Thứ 4, 20/11/2024, 10:47[GMT+7]

Công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ 7, 23/12/2023 | 09:12:54
1,646 lượt xem
Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 22/12, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo đã chủ trì Hội nghị công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW đối với Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra; các đồng chí thành viên Đoàn là cán bộ các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước.

Làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng và lãnh đạo các đơn vị được kiểm tra.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật trong các lĩnh vực đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, đấu giá tài sản, giám định tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

Trong đó, nổi bật là đã tham mưu ban hành Luật Đấu thầu năm 2023 và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công; ban hành nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng tăng qua các năm, đạt và vượt chỉ tiêu do Chính phủ đề ra.

 Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu tại Hội nghị.

Đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung về đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, đấu giá tài sản, giám định tư pháp trong các luật có liên quan; quan tâm hướng dẫn, đôc đốc việc thực hiện, rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, nhất là đã tham mưu Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn nhiều nội dung còn vướng mắc về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất,... Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại để Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt được trong thời gian vừa qua. Trong đó, nổi bật là đã thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm công tập trung; tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền 02 luật, 05 nghị định của Chính phủ, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 23 thông tư về đấu thầu, trong đó việc ban hành Luật Đấu thầu năm 2023 với nhiều quy định mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở quan trọng để khắc phục những sơ hở, bất cập là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tham nhũng, tiêu cực thời gian qua; đồng thời, đã chỉ đạo xây dựng, tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giám định tư pháp,… nhằm thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, đấu giá, giám định, định giá tài sản,… theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ. 

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra phát biểu tại Hội nghị.

Tích cực chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để PCTNTC thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương; kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán,…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tiếp tục chỉ đạo tiến hành rà soát, xác định những chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được thể chế hoá, cụ thể hoá thành pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ; quan tâm chỉ đạo tiến hành rà soát thường xuyên, tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ các văn bản có nội dung không đúng, không phù hợp với quy định của pháp luật; khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ những văn bản liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công,…thuộc trách nhiệm của Bộ theo kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, quan tâm chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của tổ chức, cá nhân, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng văn bản pháp luật; chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm trong việc tham mưu, ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật có thiếu sót, sơ hở, bất cập; chậm phát hiện, xử lý không kịp thời những sơ hở, bất cập trong văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, phụ trách./.

Theo: dangcongsan.vn