trước đây, việc tìm kiếm thông tin gặp nhiều khó khăn cho người dân. Từ thực tế trên, UBND thành phố có chủ trương gắn mã QR trên bảng tên các tên đường, tên phố với mong muốn người dân tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhất. Đến nay, thành phố đã có trên 400 tuyến đường, tuyến phố được gắn mã QR, người dân rất phấn khởi. 

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, phường Phú Khánh là người xa quê lâu năm, khi trở về quê hương, thông qua việc gắn mã QR trên các tuyến đường, tuyến phố giúp chị thuận lợi trong việc đi lại. Chị Hạnh chia sẻ: Tôi về đây được hơn 1 năm và cũng chưa hiểu rõ các tuyến đường. Qua những thông tin của mã QR gắn trên tuyến đường, tuyến phố, tôi thấy rất hữu ích. Khi sử dụng điện thoại thông minh để quét mã, người dân biết được điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường, tuyến phố nên rất thuận lợi trong quá trình di chuyển. Đây là một bước chuyển biến quan trọng của thành phố khi ứng dụng kịp thời lĩnh vực chuyển đổi số, từng bước xây dựng thành phố Thái Bình hiện đại, thông minh.

Thực tế, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả. Khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát, tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, hoạt động sản xuất kinh doanh... đều có những cách làm sáng tạo giúp mọi hoạt động được thực hiện thông suốt. Đặc biệt, chuyển đổi số đã thay đổi toàn bộ công tác lãnh đạo, quản lý thông qua mạng văn phòng điện tử liên thông; các cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số để giải quyết các thủ tục hành chính, người dân giảm bớt các thủ tục hành chính. 

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố ngày càng thấy nhanh gọn và thuận lợi, bởi tất cả các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực đều đã được niêm yết công khai tại chỗ và được đăng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.thaibinh.gov.vn, rất dễ dàng tìm hiểu để phục vụ cho giao dịch. Thậm chí, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chỉ cần ngồi nhà với thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh vẫn có thể hoàn thành giao dịch.

Bứt phá vươn lên

Với quyết tâm phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực chuyển đổi số được ưu tiên hàng đầu. 

Tại các hội nghị triển khai về lĩnh vực chuyển đổi số, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển chung của xã hội, của đất nước và thế giới. Thái Bình muốn phát triển vươn lên mạnh mẽ thì phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực. Trong đó, cần tập trung vào 3 mục tiêu: nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; chuyển đổi phương thức, cách thức làm việc, trách nhiệm làm việc trên môi trường chuyển đổi số, trong đó bao gồm chuẩn hóa các quy trình và phương pháp làm việc; ứng dụng tối đa công nghệ mới để phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyên thông, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động chuyển đổi số của tỉnh tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quyết tâm đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 02, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số tỉnh ta có sự bứt phá đáng kể. Về hoạt động chính quyền số, tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng với đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Bình đã thực hiện kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thái Bình đã hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân trong độ tuổi, đủ điều kiện trên địa bàn; là một trong 19 địa phương hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn Bộ Công an giao. Cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức tỉnh Thái Bình đã kết nối liên thông, đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức phục vụ quản lý công chức, viên chức trên môi trường số.

Về hoạt động kinh tế số, ngành công thương đã ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng website; hỗ trợ 5 doanh nghiệp quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm trên website uy tín của Bộ Công Thương; hỗ trợ 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ 3 đơn vị ứng dụng giải pháp bán hàng thông minh, 3 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và nước ngoài. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã lựa chọn, hướng dẫn các hợp tác xã tham gia sàn giao dịch điện tử để trưng bày giới thiệu sản phẩm, qua đó mang lại giá trị lợi nhuận cao.
Trong hoạt động xã hội số, các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, quản lý và hoạt động chuyên môn. Điển hình như ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh thực hiện việc xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến; các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện thu, chi học phí và thu khác không dùng tiền mặt. Đến tháng 9/2023, 100% các cơ sở giáo dục đã thực hiện giao dịch thu, chi ngân sách qua cổng dịch vụ công. Ngành y tế đã xác thực dữ liệu người tham gia bảo hiểm xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tỷ lệ người tham gia đạt 97%...

Mặc dù hoạt động chuyển đổi số của Thái Bình có sự bứt phá mạnh mẽ song chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức, vì vậy chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi. Cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng xu hướng hiện nay; các cấp, các ngành và mỗi cá nhân tiếp tục đưa Nghị quyết số 02 đi vào cuộc sống, cùng hành động để bước vào cuộc cách mạng sôi động chuyển đổi số.

Giải quyết các thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Quỳnh Phụ.

Nguyễn Cường